09/11/2013 08:00 GMT+7

Công lý và lương tâm

NGUYÊN LÂM
NGUYÊN LÂM

TT - Những ngày này, tên ông Nguyễn Thanh Chấn, người phải chịu nỗi oan giết người, ngồi tù trong 3.650 ngày qua, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người.

Vụ án làm người viết nhớ lại một câu chuyện ở Việt Nam, trong đó khi một giáo sư luật giảng bài cho một lớp cao học luật đã nói thẩm phán cần phải xét xử theo lương tâm của mình. Các học viên người thì ngỡ ngàng trong im lặng, người thì ồ lên phản đối, làm gì có chuyện đó thầy ơi, thế thì chết à thầy...

Đúng là nghe không quen, có vẻ nghịch lý, thế nhưng đó mới là chuẩn mực cao nhất của một thẩm phán đã được nhiều nước tuân theo. Ở Việt Nam, ngay từ năm 1946, theo sắc lệnh số 13 về tòa án do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, “mỗi thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình”. Chỉ tiếc rằng xét xử theo lương tâm sau đó ở nhiều nơi đã không được áp dụng như một chuẩn mực trong thực tiễn hoạt động của tòa án ở Việt Nam. Lương tâm không thay được pháp luật, nhưng nó là điều mách bảo thẩm phán phải làm gì đúng đắn nhất trong tình huống phức tạp. Lương tâm thúc giục thẩm phán trước hết là con người nhìn vào một con người khi xét xử, soi rọi mọi ngóc ngách của vụ việc để xem có gì oan khuất đằng sau đó. Xét xử theo lương tâm, thẩm phán ra phán quyết xong có thể thanh thản với lương tâm của mình.

Mặt khác, thẩm phán cũng phải tuyên nhân danh công lý đưa ra quyết định cuối cùng. Dĩ nhiên thẩm phán không phải là công lý, ông/bà ấy chỉ được quyền nhân danh công lý khi ra phán quyết gần với công lý nhất. Nếu như lương tâm thuộc về bên trong con người thẩm phán thì công lý là chuẩn mực từ bên ngoài, soi rọi, giúp thẩm phán phán xét công tâm, công bằng, đúng đắn. Ngay từ năm 1946, sắc lệnh số 13 đã khẳng định “Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý”; các phụ thẩm phải “thề trước công lý và nhân dân...”. Các văn kiện như nghị quyết số 49 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng yêu cầu các cơ quan tư pháp, nhất là tòa án, phải có nhiệm vụ bảo vệ công lý.

Cuối cùng, để thẩm phán có thể xét xử theo lương tâm, nhân danh công lý, để thực hiện đúng nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo đảm tranh tụng, sự độc lập của tư pháp là hết sức quan trọng. Trong đó cần nhấn mạnh độc lập của thiết chế tòa án và độc lập của thẩm phán. Độc lập thể hiện từ việc công nhận, bổ nhiệm, kỷ luật thẩm phán phải do các tổ chức độc lập, chuyên ngành tòa án đảm nhiệm. Các thẩm phán sẽ chỉ “trọng pháp luật và công lý”, không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án.

Sau 10 năm đằng đẵng ngồi tù, 10 năm vợ con chịu bao nỗi khổ, ông Chấn cũng đã được trả lại tự do. Cho dù có bồi thường đến mức nào thì cũng không thể bù đắp được những nỗi oan khiên mà ông và vợ con phải chịu. Để tránh đến mức thấp nhất nguy cơ xuất hiện những trường hợp như vậy, nền tư pháp của Việt Nam cần phải có những thay đổi căn bản như đã nói ở trên, trước hết là phải cảm nhận được những phận người đằng sau mỗi dòng hồ sơ án. Cải cách tư pháp, cải cách pháp luật hay cải cách gì nữa mà vẫn để vị đắng chát đó đọng lại trên những gương mặt khắc khổ, đau đớn của mỗi phận người như trường hợp của ông Chấn thì những cuộc cải cách như vậy vẫn chưa thể gọi là thành công.

NGUYÊN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên