22/09/2015 11:00 GMT+7

Thầy Dũng và con đường võ đạo

ĐOÀN CƯỜNG - THÁI LỘC
ĐOÀN CƯỜNG - THÁI LỘC

TT - Ông là võ sư nổi tiếng không chỉ ở Huế mà còn là thầy của rất nhiều thế hệ karate-do ở khắp Việt Nam và nước ngoài.

Các võ sinh của võ đường Nghĩa Dũng karate - do rèn luyện trên đỉnh Bạch Mã mùa hè 2015 - Ảnh: N.V.D.

>> Kỳ 1: Trọng võ như văn

>> Kỳ 2: Võ ta - Bạch hổ sơn quân

>> Kỳ 3: “Đặc sản” võ kinh

>> Kỳ 4: Quê hương karatedo Việt Nam

>> Kỳ 5: Tiến sĩ Ngô Đồng và môn phái mới

Ông chọn lối đi riêng cho võ đường của mình. Nhắc đến ông, người ta thường nói ông là một thầy giáo, một người cầm bút...

Con đường của thầy

Nhắc đến võ sư Nguyễn Văn Dũng - người sáng lập phân đường Nghĩa Dũng karate-do ở Huế - có lẽ ai cũng thấy... quen. Nhất là với những thế hệ sinh viên từng theo học tại Huế. Ngoài 70 tuổi, nhìn ông vẫn rất máu lửa khi nói về võ lẫn văn mới thấy “nội công” của ông thật thâm hậu.

Mở đầu câu chuyện một sáng cuối tuần, ông trải lòng mình: “Trong đời sống hiện đại, trong hàng trăm người qua đường gặp chiếc xe tang sẽ có người dừng lại, cởi mũ ra, tôi tin trong đó có người được học võ.

Những lúc ngặt nghèo, thiên tai bão lụt sẽ có người lăn xả, hiệp nghĩa thì tôi tin trong đó có người học võ. Bởi vì nếu không như vậy tôi không còn lý do gì để dạy võ nữa. Khi đào tạo ra được một con người tử tế, mình thấy hạnh phúc ghê lắm”.

Võ sư Dũng vốn xuất thân là một nhà giáo, khi võ sư Suzuki Choji đưa karate-do tới Huế, ông trở thành một trong những “đệ tử ruột” của vị võ sư người Nhật Bản này. Năm 1976 tại số 8 Trương Định (TP Huế), võ sư Dũng đã thành lập phân đường Nghĩa Dũng karate-do.

Lý giải việc đặt tên phân đường này, võ sư Dũng chia sẻ: “Nghĩa là đức nhân ái, lòng trung thành, trọng danh dự, tinh thần trách nhiệm, công minh chính trực, bao dung cao thượng. Dũng trong Nghĩa Dũng còn là sức mạnh, niềm tin, khí tiết. Những phẩm chất ấy là mục đích tối thượng mà môn sinh của phân đường Nghĩa Dũng phải luôn thành tâm tu dưỡng, hoàn thiện”.

Võ đường có phù hiệu nền hình vuông màu đỏ, vòng tròn ở giữa màu trắng. Màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, màu trắng tượng trưng cho mặt trăng.

Mục đích sau cùng của quá trình rèn luyện, tu dưỡng là thân dẻo dai, cường kiện, trí sáng ngời nhật nguyệt, tâm tĩnh lặng vô ưu. Vòng tròn và hình vuông mang thông điệp sống vuông tròn, có thủy có chung.

Theo võ sư Dũng, tháng 7-1989 tại Hà Nội, sau đợt tập huấn với chuyên gia Yamamura của Hiệp hội Karate-do Nhật Bản, hệ phái Suzucho karate-do đứng trước sự lựa chọn: giữa con đường võ đạo truyền thống của chưởng môn Suzuki Choji và xu thế thể thao hóa hiện đại.

Trong lúc hầu hết cao đồ của Suzuki Choji hòa theo khuynh hướng thể thao hóa môn võ thuật truyền thống karate-do, võ sư Nguyễn Văn Dũng vẫn kiên định con đường của thầy mình. Duy trì truyền thống, kết hợp với tinh hoa của karate quốc tế hiện đại.

Coi trọng kỹ thuật căn bản, quyền pháp, kỹ năng tự vệ, rèn luyện sức khỏe và tu dưỡng phẩm chất đạo đức.

Tuy chương trình đào luyện có nội dung thi đấu, nhưng không vì mục đích tranh giành huy chương mà coi thi đấu là phương thức để giao lưu, học hỏi, kiểm tra mình và phát hiện tài năng karate cho thể thao nước nhà.

“Cần phải có quan niệm cho đúng về võ. Sứ mệnh lớn nhất của võ là đạo làm người chứ không phải thi đấu để giành huy chương này nọ, không phải tạo ra một con gà đá” - nhấp ngụm cà phê, võ sư Dũng đúc kết.

Và có lẽ “giáo trình” dạy võ của ông cũng khá đặc biệt so với những môn phái khác. Ông chọn Bạch Mã ở phía nam tỉnh Thừa Thiên - Huế là ngọn núi biểu trưng cho võ đường.

Với môn sinh của võ đường, sau ba năm tập luyện liên tục và không vi phạm nội quy, để được mang đai đen võ sinh phải vượt qua kỳ thi gồm ba nội dung: quyền, công phá và đấu.

Riêng với võ sinh của phân đường Nghĩa Dũng trung tâm - Huế, môn đồ còn phải vượt qua thử thách là mang balô nặng khoảng 15kg cùng thầy leo lên đỉnh Bạch Mã (1.450m), vừa tham quan, vừa rèn luyện.

Sau đợt rèn luyện kéo dài 3 - 5 ngày, võ sinh phải viết một luận văn thu hoạch gồm hai nội dung: quá trình ba năm tập luyện karate-do, những thành tựu và cảm nhận về chuyến đi.

Chỉ sau khi hoàn thành luận văn, các môn sinh mới được tham dự lễ phong huyền đai - đánh dấu thời kỳ mới trên con đường hoàn thiện nhân cách.

Giáo án khá khắc nghiệt nhưng trong lòng những môn đệ, võ sư Dũng giống như một người cha tinh tế, tình cảm.

Trong cuốn sách Nghĩa Dũng karate-do, nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Hữu Thái Hòa (đệ tử của võ sư Dũng) có chia sẻ một câu chuyện ở Lâm Đồng:

“Thầy Dũng kéo tôi ngồi xuống với nhóm anh em võ sư đến từ B'Lao và nói: Các anh có biết không, ngày xưa tôi và anh Muôn (phân đường Nghĩa Dũng karate-do quận 5) từng đặc cách cho phép Thái Hòa được tập hít đất bằng găng tay để bảo vệ đôi bàn tay và tiếng đàn của em.

Karate-do chúng ta thật ra phải nuôi dưỡng võ đạo chứ không nhất thiết hơn thua và dạy cho các em biết cương, nhu đúng lúc, đúng chỗ”.

Võ sư Nguyễn Văn Dũng - Ảnh: nhân vật cung cấp

Văn của nhà võ

Võ sư Dũng đã đào tạo hàng ngàn võ sinh với con đường giáo huấn riêng của mình chú trọng đến tinh thần thượng võ. Ngày đến nhà, lão võ sư hào hứng kể câu chuyện còn nóng hổi mới đây ông đã đặc cách phong huyền đai sáu võ sinh học đến đai nâu nhưng bỏ tập từ lâu. Tại sao?

“Họ bỏ tập võ nhưng tôi theo dõi và qua người khác vẫn biết họ còn mang tinh thần của nhà võ, tôi rất tự hào về họ. Tôi mời họ về đây và phong đai đen” - võ sư Dũng hào hứng nói. Ông chia sẻ thêm: “Trong số họ có nhà báo viết những bài mà tôi phải gọi là quá “khủng khiếp”.

Đi và viết ở tận cùng Tây Bắc rồi cuộc chiến ở biên giới, rồi những Vị Xuyên (Hà Giang), ải Chi Lăng. Đó là tinh thần võ, là thượng võ, phải có võ ở trong lòng họ mới viết những bài tuyệt vời như vậy được”.

Cùng với nội lực “thâm hậu” của võ và con đường võ đạo mà ông đã theo đuổi, võ sư Nguyễn Văn Dũng còn được biết đến là một con người “thượng văn”.

Hẳn khi đọc cuốn sách bút ký Linh sơn mây trắng hay Đi tìm ngọn núi thiêng, Lời tự tình của một dòng sông, nhiều người sẽ có cảm nhận đó là một nhà văn, một nhà văn hóa uyên thâm hơn là một võ sư.

Chả thế mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng nhận định: “Tỉ dụ như bút ký Linh sơn mây trắng mà tôi xem là một thứ siêu bút ký bởi nó dám nối kết các đối tượng cách xa nhau cả ngàn năm như là núi Linh Thứu (Ấn Độ), Thiếu Lâm Tự (Trung Quốc) và Yên Tử của Việt Nam.

Nó đẹp bằng những công trình suy tưởng của ngàn xưa và cũng cay đắng với cách hành xử của con người hiện đại...”.

Còn nhà thơ, nhà phê bình Hồ Thế Hà (Trường ĐH Khoa học Huế) khi đọc ký của võ sư Nguyễn Văn Dũng đã thốt lên rằng:

“Tôi gọi đó là người lãng du tâm hồn, lãng du văn hóa, lãng du ký. Một võ sư danh tiếng, lại là một nhà giáo dạy văn chương với hành trang đầy ắp những tri thức và kiến thức đã giúp anh trở thành người cầm bút đích thực tuy muộn màng”.

Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - từng nhận xét về võ sư Nguyễn Văn Dũng: “Triết lý riêng trong việc giáo dục con người thông qua luyện võ.

Triết lý riêng trong rèn luyện môn sinh bằng kỹ thuật tinh hoa karate song hành với giáo dục phong cách của võ đường Nghĩa Dũng hoàn toàn xa lạ với quan niệm dạy võ để đấm đá hoặc chạy theo những hư danh trên võ đài”.

_________________

Kỳ tới : Ước vọng của một võ sư

ĐOÀN CƯỜNG - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên