08/09/2018 10:37 GMT+7

Giao quyền cho hiệu trưởng để giải quyết thừa - thiếu giáo viên?

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ

TTO - Nói về tình trạng thừa - thiếu giáo viên, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng để giải quyết tình trạng này, nên nghĩ đến việc giao quyền cho hiệu trưởng.

Giao quyền cho hiệu trưởng để giải quyết thừa - thiếu giáo viên? - Ảnh 1.

Nhiều địa phương ở Đắk Lắk đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt bậc mầm non. Trong ảnh: một lớp học mầm non tại huyện Krông Bông - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, việc thừa - thiếu giáo viên như hiện nay có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là việc thiếu một tầm nhìn chiến lược về giáo dục nói chung và thiếu tầm nhìn, dự báo nói riêng.

Lấy ví dụ, mặc dù tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên hằng năm liên tục giảm (từ 1,16% năm 2007 xuống còn 0,92% năm 2017), số trẻ em hằng năm được sinh ra trong 10 năm gần đây (2007-2017) tăng không đáng kể nhưng số học sinh mẫu giáo tăng quá nhanh.

Chỉ tính riêng năm học 2016-2017 tăng 1,75 lần so với năm trước. Tăng học sinh, tất nhiên là tăng giáo viên. Số giáo viên mầm non trong năm học 2006-2007 là 122.900 thì tới năm học 2016-2017 đã tăng lên 250.800 (tăng 2,04 lần).

Với tốc độ tăng trưởng học sinh mầm non như vậy, rõ ràng nếu không được dự báo trước thì "trời cũng chịu".

Bậc mầm non có những thay đổi theo xu hướng tăng số học sinh, nhưng những thay đổi trong bậc học phổ thông lại xảy ra theo chiều hướng khác, cũng là điều đáng bàn. Từ các số liệu học sinh, nếu chúng ta vẫn không có sự thay đổi sĩ số lớp học thì số giáo viên tiểu học phải giảm đi 1/4 và số giáo viên THPT phải tăng gấp 2,14 lần.

Sự thay đổi số lượng học sinh là một trong những yếu tố dẫn đến sự thừa - thiếu giáo viên như trong thời gian qua, đặc biệt là sự thiếu hụt giáo viên mầm non (nhu cầu về giáo viên mầm non phải tăng ít nhất là 1,8 lần). Nếu có dự báo dài hạn, sự thiếu hụt trầm trọng, sự thừa - thiếu cục bộ sẽ không thể xảy ra.

Phần lớn các trường sư phạm không tăng quy mô đào tạo cả ở bậc đào tạo giáo viên mầm non, nên thiếu giáo viên mầm non là điều tất yếu. Cách đây khoảng 6-7 năm, TP.HCM đã đặt vấn đề với Đại học Sư phạm TP.HCM về đào tạo cho TP khoảng 7.000 giáo viên mầm non có trình độ ĐH.

Với chỉ tiêu Bộ GD-ĐT giao, chúng tôi phải mất khoảng 30 năm nếu chỉ đào tạo riêng cho nhu cầu đào tạo giáo viên mầm non của TP.HCM lúc đó. Tất nhiên, chúng tôi đã không làm được điều đó, tôi phải xin lỗi TP ngay lúc đó rồi, nhưng hôm nay cũng xin cho tôi xin lỗi một lần nữa!

Việc đưa giáo viên trung học dạy ở tiểu học, mầm non là không thể được. Vì bậc mầm non giáo viên phải có kỹ năng nuôi và dạy học sinh trong khi giáo viên phổ thông không được dạy kỹ năng nuôi mà chỉ có kỹ năng dạy. Nếu thực hiện việc điều động, bắt buộc phải đào tạo lại.

* Có ý kiến cho rằng nên bỏ biên chế giáo viên, tạo một cơ chế thoáng cho các địa phương và các trường. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi xin nói ngay chỉ khi nào người có quyền tuyển giáo viên cho trường mình toàn tâm toàn ý cho nhà trường mới triệt tiêu được tiêu cực tuyển dụng, không thì ngược lại.

Thử hình dung nếu ông/bà hiệu trưởng cứ tuyển giáo viên không theo chuẩn mực nào đó thì ai còn muốn làm giáo viên ở trường học đó, phụ huynh nào còn dám cho con em mình học ở trường đó. 

Vì thế nếu giao quyền thì phải có quy định chặt chẽ về đánh giá giáo viên và kiểm soát hiệu trưởng thường xuyên.

Nhưng nếu được chọn, tôi cho rằng hiệu trưởng phải là người được ra quyết định chọn giáo viên (thông qua hội đồng tuyển chọn của trường/của tổ bộ môn...) là tốt hơn cả. 

Đó là nguyên tắc người sử dụng có quyền chọn cộng sự cho mình luôn đúng, trong trường hợp tuyển dụng giáo viên cũng phải vậy.

* Theo ông, cần có giải pháp nào để giải quyết một cách khả thi tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên như hiện nay, tránh những chuyện đau lòng như giáo viên bỗng nhiên mất việc, giáo viên THCS bị điều động dạy tiểu học...?

- Trước hết phải làm tốt công tác dự báo. Muốn có dự báo đúng phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ và chính xác bên cạnh chính sách phát triển lâu dài.

Nhưng Nhà nước cũng phải cam kết bảo đảm bao nhiêu phần trăm trẻ 3 tuổi, 4 tuổi được đến lớp thì mới dự đoán được chính xác số trẻ đến trường, số lớp cần mở, số thầy cô giáo đứng lớp cần có...

Chính sách giáo dục phải có tính lâu bền nhưng vẫn phải bảo đảm sự nhanh nhạy trong việc đáp ứng nhu cầu ngắn hạn, thậm chí nhu cầu trước mắt.

Tiếp theo là chính sách tuyển dụng và đãi ngộ giáo viên. Về nguyên tắc, Nhà nước, bằng cố gắng của mình, phải duy trì cho được cuộc sống người lao động trong ngành giáo dục.

Không thể vin vào các điều khoản hợp đồng để sa thải giáo viên hàng loạt mà không lường trước những hậu quả do sa thải mang lại. 

Theo tôi, chính sự thiếu chính xác (hoặc không) dự báo dài hạn được số học sinh là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thừa - thiếu giáo viên, sa thải giáo viên.

Giải pháp khá hiệu quả nữa là giao cho hiệu trưởng chủ động khoảng 15-20% biên chế để họ có thể sử dụng nguồn nhân lực giáo viên tốt hơn.

Ông Lê Hồng Vũ (trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội):

Tự hiệu trưởng biết phải làm gì

Câu chuyện thừa - thiếu giáo viên lâu nay xuất phát từ một nguyên nhân là tình trạng chuyển dịch của người dân ngày càng lớn. Tình trạng gia tăng di dân tác động trực tiếp đến việc tăng/giảm quy mô giáo dục mỗi năm học.

Trong khi đó, việc giao biên chế tuyển dụng giáo viên thì lại đóng khung. Biên chế giao theo năm, nhưng những điều chỉnh về yêu cầu giáo viên lại tính theo thời gian năm học, vắt từ năm này sang năm sau.

Để ngành GD-ĐT chủ động về đội ngũ giáo viên, việc cởi mở hơn, cụ thể là giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng trong việc điều tiết, tuyển dụng giáo viên theo tôi bây giờ nên nghĩ đến.

Hiện nay ở quận tôi phụ trách, 100% các trường đã và đang thực hiện việc giao quyền tự chủ trong tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng. Phòng GD-ĐT chỉ tham mưu về chuyên môn, giám sát chất lượng.

Dĩ nhiên năm đầu thực hiện nơi này nơi khác vẫn xảy ra việc hiệu trưởng "thêm quyền" nên không khách quan trong tuyển dụng.

Nhưng do việc giám sát, yêu cầu giải trình trách nhiệm được thực hiện nhanh và rõ ràng nên các hiệu trưởng không dám tùy tiện.

Vì không ai khác chính họ phải chịu trách nhiệm về quyết định tuyển dụng của mình. Điều này cho thấy giao quyền tự chủ không phải quá lo tiêu cực, nếu như việc giám sát, chế tài áp dụng nghiêm túc.

Về việc giao chủ động cho các trường trong tuyển dụng, bố trí công việc theo năng lực, đánh giá theo hiệu quả lao động sẽ buộc giáo viên phải có động lực cố gắng chứ không còn tình trạng cố sức để "chạy" vào biên chế rồi làm việc đối phó, trì trệ.

Thừa - thiếu giáo viên: vì   sao? Thừa - thiếu giáo viên: vì sao?

TTO - Năm học mới 2018-2019 đã bắt đầu nhưng câu chuyện thiếu giáo viên ở một số môn học, bậc học tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn.

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên