Thầy Đỗ Phương Anh phát dung dịch sát khuẩn miễn phí cho cô giáo trong trường - Ảnh: THÁI THỊNH
Thầy Đỗ Phương Anh, giáo viên vật lý Trường THPT Trần Cao Vân (TP Quy Nhơn, Bình Định), đã bỏ tiền túi mua máy móc để nghiên cứu, sản xuất dung dịch sát khuẩn nano có giá thị trường 350.000 - 500.000 đồng/lít để... phát miễn phí tại trường học, bệnh viện.
Thầy Phương Anh cho biết sau khi đề tài "Chế tạo nano bạc bằng phương pháp sinh học và ứng dụng trong nông nghiệp" đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ IX (2014-2015), thầy quyết định cải tiến theo hướng từ phục vụ nông nghiệp sang phục vụ con người.
Do các dụng cụ trong phòng thí nghiệm nhà trường chủ yếu phục vụ học sinh THPT nên thầy đã lấy tiền túi tích góp từ các giải thưởng đạt được, kêu gọi thêm từ các nhà hảo tâm bên ngoài để mua các loại máy ly tâm, khuấy từ... phục vụ công tác nghiên cứu.
"Đối với máy siêu âm trên thị trường giá 30 triệu đồng, không có tiền mua nên tôi đã mua các đầu dò, mạch điều khiển về và tự lắp ráp" - thầy Anh chia sẻ.
Để điều chế dung dịch mới, thầy Phương Anh đã nghiên cứu việc thêm dịch chiết hương liệu, tinh dầu sả, quế và đặc biệt là kết hợp dòng cucumin (từ củ nghệ vàng) để tái tạo tế bào mô, kháng khuẩn, sát khuẩn một cách nhanh chóng.
Thời điểm xảy ra dịch COVID-19, thay vì mất chi phí mua, Trường THPT Trần Cao Vân đã dùng dung dịch nano bạc để phun xử lý trong trường học, phòng thí nghiệm, y tế, khu vệ sinh, căngtin, nhà để xe, phòng học... và cấp cho học sinh sát khuẩn trước khi vào lớp.
Cô Võ Thị Tuyết, chủ cơ sở mầm non tư thục Tuổi Hoa (TP Quy Nhơn), cho biết sau khi lấy 50 lít dung dịch sát khuẩn từ thầy Phương Anh đã tiến hành xịt và lau dọn một số khu vực trong trường học và hiệu quả rõ ràng là muỗi và côn trùng đã ít đi rất nhiều, dung dịch có mùi thơm của tinh dầu sả, dễ chịu, không gây độc hại.
"Dung dịch sát khuẩn này giúp trường tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí khi giá thị trường hiện rất cao. Thầy Phương Anh là giáo viên trẻ nhưng đã biết vận dụng kiến thức, chất xám của mình để phục vụ cộng đồng, đó là nghĩa cử đáng quý và trân trọng" - cô Tuyết nói.
Cô Nguyễn Thị Phương Minh, hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân, cho biết bên cạnh việc nghiên cứu ở trường, trong thời gian 5 năm trở lại đây, thầy Phương Anh còn thường xuyên kết hợp với các nghiên cứu sinh ở TP Huế để thực hiện các đề tài của mình, viết những bài báo nước ngoài, thực hiện các chương trình khoa học kỹ thuật ở các tỉnh thành như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định.
Đam mê cũng là trách nhiệm
Đánh giá về dung dịch sát khuẩn nano bạc sinh học mà thầy Phương Anh chế tạo, PGS.TS Nguyễn Phi Hùng, viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm và khoa học giáo dục (Trường ĐH Quy Nhơn), cho biết đây là dòng dung dịch nano sinh học mới để kháng khuẩn, chống nấm một cách nhanh chóng.
"Quá trình tạo ra dung dịch kết hợp giữa sinh học, hóa học và vật lý vừa có tính ổn định (lặp lại) và sản xuất theo hướng công nghiệp vừa thân thiện người dùng vừa thân thiện môi trường. Việc sản xuất nhằm hỗ trợ người dân chống dịch trong thời điểm này vừa cho thấy sự đam mê trong nghiên cứu khoa học, vừa là trách nhiệm của bản thân một người nghiên cứu khoa học với cộng đồng xã hội" - PGS.TS Nguyễn Phi Hùng đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận