Thấy gì khi nhiều địa phương 'sửa sai' đặt tên xã phường?

Sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm khen cách đặt tên phường mới ở TP.HCM, một 'làn sóng' đặt tên địa danh thân thuộc cho xã phường đã lan ra mạnh mẽ trong cả nước.

đặt tên - Ảnh 1.

Tên xã mới sẽ trở thành linh hồn của một vùng đất nếu được lựa chọn theo tâm nguyện của người dân - Ảnh: HOÀNG TÁO

Trước đó các địa phương chọn đặt tên bằng các con số thứ tự khô khan. Và bây giờ, các tên địa danh đất lề quê thói trăm năm được các địa phương thay nhau đặt lại.

Tên xã, phường không chỉ là danh xưng

Những ngày này, trên khắp dải đất hình chữ S thân yêu, một cuộc "đại phẫu" toàn diện và sâu sắc đang diễn ra.

Đó là sự sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã phường, bỏ cấp huyện - một quá trình tất yếu trong guồng quay phát triển, hướng tới sự tinh gọn, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Và nổi lên một vấn đề tưởng chừng nhỏ bé nhưng chất chứa bao tâm tư, nguyện vọng, khơi dậy những dòng chảy văn hóa tiềm tàng, những trầm tích trong lòng mỗi người con đất Việt: đó là câu chuyện về cái tên.

Bởi lẽ cái tên không chỉ là danh xưng hành chính, dấu hiệu để phân biệt trên bản đồ.

Nó còn là linh hồn của một vùng đất, là nơi kết tinh những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống được bồi đắp qua bao thế hệ.

Trong âm hưởng của từng con chữ, người ta nghe thấy tiếng vọng của cha ông, cảm nhận được hơi thở của cuộc sống hiện tại và gửi gắm niềm hy vọng vào tương lai.

Thực tế thời gian qua ở không ít địa phương, khi những cái tên được công bố, được dự kiến lựa chọn đã nhận được sự quan tâm sâu sắc, thậm chí là những ý kiến khác nhau từ chính những người dân nơi đó. 

Tầng lớp nhân sĩ, trí thức, những người mang trong mình ý thức sâu sắc về cội nguồn văn hóa, đã không ngần ngại bày tỏ tâm huyết của mình. 

Họ đặc biệt chú trọng đến việc gìn giữ những cái tên mang đậm dấu ấn lịch sử, những địa danh thân thương đi vào tiềm thức của bao thế hệ.

Và rồi sau những phản hồi đó, nhiều địa phương đã lắng nghe, đã thấu hiểu. 

Những cái tên địa danh thân quen, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân được lựa chọn và trân trọng đặt lại. 

Điều đáng nói những cái tên được "tái sinh" ấy đều mang trong mình một ý nghĩa sâu sắc.

Chúng là sự kết tinh của mạch nguồn lịch sử chảy trôi qua bao thế kỷ, phản ánh chân thực những giá trị văn hóa độc đáo, truyền thống tốt đẹp đã ăn sâu vào đời sống của vùng đất đó.

Chúng là sự kết nối thiêng liêng giữa quá khứ hào hùng, hiện tại nhiều đổi thay và tương lai đầy hy vọng.

đặt tên - Ảnh 2.

Hội cù dịp đầu xuân ở xã Gio Mỹ, Gio Linh, Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG TÁO

Tôn trọng ý kiến dân, lắng nghe tiếng nói cơ sở

Một cái tên được lựa chọn một cách cẩn trọng, thấm đẫm ý nghĩa lịch sử, văn hóa sẽ trở thành một nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, động lực để cộng đồng gắn kết, cùng nhau xây dựng và phát triển quê hương. 

Nó sẽ là bài học sống động về lịch sử, về văn hóa, được truyền lại từ đời này sang đời khác, nuôi dưỡng tâm hồn và bồi đắp nhân cách cho con cháu mai sau.

Chúng ta không thiếu những minh chứng hùng hồn về sức mạnh của những tên làng, tên đất, tên sông đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của một vùng đất, một dân tộc.

Chúng không chỉ là những ký hiệu trên bản đồ, mà còn là những trang sử sống động, khơi gợi lòng tự hào và ý chí vươn lên. 

Trong câu chuyện đặt tên xã ở nhiều tỉnh, thành, nguyện vọng tha thiết của nhân dân về những cái tên cũ như tên một dòng sông, một miền quê… đã nói lên tất cả.

Chúng ta tin rằng trong quá trình xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc tôn trọng ý kiến của nhân dân, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở là nguyên tắc then chốt. 

Thấy gì khi nhiều địa phương 'sửa sai' đặt tên xã phường? - Ảnh 4.

Báo Tuổi Trẻ ngày 23-4 phản ánh "làn sóng" các địa phương chọn lại tên địa danh thân thuộc đặt cho xã phường thay vì các con số thứ tự

Quyết định về tên gọi của một đơn vị hành chính, dù ở cấp độ nào cũng cần phải được xem xét thấu đáo, dựa trên sự đồng thuận và niềm tự hào của cộng đồng.

Hy vọng những bài học kinh nghiệm từ những địa phương đã phải "sửa sai" trong việc đặt tên xã phường sẽ là lời nhắc nhở sâu sắc cho những nơi khác đang trong quá trình tương tự.

Việc đặt tên cho một vùng đất không chỉ là nhiệm vụ hành chính, mà còn là trách nhiệm văn hóa lớn lao, đòi hỏi sự tôn trọng lịch sử, sự thấu hiểu lòng dân và tầm nhìn dài hạn vì tương lai của cả cộng đồng.

Hãy để những cái tên làng, tên xã mãi mãi là những khúc ca ngân vang về hồn cốt quê hương, là sợi dây bền chặt kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, để con cháu muôn đời sau vẫn tự hào về cội nguồn, về những giá trị văn hóa độc đáo đã được cha ông dày công vun đắp.

Bởi lẽ hiểu được cái tên của một vùng quê cũng chính là hiểu được một phần sâu sắc của cuộc đời, của lịch sử và văn hóa dân tộc.

Cái tên làng, xã hồn cốt quê hương: Khi cái tên nặng nghĩa ngàn đời - Ảnh 5.Quảng Trị: Thêm nhiều huyện thay tên số sang tên lịch sử như Bến Hải, Cửa Việt, Cồn Tiên, Ái Tử

Huyện Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị) thay tên xã mới từ số và phương hướng sang tên chữ mang dấu ấn văn hóa, lịch sử sau 2 ngày lấy ý kiến người dân và vấp phải sự phản đối vì tên khô khan, cứng nhắc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên