10/11/2013 08:07 GMT+7

Làm thế nào để chống bức cung?

Ông PHẠM CÔNG HÙNG (Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)
Ông PHẠM CÔNG HÙNG (Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

TT - Đây là câu hỏi mà chúng tôi đã đặt ra với những người tiến hành tố tụng nhằm tìm kiếm những giải pháp khả thi.

* Luật sư NGUYỄN TIẾN TÀI:

Án oan, hãy nhìn thẳng vào sự thật

b2KoMO0k.jpg
Luật sư Nguyễn Tiến Tài - Ảnh: N.T.T.
Trong lịch sử tố tụng nước ta đã xảy ra nhiều vụ án oan gây chấn động như vụ án vườn điều (Bình Thuận), vụ án Bùi Minh Hải (Đồng Nai)... Và mới đây dư luận lại sôi lên với vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn. Phải nói thẳng ra rằng cũng như các vụ án oan khác, vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn tiếp tục phơi bày những khiếm khuyết trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử.

Trước hết là tình trạng ép cung, nhục hình. Với tâm lý muốn phá án nhanh, không ít điều tra viên đã coi việc đe dọa, đánh đập hoặc dùng những cách thức nhục hình khác đối với nghi can là một “nghiệp vụ” đương nhiên cho dù pháp luật nghiêm cấm.

Việc ép cung, nhục hình không chỉ xâm hại đến nhân phẩm, sức khỏe của người khác mà còn gây ra thảm họa oan sai. Điều đáng nói là trong khi đó lại thiếu vắng một cơ chế giám sát hữu hiệu để ngăn ngừa tình trạng ép cung, nhục hình.

Luật tố tụng hình sự cũng quy định cho luật sư được quyền có mặt khi hỏi cung bị can, tuy nhiên lại không quy định đây là yêu cầu bắt buộc nên không phải bao giờ luật sư cũng có mặt trong các cuộc hỏi cung để có thể giám sát đầy đủ.

Điều cần nói thêm là có vẻ như câu chuyện đầy bi kịch trên vẫn thấp thoáng hằng ngày ở đâu đó. Tiếng nói của người dân, kể cả lời trình bày của luật sư, vẫn không dễ gì được lắng nghe trong các phiên tòa.

* Ông NGUYỄN VĂN CHUNG(viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận 3):

Vẫn xảy ra chuyện bức cung

Việc bức cung do ý chí chủ quan của điều tra viên. Cơ quan điều tra nói cấm ép cung, bức cung và dùng nhục hình nhưng trên thực tế việc đó không tránh khỏi. Vẫn xảy ra việc điều tra viên đánh nghi phạm, trong lúc đau quá nghi phạm phải nhận rồi kêu oan sau. Lúc này trách nhiệm xem xét là của viện kiểm sát, của tòa. Tôi cho rằng ở những vụ oan sai mà tòa và viện kiểm sát không phát hiện là bởi cơ quan điều tra làm hồ sơ “khéo” quá, lời khai khớp, các chứng cứ cũng khớp với nhau.

Tôi muốn nói rằng khi bị can có lời kêu oan thì kiểm sát viên phải hết sức chú ý. Nếu cứ áp dụng ý chí chủ quan của mình là nghi phạm kêu bậy bạ, linh tinh thì dễ làm oan.

* Trung tá NGUYỄN TRÍ NGHĨA(Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.HCM):

Làm điều tra phải có tâm

Tôi có nhiều năm làm điều tra viên, trước đây ở đội điều tra truy xét trọng án, sau này chuyển về đội điều tra trọng án. Các đối tượng tôi tiếp xúc thuộc đủ thành phần, từ trí thức trình độ cao, người lao động chân tay cho tới các thành phần bất hảo vào tù ra khám như cơm bữa. Tuy nhiên, từ khi làm công tác điều tra tới nay tôi chưa bao giờ giơ tay tát một đối tượng nào để buộc họ phải khai nhận hành vi hay làm theo ý chí của mình.

Bắt được đối tượng về rồi, việc làm sao để đối tượng khai ra hành vi của mình, khai đúng sự thật, đúng bản chất của hành vi và động cơ, mục đích, diễn biến trước, trong và sau khi gây án thế nào là điều không hề dễ dàng. Nhiều đối tượng còn lên cả kế hoạch chối tội. Tuy nhiên, không có một kịch bản chối tội nào “hoàn hảo”, quan trọng là điều tra viên có tìm ra được kẽ hở, chứng minh được và khai thác đúng điểm yếu để buộc đối tượng phải tâm phục khẩu phục khai nhận hay không.

Tôi thường không bắt đầu điều tra vụ án bằng việc xét hỏi đối tượng mà sẽ nghiên cứu hồ sơ vụ án trước. Đặc biệt, tôi luôn tìm hiểu thông tin chi tiết về đối tượng như môi trường sống, làm việc, trình độ văn hóa, chuyên môn, hoàn cảnh gia đình, tôn giáo, sở thích, thói quen... Trước khi vào cuộc xét hỏi, ghi lời khai, tôi đã hình dung rõ ràng người ngồi trước mình là ai để chuẩn bị phương án khai thác hiệu quả nhất. Tôi cũng không bắt đầu bằng những câu hỏi liên quan tới vụ án, mà thường tạo sự gần gũi, thông cảm và chia sẻ với đối tượng. Có khi câu chuyện mà đối tượng chia sẻ không liên quan tới vụ án, nhưng thể hiện rất nhiều về tâm tư, tình cảm, cách sống, có thể dùng để thuyết phục đối tượng khai báo.

Có vụ án đối tượng là một thanh niên gây ra vụ giết người cướp tài sản nhất quyết không thừa nhận bất cứ sự liên hệ nào. Qua hồ sơ, cách nói chuyện thì tôi hiểu thanh niên này rất sùng đạo, tôi không nói về vụ án, mà lan man sang chuyện bàn luận về các lời răn của Chúa. Bất ngờ tôi hỏi: “Cháu có thấy cháu làm gì sai với lời răn của Chúa không?”, thanh niên này im lặng cúi đầu. Chỉ trong một giờ đồng hồ, tại chính địa phương nơi thanh niên này đang lẩn trốn, toàn bộ bản chất, diễn biến, động cơ gây án được làm rõ.

Với tôi, người làm điều tra phải không ngừng học hỏi, học hỏi ở mọi lúc mọi nơi để nâng cao sự hiểu biết về cả chuyên môn lẫn kiến thức xã hội của mình. Kiến thức càng rộng, càng sâu thì việc nhận định, đánh giá những yếu tố liên quan tới vụ án càng sâu sắc, gần với bản chất hơn.

Người làm điều tra phải có tâm và sự đam mê công việc vì nếu không có hai yếu tố này, người làm điều tra càng giỏi càng dễ chủ quan, mắc vào bệnh ham thành tích, “đánh án” bằng mọi giá thì việc dẫn tới oan sai hay bỏ lọt tội phạm là khó tránh khỏi.

Có những vụ án, bằng cảm nhận của người làm điều tra có thể thấy rõ đối tượng gây án là ai, nhưng khi chưa đủ yếu tố để khẳng định, bắt giữ, chúng tôi buộc phải chấp nhận đeo bám, dùng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra tới khi có đầy đủ tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng, chứ không bắt giữ, làm án bằng mọi giá.

* Ông PHẠM CÔNG HÙNG(thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao):

Tòa có thể phát hiện chứng cứ ngụy tạo

LBzaxBYK.jpg
Ông Phạm Công Hùng - Ảnh: Hoàng Điệp
Vụ việc xảy ra đối với ông Nguyễn Thanh Chấn là một nỗi xót xa, đau đớn không bút nào tả xiết, không khác gì một vết dao cứa vào lồng ngực. Đây không chỉ là nỗi đau của cá nhân tôi mà còn là nỗi đau của ngành tư pháp, bởi đâu đó người dân đang nghĩ rằng sẽ còn những “ông Chấn” khác nữa đang bị oan sai.

Hơn 30 năm làm thẩm phán, không ít lần tôi được nghe các bị cáo khai bị ép cung. Bằng niềm tin nội tâm, tôi tin những lời nói của bị cáo là đúng. Tuy nhiên, hiện nay trong tất cả các bản cung được thực hiện tại cơ quan điều tra đều có dòng cuối cùng ghi rằng: “Tôi đã nghe, đã đọc và đồng ý với bản cung này”, đồng thời bị can đều phải ký tên và điểm chỉ vào đó. Việc xác nhận đã được đọc, nghe, đồng ý và điểm chỉ, ký tên là một trong những quy trình rất chặt chẽ, do đó rất khó có thể tìm được bằng chứng về việc cán bộ điều tra ép cung, nhục hình với các bị cáo.

Khi xét xử phúc thẩm những vụ án mà bị cáo kêu oan và khai sở dĩ đã nhận tội bởi bị bức cung, tôi xem xét rất kỹ các chi tiết trong hồ sơ vụ án. Kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng chỉ cần cẩn trọng, có tâm sẽ phát hiện bởi quá trình tạo dựng chứng cứ, bằng chứng thể nào cũng có những sai sót, sơ sểnh.

Nếu thẩm phán cẩn trọng hoàn toàn có thể phát hiện những chi tiết bất thường trong một vụ án có dấu hiệu ép cung, nhục hình và ngụy tạo chứng cứ từ cơ quan điều tra.

Để hạn chế oan sai thì buộc phải tránh bức cung nhục hình. Muốn vậy, phải để luật sư tham gia ngay từ đầu và thực hiện các quyền của luật sư. Thậm chí, tôi cho rằng luật pháp cần thiết phải có điều khoản quy định: mọi lời khai của bị can nếu không có sự chứng kiến của luật sư là vô giá trị!

"Nếu thẩm phán cẩn trọng hoàn toàn có thể phát hiện những chi tiết bất thường trong một vụ án có dấu hiệu ép cung, nhục hình và ngụy tạo chứng cứ từ cơ quan điều tra"

"Luật tố tụng hình sự cũng quy định cho luật sư được quyền có mặt khi hỏi cung bị can, tuy nhiên lại không quy định đây là yêu cầu bắt buộc nên không phải bao giờ luật sư cũng có mặt trong các cuộc hỏi cung"

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Không có chuyện bắt giữ người trái luậtBài học lớn về thiết chế kiểm soátCông lý và lương tâmÔng Chấn và nghị trườngCông an Bắc Giang thừa nhận “đây là việc tày đình”

Ông PHẠM CÔNG HÙNG (Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên