Cố võ sư Suzuki Choji - người đã đưa karatedo đến Huế - Ảnh: N.V.D. |
Đại úy Suzuki Choji - tổ sư Phan Văn Phúc
Đầu tháng 9-2015, đại diện ban chấp hành hệ phái Suzucho Karatedo và đại diện chính quyền TP Huế đã có cuộc khảo sát căn nhà số 8 Nguyễn Chí Thanh (Võ Tánh cũ), TP Huế và bàn bạc việc xây dựng tổ đường hệ phái.
Căn nhà này từng là nơi ở của tổ sư Suzuki Choji, vừa là đạo đường của võ phái Suzucho Karatedo VN. Theo võ sư Lê Văn Thạnh, trưởng tràng hệ phái Suzucho Karatedo, cả hai bên đã thống nhất phục hồi ngôi nhà với tổng mức đầu tư gần 3 tỉ đồng. Cùng với khoản đầu tư của Nhà nước, phía hệ phái đã cam kết đóng góp 400 triệu đồng. Biến nơi đây thành nhà lưu niệm tổ sư, nơi khai sinh ra karatedo VN, vừa là điểm tập huấn nâng cao cho các đội tuyển karatedo, đồng thời là điểm tham quan, giao lưu văn hóa, trao đổi về võ học Việt - Nhật...
Vị tổ sư là chưởng môn Suzuki Choji, sinh năm 1919 tại tỉnh Miyagi, miền bắc Nhật Bản. Câu chuyện vị chưởng môn Suzuki Choji trong hành trình đưa võ karatedo đến Huế thật kỳ thú. Lúc nhỏ ông tập nhu đạo tại trường và karatedo của một thiền sư trong vùng. Năm 19 tuổi Suzuki Choji lên Tokyo lập nghiệp nhưng vẫn tiếp tục đeo đuổi võ học...
Vào năm 1940, khi Chiến tranh thế giới thứ hai đang nổ ra, Suzuki Choji bị động viên vào quân ngũ. Thời gian này, một tàu chiến của Nhật Bản mà ông tham gia chiến đấu đã bị chìm trên Thái Bình Dương, ông được một tàu đánh cá của ngư dân cứu sống rồi tới VN năm 1944. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Suzuki Choji quyết định ở lại VN, tham gia Mặt trận Việt Minh và lấy tên Việt là Phan Văn Phúc. Lúc này, ông được Mặt trận Việt Minh phân công phụ trách xưởng sản xuất dụng cụ y tế tại Chợ Chùa (Quảng Ngãi).
Trên đường đi công tác ở Quảng Ngãi, ông quen một cô gái Việt và họ đã đến với nhau. Sau đó, Suzuki Choji cùng gia đình về định cư tại Huế và mở đạo đường số 8 Võ Tánh để truyền dạy nhu đạo và karatedo.
Đến năm 1972, khi phong trào karatedo ở Huế và Đà Nẵng phát triển vững vàng, Suzuki Choji giao cho các cao đồ điều hành võ đường, rồi vào Sài Gòn làm giám đốc khách sạn Kiyo ở Khánh Hội. Tháng 12-1978, ông cùng gia đình trở về Nhật. Ông mất tại quê nhà Kasagami vào tháng 2-1995, thọ 77 tuổi.
Võ sư Lê Văn Thạnh cho biết sư phụ của mình có ba người con, có tên Việt lần lượt là Phan Thị Ngọc Mỹ (Michiko Suzuki), Phan Văn Minh Đức (Tokuo Suzuki) và Phan Văn Minh Ý (Eiji Suzuki), đều được cha truyền đạt võ thuật.
“Bông hoa” còn lại
Chúng tôi đến võ đường của trưởng tràng Lê Văn Thạnh tại con hẻm 144 Chi Lăng, gần bờ sông Hương của Huế. Ấy cũng là lúc võ sư Thạnh đang tập huấn quyền và những kỹ thuật song đấu (kumite) cho hai học trò từ phương xa mới về. Đó là anh Đặng Công Hùng, trưởng bộ môn Suzucho Karate Úc và anh Huỳnh Việt Bình, huấn luyện viên CLB Karate Q.4, TP.HCM.
Phía trên sân tập là bàn thờ có di ảnh của tổ sư Suzuki và người vợ Nguyễn Thị Minh Lệ. Võ sư Thạnh đặt tên võ đường này là Bodankumi, cũng là tên khóa võ học đặc biệt thầy Suzuki mở vào năm 1964, mà ông là một trong bảy môn đệ. Khóa này học gấp đôi các khóa bình thường, nhằm truyền tải tất cả những tinh túy của karatedo để trở thành huấn luyện viên giỏi.
Theo diễn giải của người thầy: “Bodankumi là tên một loài hoa quý ở Nhật, mỗi cây chỉ có một hoa!”. Năm 1973, ông được tổ sư cử làm trưởng tràng của hệ phái, đến nay làm được bốn nhiệm kỳ. Võ đường Bodankumi hiện đang thu nhận nhiều đệ tử lứa tuổi học sinh, thông qua sự trui rèn của thầy Thạnh, nếu có những tố chất thi đấu thể thao sẽ chuyển sang cho đội tuyển của tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục tập luyện tham gia các giải thành tích cao. Sàn tập này cũng là nơi các huấn luyện viên karatedo nhiều tỉnh, thành thường xuyên về tập huấn võ thuật...
Võ sư Thạnh có ba người con trai đều theo nghiệp võ. Con trai cả là võ sư Lê Văn Phước hiện làm trưởng bộ môn karatedo của ngành thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu. Con trai kế là võ sư Lê Văn Lộc, phó trưởng tràng hệ phái Suzucho Karatedo, hiện là trưởng bộ môn karatedo của Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế. Con trai út là Lê Văn Thọ, trưởng bộ môn karatedo của ngành thể thao TP Huế. Thế hệ thứ ba của ông cũng mấy cháu theo nghiệp võ...
Võ sư Lê Văn Thạnh tập huấn cho hai môn đệ là Huỳnh Việt Bình và Đặng Công Hùng, có sự trợ giúp của người con trai là võ sư Lê Văn Lộc - Ảnh: Thái Lộc |
Tỏa khắp thế giới
Sau võ đường karatedo tại số 8 Võ Tánh, võ sư Suzuki Choji mở võ đường mới tại Trường ĐH Sư phạm Huế và giao cho học trò Ngô Đồng đảm trách. Người học trò khác là Hạ Quốc Huy vào Đà Nẵng mở võ đường. Một số môn đệ của thầy Suzuki, gồm cả võ sư Nguyễn Văn Dũng đã đưa karatedo vào Sài Gòn truyền bá.
Sau năm 1975, hai võ sư Nguyễn Văn Dũng và Lê Văn Thạnh đưa karatedo ra phát triển ở Hà Nội. Khoảng thập niên 1980, võ sư Nguyễn Văn Dũng tiếp tục đưa karate ra các tỉnh bắc miền Trung, từ Quảng Trị đến Thanh Hóa, sau đó đưa vào Quảng Nam và Quảng Ngãi... Ở miền Nam, hai môn đệ của thầy Suzuki là Trương Đình Hùng và Trương Dẫn đưa môn võ này phát triển rộng khắp các tỉnh, thành...
Thật ra trước đó, Suzuki Choji sang VN với hành trang là karate “cổ” mà ông học được từ thập niên 1930 rồi truyền bá cho học trò. Trong khi ở Nhật Bản vào thập niên 1950, môn võ này đã được hệ thống hóa theo hướng hiện đại và phát triển thành trào lưu quốc tế. Năm 1989, karatedo VN có một mốc dấu quan trọng, khi võ sư Yamamura từ Nhật Bản sang Hà Nội tập huấn karatedo hiện đại cho các võ sư karatedo VN. Karatedo VN đã nhanh chóng “hòa mạng” thế giới với không ít cách tân sau khi tiếp nhận “làn gió mới” này.
Không chỉ phát triển rộng khắp các tỉnh thành ở trong nước, nhiều võ sư đã đem karatedo Việt tỏa đi khắp thế giới. Võ sư Hạ Quốc Huy sang Mỹ phát triển phong trào karatedo VN. Võ sư Ngô Đồng cũng đưa môn võ này sang Mỹ. Võ sư Nguyễn Văn Dũng thì lan tỏa karatedo Việt đến Canada, Úc, Nga, Tiệp Khắc, Slovakia, Ba Lan... Võ sư Lê Văn Thạnh đưa karatedo Việt sang truyền bá ở Lào...
“Karate là môn võ của Nhật Bản. Nhưng khi du nhập qua VN thì người Việt rèn luyện cộng với tinh thần chiến đấu của người mình và lối đánh, thể chất của người mình trở thành môn võ rất lợi hại, mang đậm chất VN và chất Huế” - võ sư Lê Văn Thạnh. “Sự xuất hiện của đạo đường karatedo số 8 Võ Tánh đã thổi vào làng võ VN một sắc thái mới: tính tập thể, tính khoa học và hiện đại. Đưa vào VN một nét đặc trưng của võ đạo karatedo: chữ Lễ. Cũng là Lễ nhưng trong võ đạo karatedo khác với “tam cương ngũ thường” của Nho giáo. Lễ trong võ đạo karatedo dựa trên tinh thần bình đẳng, kính mà không sợ, tôn trọng mà không sùng bái, lễ phép mà không luồn cúi, mềm mỏng mà không nhu nhược” - võ sư Nguyễn Văn Dũng. |
__________
Kỳ tới: Tiến sĩ Ngô Đồng và môn phái mới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận