Nhu cầu giáo viên ở một số nơi đang thiếu tuy nhiên vẫn chưa được tuyển dụng nên phải sử dụng giáo viên hợp đồng. Trong ảnh: một giáo viên hợp đồng ở huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk trong giờ dạy - Ảnh: TRUNG TÂN
Theo báo cáo giải trình của Bộ GD-ĐT, tính tới ngày 15-8-2018, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định thì số giáo viên các cấp hiện còn thiếu là gần 76.000 người.
Do không thể điều tiết giáo viên được giữa các môn học, giữa các địa phương trong cùng một tỉnh, thành và giữa các tỉnh, thành trên cả nước nên một nghịch lý vẫn tồn tại là vừa thiếu, nhưng cũng vừa thừa giáo viên.
Trong khi đó, trên 40.000 đề xuất biên chế của ngành GD-ĐT của 29 tỉnh, thành gửi lên Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT chưa được xem xét. Hàng ngàn giáo viên đang dạy hợp đồng nuôi ước mơ "biên chế" từ năm này qua năm khác.
Giáo dục học sinh phải có một quá trình, theo dõi tâm lý, chất lượng của học sinh để có biện pháp uốn nắn, nhưng chính sách hợp đồng giáo viên như vậy có phù hợp với lại ngành giáo dục hay không?
Bà ĐÀNG THỊ MỸ HƯƠNG (Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận)
Hai vợ chồng cô Trần Thị Xuân đều là giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Ana, Đắk Lắk và cùng trải bao cay đắng, vất vả với danh phận bấp bênh của mình.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhiều lần cô Xuân rơm rớm nước mắt vì "thân phận giáo viên hợp đồng".
Vợ gần 5 năm theo nghề, chồng đã hơn 7 năm nhưng vẫn luôn thấp thỏm với công việc vì chẳng biết rồi sẽ ra sao. Lương thì quá thấp, tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng nên cả gia đình ba người vẫn phải sống chung với ông bà ngoại.
"Với mức lương này cả đời vợ chồng tôi cũng chẳng thể xây nổi căn nhà chừng 300 triệu để ở. Tôi đã bảy năm là giáo viên hợp đồng, đã đến lúc thấy mệt mỏi nhưng vợ thì không. Cô ấy luôn có ước muốn cháy bỏng là chỉ làm cô giáo mà thôi", thầy giáo Đặng Anh Phương, chồng cô Xuân, tâm sự.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng cô Xuân luôn hi vọng huyện sẽ tổ chức thi tuyển giáo viên trong vài năm tới, khi đó cô sẽ có biên chế, sẽ chính thức thôi thấp thỏm, lo lắng.
Chính vì hi vọng đó, suốt bốn năm qua, cô Xuân đã học liên thông xong đại học sư phạm, có chứng chỉ tin học, Anh văn chuẩn quốc tế.
"Nếu ở nhà dạy thêm tiếng Anh, tin học tôi cũng dư giả để sống. Nhưng quy định là cấm dạy thêm nên tôi chấp hành, tôi muốn theo đuổi nghề giáo. Tôi muốn đến trường mỗi ngày để gặp các em học sinh, muốn truyền dạy kiến thức, kỹ năng sống cho các con", cô Xuân tâm sự.
Năm 2011, thầy Phương tốt nghiệp và được nhận về dạy hợp đồng "trong chỉ tiêu biên chế" môn Toán tại Trường THCS Băng Ađrênh (xã Băng Ađrênh, Krông Ana).
Như bao giáo viên khác, thầy Phương khát khao được đi dạy, nhất là ở nơi gần gia đình, quá thuận tiện. Vì vậy thầy nỗ lực trong công việc chuyên môn, tham gia nhiệt tình nhiều hoạt động của nhà trường.
Thế nhưng hơn 7 năm mòn mỏi, thầy vẫn chỉ được dạy hợp đồng, ngày ngày đi dạy hơn 10km. Bảy năm trôi qua, bao nhiêu nhiệt huyết với nghề được chính thức là "nhà giáo có biên chế" trong thầy cũng cạn kiệt dần.
"Ba năm trước có một kỳ thi tuyển giáo viên nhưng lúc đó họ nói tôi chưa đủ thời gian (48 tháng) để được tham dự kỳ thi. Năm vừa rồi, tôi đi dạy phụ đạo được hơn 4 triệu mà trường cũng không trả, nói đã lỡ tiêu vào việc khác. Tôi biết kêu ai?", thầy Phương nói.
Đã khổ thêm khó, vừa qua cô Xuân cũng đã bị huyện cắt tiền đứng lớp. Sau khi rà soát, huyện Krông Ana đã tiếp tục chi trả cho các giáo viên hợp đồng khác, riêng cô Xuân, nhà trường trả lời là "giáo viên hợp đồng tạm tuyển" nên vẫn chưa được chi trả.
"Tôi hỏi thì hiệu trường nói cứ chờ mà không biết đến bao giờ, có được chi trả hay không? Giáo viên hợp đồng phụ thuộc vào trường để được đi dạy, cũng không biết ý kiến đến ai. Tôi không phải sợ mất việc rồi không có gì để kiếm sống, chỉ vì quá muốn đi dạy cho thỏa ước mơ nên đôi lúc chịu thiệt thòi hơn các đồng nghiệp khác", cô Xuân nói.
Đồng lương giáo viên hợp đồng quá thấp, để sống được với nghề vợ chồng cô Xuân buộc phải xoay xở làm thêm đủ nghề để tăng thêm thu nhập.
"Lúc rảnh rỗi tôi gom mua bơ, mật ong rồi quảng cáo trên Facebook để tìm các mối hàng để bán kiếm tiền. Mỗi tháng cũng thêm được vài triệu để xoay xở thêm tiền sữa, tiền học cho con".
"Nếu không có thêm các khoản thu nhập này, thú thật tôi sẽ không thể bám trụ với nghề giáo. Vừa qua, có một giáo viên hợp đồng của trường đã phải nghỉ vì lương quá thấp lại phải đi làm xa", cô Xuân chia sẻ.
Trong khi vợ đang rất nhiều hi vọng thì thầy Phương nói mình chắc phải gác lại ước mơ làm thầy giáo.
"Nếu cứ kéo dài thêm 7 năm làm giáo viên hợp đồng nữa, gia đình tôi sẽ ra sao? Tôi rất muốn làm thầy giáo, nhưng đồng lương quá thấp lại luôn thấp thỏm bị mất việc…Nhiều năm nay hai vợ chồng đi làm rẫy, xoay xở buôn bán để có thêm thu nhập bám trụ với nghề. Nếu buộc phải chọn, tôi sẽ nghỉ dạy để vợ tiếp tục được theo nghề gõ đầu trẻ", thầy ngậm ngùi.
Ảnh: VIỆT DŨNG
Ảnh: VIỆT DŨNG
Không đủ giáo viên vẫn tinh giản!
Chủ trương giảm 10% tổng biên chế sự nghiệp đang được thực hiện. Nhưng có những địa phương biên chế giáo dục gấp ba lần bên chế các ngành khác cộng lại nên dù chưa đủ giáo viên mà vẫn phải tinh giản.
Hà Nội, TP.HCM sĩ số có trường 60-70 học sinh/lớp. Đồng Nai có trường phải học 3 ca/ngày. Cà Mau giảm toàn bộ biên chế y tế học đường và hiện đang tính đến giải pháp một biên chế kế toán làm cho 2-3 trường nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu, song nếu giảm tiếp thì học sinh không có giáo viên để dạy.
Tại Kiên Giang ba năm qua luôn thiếu từ 700-1.000 biên chế giáo viên nhưng không có định biên để tuyển. Và để đảm bảo yêu cầu giáo dục, các tỉnh phải sử dụng giáo viên hợp đồng.
Bà Đàng Thị Mỹ Hương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận tâm tư: "Chính sách hợp đồng rất bất cập cho giáo viên và rất tội nghiệp họ. Hè họ không có lương. Tính ra mỗi tháng họ chỉ được vài triệu đồng, hoặc 2 triệu đổ lại, có giáo viên chỉ được hơn 1 triệu/tháng.
Vì muốn có công việc nên họ vẫn đi dạy. Thậm chí có trường hợp năm nay có hợp đồng, hoặc học kỳ I được hợp đồng nhưng qua kỳ II hoặc năm sau lại không được hợp đồng, thế là tạo ra tâm lý có việc làm phải "chạy"... Tôi chưa nêu hết cái khó, cái khổ của những giáo viên này".
"Giáo dục học sinh phải có một quá trình, theo dõi tâm lý, chất lượng của học sinh để có biện pháp uốn nắn, nhưng chính sách hợp đồng giáo viên như vậy có phù hợp với lại ngành giáo dục hay không?", bà đặt câu hỏi.
Giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk bàng hoàng, bức xúc khi được thông báo là họ thuộc diện dôi dư phải cắt giảm - Video: HIỀN LÊ
Một lớp học tại điểm trường thôn 9, thuộc Trường tiểu học Nguyễn Du (xã Ea Wer, Buôn Đôn, Đắk Lắk) với hai dãy phòng học được đầu tư bởi dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Bộ GD-ĐT) - Ảnh: TRUNG TÂN
Anh Nguyễn Ánh Dương, giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Krông Pắk nuôi heo để kiếm thêm thu nhập - Ảnh: TRUNG TÂN
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Diệu, giáo viên hợp đồng Trường THCS Ngô Mây, huyện Krông Pắk phải làm thêm nghề ươm cây giống để kiếm sống - Ảnh: TRUNG TÂN
Thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk đi bốc vác kiếm sống - Ảnh: TRUNG TÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận