07/09/2018 10:24 GMT+7

Thừa - thiếu giáo viên: vì sao?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Năm học mới 2018-2019 đã bắt đầu nhưng câu chuyện thiếu giáo viên ở một số môn học, bậc học tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn.

Thừa - thiếu giáo viên: vì   sao? - Ảnh 1.

Nhu cầu giáo viên ở một số nơi đang thiếu nhưng vẫn chưa được tuyển dụng nên phải sử dụng giáo viên hợp đồng. Trong ảnh: một giáo viên hợp đồng ở huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk trong giờ dạy học - Ảnh: TRUNG TÂN

Tuy đây là chuyện không mới nhưng lại khó giải quyết dứt điểm do nhiều nguyên nhân.

Thiếu gần 76.000 giáo viên

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm tháng 8-2018, cả nước thiếu gần 76.000 giáo viên các cấp. Trong đó bậc mầm non thiếu 43.732 giáo viên, tiểu học thiếu 18.953 giáo viên, THCS thiếu 10.142 giáo viên và THPT thiếu 3.161 giáo viên.

Cũng theo tính toán của Bộ GD-ĐT, ở bậc tiểu học, bình quân mỗi năm có 2% giáo viên nghỉ hưu, tương đương với 8.000 giáo viên. 

Để bổ sung, hằng năm cần tuyển gần 4.000 giáo viên, cộng với số tuyển mới theo yêu cầu hằng năm trên 3.900 giáo viên nữa thì trung bình sẽ phải tuyển thêm khoảng 7.000 giáo viên tiểu học. Riêng môn tiếng Anh và tin học ở bậc tiểu học, hiện còn thiếu trên 11.000 giáo viên. 

Theo yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2021-2024, mỗi năm cần tuyển thêm khoảng 2.000 giáo viên tiếng Anh và 2.000 giáo viên tin học bậc tiểu học.

Nhưng một bài toán đau đầu cho ngành giáo dục là tổng biên chế giáo viên của các tỉnh, thành đang có xu hướng giảm dần vì thực hiện chủ trương giảm biên chế trong ngành giáo dục. Trong khi đó, một số lượng lớn giáo viên bậc THCS, THPT đang thừa so với yêu cầu khiến định biên còn lại để tuyển giáo viên mới bị thu hẹp. Nhiều tỉnh thiếu giáo viên tiểu học, mầm non nhưng không còn biên chế để có thể tuyển.

Một con số phân tích của Bộ GD-ĐT ở bậc THCS cũng phản ánh khó khăn trên. Trung bình mỗi năm có 2% số giáo viên THCS nghỉ hưu, tương đương với 6.200 giáo viên. Và số tuyển bổ sung thay thế sẽ khoảng 3.000 giáo viên, cộng với số giáo viên tuyển mới do quy mô học sinh tăng (ở một số địa phương) khoảng 1.200 giáo viên. Có nghĩa sẽ có trên 4.000 giáo viên tuyển bổ sung/năm. 

Nhưng trên thực tế, tổng số giáo viên THCS đang thừa ở cả nước là trên 12.000 giáo viên. Những địa phương, những môn học thiếu giáo viên THCS thì vẫn cần tuyển, nhưng so với số giáo viên dư thừa lớn nên sẽ khiến tổng số giáo viên đội lên vượt quá định biên.

Ở cấp THPT, theo số liệu thống kê trên cả nước, số tuyển mới bổ sung thay thế giáo viên nghỉ hưu hằng năm sẽ khoảng 1.500, cộng với số giáo viên tuyển mới do tăng quy mô học sinh là trên 2.200. Nhưng tổng số giáo viên đang thừa ở bậc học này có đến trên 8.800.

Với yêu cầu chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ đề nghị các địa phương ưu tiên tuyển khoảng 5.400 giáo viên âm nhạc, mỹ thuật để có thể triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2021. Nhưng trước thực trạng thừa giáo viên THPT ở nhiều môn học dẫn tới không còn định biên tuyển mới, nhiều địa phương đứng trước khó khăn không dễ giải quyết.

Những giải pháp tình thế để lại nhiều hệ lụy

Trong hội nghị tổng kết năm học cũ, bàn phương hướng năm học mới vừa qua, bà Nguyễn Thị Minh Giang, giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang, cho biết trước tình trạng thiếu hàng trăm giáo viên mỗi năm học, UBND tỉnh này đã kiến nghị Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT cho tăng trên 2.000 chỉ tiêu biên chế nhưng câu trả lời là tỉnh phải chủ động bố trí trong chỉ tiêu biên chế giao hằng năm để có biên chế tuyển dụng cho trường còn thiếu. 

Theo chủ trương mới, tỉnh không được ký hợp đồng tuyển giáo viên, nhưng theo bà Giang, nếu không hợp đồng sẽ phải đóng cửa trường. Và Sở GD-ĐT vẫn phải hợp đồng để có giáo viên dạy học.

Theo bà Giang, trong ba năm qua tỉnh này luôn thiếu từ 700-1.000 biên chế giáo viên. Và bài toán để đảm bảo yêu cầu giáo dục là phải sử dụng giáo viên hợp đồng, do thiếu nhưng không thể tuyển được. Tuy nhiên, việc phải tuyển giáo viên hợp đồng để đảm bảo yêu cầu dạy học khi thiếu cục bộ trong các thời điểm nhất định diễn ra ở nhiều địa phương trong nhiều năm qua là giải pháp tình thế. Nhưng do việc này không được kiểm soát chặt chẽ đã dẫn tới tình trạng vi phạm pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên, gây bức xúc.

Điển hình là tại Đắk Lắk từ năm 2011 đến nay đã tuyển dư đến 600 giáo viên hợp đồng. Sau khi rà soát, hàng trăm giáo viên bỗng dưng mất việc, dù mức lương hợp đồng với họ chỉ quanh mức 1 triệu đồng/tháng. Tương tự, hàng trăm giáo viên hợp đồng ở Thanh Oai, Hà Nội mới đây cũng trong diện phải ngừng việc. Những vi phạm trong tuyển dụng, sử dụng, bố trí giáo viên là trách nhiệm của những cá nhân ở một số địa phương, nhưng sâu xa đều xuất phát từ tình trạng thiếu giáo viên cục bộ.

Theo Bộ GD-ĐT, đối với các địa phương đang thừa giáo viên, có thể tạm dừng tuyển mới để giải quyết dứt điểm tình trạng thừa. Đồng thời, điều tiết giáo viên hợp lý giữa các trường trên cùng địa bàn để bảo đảm hợp lý về số lượng giáo viên và cơ cấu môn học cho từng trường theo số lượng hiện có.

Nhưng một số địa phương đã áp dụng các giải pháp cứng nhắc để đối phó với việc "thiếu nhưng không được tăng biên chế" diễn ra ở một số tỉnh là giáo viên cấp học này bị điều động đột ngột dạy cấp học khác. Do đặc thù mỗi cấp học nên việc điều chuyển khiến giáo viên gặp khó khăn vì không được đào tạo để có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ phù hợp với đối tượng học sinh cấp học khác.

Song song với các giải pháp trên, nhiều tỉnh đã đẩy mạnh việc thực hiện nghị quyết trung ương 19 về tinh giản biên chế từ nay đến năm 2021, giảm 10% biên chế hưởng lương bằng cách sáp nhập trường, bố trí lại lao động để cắt biên chế giáo viên dẫn tới nhiều nơi thiếu giáo viên theo quy định của bậc học.

Về điều này, theo ông Hà Kế San - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, nếu thực hiện đúng yêu cầu giảm biên chế 10%, Phú Thọ sẽ phải giảm 2.400 giáo viên, trong khi hiện tại tỉnh này đã thiếu trầm trọng giáo viên mầm non. Một số tỉnh khác vì "tinh giản" dẫn tới sĩ số học sinh/lớp tăng do phải dồn lớp, dồn trường.

Không cắt giảm máy móc

Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 bàn phương hướng nhiệm vụ năm học 2018-2019, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định thực hiện nghị quyết không có nghĩa là cắt giảm máy móc 10% biên chế giáo viên. Chủ yếu là tinh giản biên chế gián tiếp trong ngành giáo dục, bố trí lao động hợp lý. Còn về tinh thần chung là phải đảm bảo đủ giáo viên để dạy học.

Việc sắp xếp lại mạng lưới các trường phải tùy thuộc tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, đảm bảo sĩ số học sinh/lớp phù hợp và giáo viên được đào tạo môn nào, cấp học nào dạy môn đó, cấp học đó, không máy móc chuyển từ cấp này sang cấp khác do thừa, thiếu hay phục vụ mục tiêu tinh giản biên chế.

Ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng cho biết bộ đã có văn bản gửi các UBND tỉnh, thành phố trên cả nước yêu cầu việc thực hiện tinh giản biên chế phải đảm bảo các quy định về số giáo viên ở mỗi cấp học, đảm bảo chế độ làm việc của giáo viên.

"Trong các năm tới sẽ ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, sẽ không cắt giảm cơ học chỉ tiêu biên chế giao hằng năm mà rà soát, đánh giá, phân loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp để làm căn cứ tinh giản, đảm bảo duy trì đội ngũ giáo viên có phẩm chất, năng lực tốt" - ông Độ chia sẻ.

Tại nhiều tọa đàm liên quan tới giáo dục phổ thông gần đây, có một số chuyên gia giáo dục, nhà giáo đã mạnh dạn đề xuất “xóa bỏ biên chế đối với giáo viên” và thay vào một chính sách “cào bằng”, tạo nên một môi trường có đào thải, có đánh giá công bằng, khách quan để phát huy năng lực, cống hiến thật sự của các nhà giáo. Và việc xóa bỏ biên chế cũng là dỡ bỏ một rào cản lớn trong việc giải quyết vấn đề “thiếu giáo viên nhưng không thể tuyển dụng mới”.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên