12/02/2019 08:21 GMT+7

Tháo nút kẹt xe kinh hoàng: Không thể chậm trễ thêm nữa!

HỮU HIỆP - TRÍ DŨNG
HỮU HIỆP - TRÍ DŨNG

TTO - Đỉnh điểm kẹt xe khủng khiếp các tuyến đường miền Tây - TP.HCM là vào mùng 6 tháng giêng, khi hàng trăm ngàn người sau kỳ nghỉ tết về lại TP.HCM làm việc. Làm sao mở nút thắt?

Chỉ một đoạn đường 170km,  nhiều xe phải đi mất 10 giờ. Nhiều người vất vả ăn ngủ vật vờ qua đêm.

Xe tránh độc đạo quốc lộ 1 chạy các tuyến từ Rạch Giá, Châu Đốc, Long Xuyên qua cầu Cao Lãnh về Sài Gòn cũng tắc ở phà Vàm Cống, do cây cầu thứ 2 bắc qua sông Hậu nhiều lần lỡ hẹn.

Tuyến ven Biển Đông từ Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng qua Trà Vinh hay Vĩnh Long về Bến Tre để lên Sài Gòn đều bị tắc ở phà Đình Khao hay cầu Rạch Miễu. Giao thông đồng bằng như lạc trong thế bí cờ vây.

Chuyện tắc đường không chỉ riêng ngày tết. Xe hằng ngày nối đuôi nhau trên những cung đường quằn lưng chở nặng nông sản từ miền Tây lên hay máy móc, thiết bị, hàng tiêu dùng từ Sài Gòn, miền Đông xuống. Trong khi cả nước có 870km đường cao tốc, nhiều nơi đường tốt, ít xe, vùng trọng điểm nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long nối liền đô thị lớn nhất nước là TP.HCM và miền Đông Nam Bộ chỉ có 40km đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. 

Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận sau nhiều lần khởi công, đình hoãn nay vẫn đứng yên. Đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn chưa được khởi công. Dự án trọng điểm cao tốc Bến Lức - Long Thành được kỳ vọng nối liền Đông - Tây sau nhiều lần tăng tốc vẫn còn dang dở...

Đó là vấn đề đã được nhận diện nhưng chậm được cải thiện. Thực tiễn đang đòi hỏi các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương phải tập trung tháo gỡ để giao thông phát huy vai trò đi trước mở đường.

Ba điểm nghẽn đang nổi lên là cơ quan quản lý lúng túng trước bài toán vốn đầu tư, chọn phương thức đầu tư nào và tiến độ thi công, chất lượng công trình không đảm bảo đã tạo ra các "nút thắt cổ chai". Bài toán khó quen thuộc vốn ít, nhu cầu đầu tư lớn, ngân sách khó khăn cần đa dạng hóa các phương thức đầu tư. 

Hiện trạng hơn chục trạm thu phí bủa vây đồng bằng đã tạo ra gánh nặng tăng phí cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp và người dân, đang tạo ra điểm nghẽn mới cũng cần tháo gỡ.

Tháo các điểm nghẽn giao thông đồng bằng là cần sớm hoàn thành các đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và một số tuyến quốc lộ như đường N2, quốc lộ 60 đoạn qua cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên, hoàn thành cầu Vàm Cống, đầu tư mới cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2.

Quan trọng hơn là giải bài toán vốn đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên bằng các giải pháp khả thi, đầu tư tập trung, đồng bộ; đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình giao thông, tăng cường giao thông liên kết vùng và kết nối các phương thức giao thông đường thủy, bộ, hàng hải, hàng không và phát triển đường sắt trong vùng để phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Cần ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh, dứt điểm các công trình trọng điểm, bức xúc, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, mà quan trọng là phát triển vận tải hàng hóa gắn với lợi thế vùng kinh tế.

Nhận diện điểm nghẽn giao thông là quan trọng, nhưng quyết tâm và có giải pháp mạnh mẽ, khả thi để tháo điểm nghẽn giao thông đồng bằng, không để tái diễn cảnh hàng vạn người dân chen chúc nhau trên cung đường độc đạo chính là mệnh lệnh phát triển đồng bằng.

Không thể chậm trễ thêm nữa!

Sài Gòn đón tiếp lượng lớn người về, từ chiều tối đến tận sáng mai Sài Gòn đón tiếp lượng lớn người về, từ chiều tối đến tận sáng mai

TTO - Chiều tối mùng 6 tết, các đơn vị bến xe, bến phà, nhà ga cho biết lượng hành khách trở lại TP.HCM rất đông sau kỳ nghỉ tết. Đã xảy ra "nghẽn mạch" tại một số cửa ngõ vào thành phố.

HỮU HIỆP - TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0