Phóng to |
PGS.TS Hoàng Ngọc Giao - Ảnh: Nguyễn Khánh |
PGS.TS Hoàng Ngọc Giao nói: “Qua vụ việc điển hình của ông Nguyễn Thanh Chấn, chúng ta có cơ hội nhìn lại để thay đổi. Và nếu chúng ta dám làm, tôi tin chắc những vụ bức cung, án oan không hết nhưng sẽ được giảm thiểu”.
“Anh có quyền im lặng...”
"Ngoài việc xem xét trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự những người tạo oan sai cho ông Chấn, cần xem xét luôn trách nhiệm bồi thường của họ. Họ làm sai, họ có trách nhiệm phải bồi thường, không nên lấy tiền thuế của dân để đền bù" PGS.TS HOÀNG NGỌC GIAO |
* Điều băn khoăn qua vụ án không chỉ là quá trình thực thi công lý của VN, mà cả trách nhiệm của cơ quan chức năng nữa. Không hiểu sao họ có thể kết tội một người dễ như thế?
- Dư luận đang chủ yếu nhằm vào tòa án, nhưng trách nhiệm nặng hơn phải ở viện kiểm sát chứ. Nhiều trường hợp luật sư rất khó tiếp cận thân chủ để bảo vệ, vì có quan điểm cho rằng ở VN ngoài cơ quan điều tra đã có viện kiểm sát giữ vai trò giám sát, đảm bảo tuân thủ pháp luật rồi. Viện kiểm sát với trách nhiệm của mình lại để cơ quan điều tra mớm cung, ép cung, tạo dựng hồ sơ, để tòa xử sai... thì vai trò của họ rất lớn, hơn cả tòa án.
* Luật sư được tham gia hỏi cung sẽ tránh được ép cung. Thực tế việc này ở VN như thế nào, thưa ông?
- Tại các nước văn minh, để có công lý, luật nói rất rõ ràng điều đầu tiên điều tra viên phải nói với người dân khi tạm giữ họ là: “Anh có quyền im lặng. Mọi lời nói của anh có thể chống lại anh. Anh có quyền mời luật sư”. Nếu điều tra viên không chứng minh được đã nói câu này, mọi hoạt động tiếp theo của anh ta có thể được coi vô hiệu. VN cũng quy định ngay khi tạm giữ hình sự, trong 24 giờ cơ quan điều tra phải cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Nhưng trên thực tế luật sư VN rất khó được tham gia. Vì người bị tạm giữ đã ở trong trại rồi, nếu không có thân nhân thì phải có chữ ký của bị can, luật sư mới được bào chữa. Nhưng có trường hợp luật sư đến, cán bộ điều tra ra bảo “bị can nói không cần luật sư nữa”. Thậm chí ngay cả khi có giấy chứng nhận bào chữa rồi, luật sư đến gặp bị can thì trại giam trả lời cán bộ điều tra đi vắng, bận họp... Ngoài ra, giấy chứng nhận bào chữa không có giá trị bắt buộc, nên nhiều khi muốn được vào gặp bị can còn tùy thuộc mối quan hệ, “hiểu nhau” thì tạo điều kiện, còn không thích thì thôi. Rồi còn rất nhiều lý do như quá trình điều tra, phải giữ bí mật, tránh thông cung... Rất tùy tiện nên mới sinh ra nhiều chuyện như vậy.
Ghi âm, ghi hình
* Câu hỏi lớn nhất là làm gì để tránh những Nguyễn Thanh Chấn tiếp theo?
- Theo tôi, nghị quyết, luật có hết rồi. Chỉ cần Bộ Công an ban hành thông tư hay quy trình nghiệp vụ, có chế tài cụ thể, chỉ đạo thực hiện nghiêm sẽ giảm được rất nhiều khả năng ép cung, án oan. Ví dụ chuyện luật sư tham gia, luật nêu rồi, phải bắt buộc làm. Một điều nữa, các nước đều làm là trong phòng lấy lời khai bắt buộc phải có camera giám sát để ghi hình, ghi cả tiếng. Bản ghi hình đó phải được coi là một hồ sơ trong vụ án. Nếu đưa đương sự ra chỗ khác “tra”, lời khai không được ghi nhận trong băng sẽ bị coi vô hiệu. Điều này có thể làm ngay, nó cũng có lợi cho cả cơ quan điều tra. Bởi nhiều trường hợp ra tòa bị cáo phản cung, nói tôi không khai thế, bị ép cung. Có băng ghi thì sẽ không cãi được, đỡ khó cho tòa, mất uy tín cơ quan điều tra.
* Nhưng như thế chưa đủ, bởi điều tra viên có rất nhiều cách khác?
- Theo tôi, VN nên học theo kinh nghiệm các nước phát triển là tách cán bộ quản lý trại giam khỏi ngành công an, đưa sang ngành tư pháp, bởi ngành này quản lý việc thi hành án. Điều này rất quan trọng. Trước đây, Bộ Tư pháp đã nhận ra vấn đề, đề nghị vào luật nhưng chưa được chấp nhận. Nay đã đến lúc chúng ta nghiêm túc xem lại. Các nước đa số làm thế rồi. Cần thể hiện quyết tâm cải cách tư pháp.
* Quan trọng nhất là hiện nay cơ chế bắt người, cơ quan điều tra quyền lực to quá?
- Ở các nước, muốn khởi tố bắt tạm giam người, cơ quan điều tra phải có căn cứ chứng minh phạm tội, có điều kiện cụ thể. Như Mỹ, cơ quan điều tra biết mười mươi có ma túy ở tòa nhà kia nhưng họ phải theo dõi ngày đêm, chụp ảnh, quay phim để có bằng chứng, trình tòa rồi mới có thể được lệnh khám. VN thì ngược lại, chỉ cần có cái gọi là dấu hiệu phạm tội theo đánh giá của cơ quan điều tra, hay có lời khai là đã có thể khởi tố bắt người. Lời nhận tội có thể là do hứa hẹn, kiểu “cứ khai đi, không sao đâu”, người dân không biết nên ký, thế là bắt luôn. Đó không phải điều tra bằng nghiệp vụ mà bằng quyền lực, rồi từ đó “đào” tiếp. Mà nhiều khi “đào” tiếp sự việc không như anh nghĩ, thả ra thì ảnh hưởng đến thành tích, uy tín cả cơ quan và bản thân, thế là anh dựng hồ sơ, ép cung...
Bên cạnh án oan, số người chết tại cơ quan công an thời gian gần đây do tự tử hay... bị bệnh, chỉ theo thông tin trên báo chí thôi, đã đáng báo động trong hệ thống tư pháp. Nếu không quyết liệt đưa ra biện pháp cần thiết, tác động xã hội sẽ khôn lường đối với cả hệ thống chính trị.
Điều tra viên phủ nhận ép cung ông Nguyễn Thanh Chấn Ngày 10-11, đại tá Phạm Văn Minh, giám đốc Công an Bắc Giang, cho biết các điều tra viên thuộc tổ điều tra vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn thời điểm năm 2003 đã có báo cáo giải trình. Theo đó, họ khẳng định không đánh đập, không ép cung hay hướng dẫn ông Nguyễn Thanh Chấn khai như cáo buộc của ông Chấn tại đơn tố cáo. Sáng 10-11, lãnh đạo Tỉnh ủy Bắc Giang đã nghe ban giám đốc Công an tỉnh báo cáo về các vấn đề liên quan đến vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn. Báo cáo tại buổi làm việc này, đại tá Phạm Văn Minh trình bày các điều tra viên phủ nhận việc ép cung, bức cung và hướng dẫn khai đối với ông Chấn. Do đó, việc xem xét trách nhiệm của các điều tra viên này phải chờ cấp trên. Theo đại tá Nguyễn Văn Chức - chánh văn phòng Công an Bắc Giang, có bức cung, mớm cung hay không thì chưa rõ, nhưng thẩm quyền của việc điều tra kết luận này thuộc về Viện KSND tối cao. Ông Chức cũng cho biết các cán bộ trong tổ điều tra vụ án gồm Thái Xuân Dũng, Lê Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyến, Ngô Đình Dung, Trần Nhật Luật, Đào Văn Biên, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Hữu Tân. Ông Tân đã mất nên chỉ có bảy người phải báo cáo tường trình. Những người này đều đang là lãnh đạo, chỉ huy cấp huyện và cấp phòng. Hiện nay, Công an Bắc Giang chưa có xử lý gì về mặt chức vụ hay công tác vì phải chờ ý kiến chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Công an. Thời điểm năm 2003, khi xảy ra vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Phạm Văn Minh là thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra. Tuy nhiên, việc xem xét trách nhiệm đối với ông Minh chưa được đặt ra. MINH QUANG |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Không có chuyện bắt giữ người trái luậtBài học lớn về thiết chế kiểm soátCông lý và lương tâmÔng Chấn và nghị trườngCông an Bắc Giang thừa nhận “đây là việc tày đình”Làm thế nào để chống bức cung?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận