Tờ quyết định đình chỉ điều tra ông Huỳnh Văn Nén giữ bên người suốt 10 năm trời trong trại giam - Ảnh: Hoàng Điệp |
Cứ tủm tỉm cười suốt buổi nói chuyện. Ông bảo đã tăng được 6kg so với ngày ra trại.
Ngày 22-10-2015 trở thành một ngày đặc biệt đáng nhớ với ông Huỳnh Văn Nén, bởi đó là ngày ông được cơ quan điều tra cho tại ngoại. “Trước đó, người ta bảo tôi làm đơn xin tại ngoại để chữa bệnh, tôi cũng đã làm đơn rồi”. Ông Nén bồi hồi kể lại buổi chiều hôm đó.
Bỏ lại tất cả, chỉ giữ một mảnh giấy
Chiều đó, cán bộ trại giam nhắc ông Huỳnh Văn Nén dọn đồ đạc. Khi ấy, ông Nén nghĩ mình sẽ chuyển trại đi đâu đó, bởi việc di chuyển giữa trại này và trại kia đã trở nên quen thuộc.
“Lúc ấy đã ăn cơm chiều xong thì cán bộ báo cho biết tôi được tại ngoại”. Vậy là quãng đường từ phòng giam ra đến cổng trại không còn xa nhưng đôi chân ông Nén cứ ríu vào nhau.
“Tôi đi thẳng một mạch, như chạy ra cổng, và không một lần ngoái lại cái trại giam đó. Tôi không bao giờ muốn trở lại cái trại giam đó” - ông Nén kể.
Lâu nay ở trong trại giam, mặc quần áo nhà tù, ông Nén không có bộ quần áo thường phục nào. “Khi được ra ngoài, cán bộ trại giam cho tôi chiếc áo thun cũ để mặc. Được ra, vui quá, tôi bỏ lại tất cả mọi thứ trong trại giam để được về với cuộc sống đời thường” - ông Nén nói.
Ra đến cổng gặp người thân, người thân của ông Nén bắt bỏ lại tất cả, không được mang thứ gì về nhà.
“Mọi người sợ mang những thứ của nhà tù về rồi thì xui xẻo đeo đẳng, vậy nên anh chị của Nén bắt Nén bỏ mọi thứ lại. Tuy nhiên, Nén thì khư khư giữ một mẩu giấy, rồi Nén đưa cho tôi: Nhờ thầy giữ luôn giùm” - ông Nguyễn Thận kể về việc người tù Huỳnh Văn Nén đưa cho ông tờ quyết định đình chỉ bị can từ năm 2005 trong vụ án vườn điều.
Dấu mực đỏ cuối tờ quyết định vẫn còn tươi roi rói trên nền giấy đã ngả vàng. Ông Thận rất ngạc nhiên, bởi 10 năm đã trôi qua. Nhìn tờ giấy, ông Thận hiểu ông Nén đã gìn giữ tờ giấy ấy như con người gìn giữ sinh mạng của mình.
“Tôi cũng ngạc nhiên bởi không biết Huỳnh Văn Nén đã giữ gìn tờ giấy như thế nào, bởi 10 năm qua Nén phải di chuyển đi nhiều nơi, không ở cố định một chỗ, khi ra khỏi trại thì vứt bỏ tất cả nhưng chỉ giữ lại tờ giấy.
Tôi có hỏi Nén giữ mảnh giấy này lại làm gì, Nén nói giữ lại để chứng minh con vô tội trong vụ án vườn điều” - ông Thận run run cầm tờ quyết định đình chỉ bị can đối của Huỳnh Văn Nén, nói.
Và khi bước chân ra khỏi cánh cổng trại bằng sắt luôn đóng chặt và âm u, ông Nén nhào đến ôm chặt lấy người đàn ông gầy gò, gương mặt đầy khắc khổ đứng cùng nhiều người thân khác của ông Nén ở bên kia đường. Ông nghẹn ngào: “Thầy...”. Người đàn ông gầy gò ấy là ông Nguyễn Thận.
Ông Huỳnh Văn Nén (phải) kể cho ông Nguyễn Thận nghe chuyện ông bị đánh trong quá trình làm việc với điều tra viên - Ảnh: M.Vinh |
“Thật may là thầy tin con vô tội”
Và dù ở trong trại giam hơn 17 năm, nhưng ông Nén vẫn biết rất rõ ai là người đã ròng rã làm đơn kêu oan cho mình, ai chính là người cung cấp bằng chứng cho các cơ quan tố tụng ra quyết định giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật về tội giết người mà ông mang trên mình suốt những năm tháng qua.
Huỳnh Văn Nén giữ được nụ cười trên gương mặt dù đã 17 năm ông sống trong nhà tù. Đó là nhờ ông luôn có niềm tin rằng mình sẽ được giải oan.
Cũng chính bởi ông cương quyết cho rằng mình bị oan nên dù bị tuyên án chung thân và đã thụ án 17 năm, ông không một lần được giảm án. Trong khi nếu ngoan ngoãn nhận tội thì có thể ông đã được giảm án và đoàn tụ với gia đình.
Còn nhớ vào dịp 2-9-2015, khi đọc thông tin trên báo về đợt đặc xá với hàng chục ngàn phạm nhân sẽ được tha tù trước thời hạn, ông Nguyễn Thận đã ngậm ngùi viết những dòng cảm thán:
“Có lẽ Huỳnh Văn Nén cũng sẽ được về sum họp với gia đình như bao phạm nhân khác một thời đã lầm lỗi, thậm chí Huỳnh Văn Nén có thể được về sớm hơn một vài năm trước đây nếu như anh ta đừng kêu oan và cứ cúi đầu nhận tội”.
Nhưng “Thật trớ trêu và cay đắng, cả anh ta và gia đình cũng không có cơ hội để được hưởng cái ơn ân xá và đặc xá mà không phải năm nào cũng có.
Chính thân phận pháp lý đã không cho Huỳnh Văn Nén và gia đình lựa chọn, mặc dù đã thụ án được hơn 17 năm, người cha già Huỳnh Văn Truyện từ khi đi kêu oan cho con ở độ tuổi 75 thì nay đã 91 tuổi.
Biết bao thăng trầm trải qua với hành trình đi kêu oan cho con trong sự mỏi mòn, dài đằng đẵng” - ông Thận nói tiếp.
Điều ông Thận đặt ra không phải là không có lý. Một cán bộ làm công tác hồ sơ trong một trại giam cho biết ông Nén được xét xử theo Bộ luật hình sự năm 1985, án chung thân, nếu chấp hành nội quy trại thì chỉ cần chấp hành 12 năm tù là ông có thể được xem xét đặc xá tha tù trước thời hạn.
Cảm thông, đau xót với nỗi đau của người cha già hơn 90 tuổi là cụ Huỳnh Văn Truyện, người luôn tin rằng con mình vô tội, ông Thận nói: “Trên đôi mắt người cha ấy không còn nước mắt để mà khóc nữa.
Đôi chân ông Truyện đã dày lên những lớp chai để không còn cảm thấy đau rát trên những quãng đường dài ngược xuôi Nam Bắc kêu oan cho con. Và tấm lưng ấy cũng không thể còng hơn để ghi dấu thêm những nhọc nhằn của ông nữa. Thật may là Nén đã được minh oan”.
“Thầy hãy đòi lại công bằng giùm con”. Đó là câu nói mà ông Huỳnh Văn Nén nói với ông Thận sau những giọt nước mắt đoàn tụ với gia đình.
Ông Nén giải thích cho lý do dù vứt bỏ tất cả mọi thứ ở nhà tù nhưng riêng quyết định đình chỉ bị can trong vụ án “vườn điều” thì ông lại giữ thật chặt:
“Đây là bằng chứng về việc con bị oan trong vụ án vườn điều, con đã chấp hành bản án ấy xong rồi và con mong thầy hãy tiếp tục giúp con đòi bồi thường oan sai cho bản án 5 năm tù”. Ông Nén đã nói vậy khi cầm lấy đôi tay khẳng khiu của ông Thận.
Và cũng hơn 17 năm ròng, kể từ khi ông Thận nghe thấy tiếng Nén khóc nấc lên từng hồi trong căn phòng của UBND xã để phục vụ điều tra, ông lại nghe tiếng khóc nấc của Nén:
“Hơn 17 năm nhà tù, không tháng nào, không quý nào con không ghi vào giấy là mình vô tội. Con biết con vô tội, nhưng thật may thầy cũng tin con vô tội. Cuộc đời con, có ngày được nhìn thấy mặt trời, được ăn bữa cơm giữa gia đình và người thân như hôm nay là nhờ có thầy”.
Ông Nén đã rưng rưng nói những lời mộc mạc như vậy với ông Thận. Lời thốt ra chưa trọn, ông Nén chực quỳ xuống chân thầy. Ông Thận phải vội đỡ. Mắt người thầy đỏ hoe.
_________
Các kỳ trước:
>> Kỳ 1: Đơn tố cáo gửi lúc nửa đêm hé lộ nỗi oan Huỳnh Văn Nén
>> Kỳ 2: Lời cầu xin của một người sắp chết
>> Kỳ 3: Tình nghĩa giang hồ, coi như đã đủ!
>> Kỳ 4: Nếu anh thề bảo vệ công lý...
_____________
Kỳ tới: Vì tôi là một người thầy
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận