11/02/2019 08:44 GMT+7

Đường miền Tây về TP.HCM “tắt thở”

C.HẠNH - C.QUỐC - S.LÂM - B.ĐẤU - M.TRƯỜNG
C.HẠNH - C.QUỐC - S.LÂM - B.ĐẤU - M.TRƯỜNG

TTO - 3h30 ngày 10-2 (mùng 6 tết), anh Đặng Ngọc Châu (TP.HCM) cùng gia đình bắt đầu xuất phát từ TP Cà Mau về TP.HCM. Anh lái xe đi sớm vì lo kẹt xe. Và điều anh lo đã xảy ra: đến 9h30 xe mới tới được TP Vĩnh Long. 6 giờ cho đoạn đường 180km!

Đường miền Tây về TP.HCM “tắt thở” - Ảnh 1.

Kẹt xe đoạn Tân Ngãi - Vĩnh Long, cách cầu Mỹ Thuận 8km hướng từ miền Tây, tài xế xuống xe để hóng gió, tán gẫu..... - Ảnh: ĐẶNG NGỌC CHÂU

Nhưng điều khủng khiếp hơn còn ở phía trước: kẹt xe kinh hoàng ở đoạn cầu Mỹ Thuận, nối Vĩnh Long và Tiền Giang. Xe chỉ có thể nhích từng nửa mét một và cánh tài xế còn mở cửa lái bước ra tán gẫu, xe cứu thương cũng chôn chân. Gần như toàn tuyến miền Tây về TP.HCM và đi các tỉnh miền Đông đều...đông cứng!

Một xe chết máy trên cầu, kẹt xe 40km

Tình trạng kẹt xe ở cầu Mỹ Thuận diễn ra càng trầm trọng khi 9h30, một xe khách 29 chỗ chạy hướng Vĩnh Long đi Tiền Giang chết máy trên cầu.

Đến 10h và kéo dài đến tận chiều, mọi hướng dẫn lên cầu Mỹ Thuận từ phía Vĩnh Long bị tê liệt hoàn toàn. Do là ngày cuối cùng của đợt nghỉ Tết Kỷ Hợi, lượng phương tiện đổ về TP.HCM rất đông nên đã xảy ra kẹt xe kéo dài hơn 40km, từ cầu Mỹ Thuận cho đến gần phía cầu Cần Thơ.

Đợt nghỉ tết năm nay, đa số người dân miền Tây về quê bằng xe máy. Do đó khi gặp kẹt xe, người dân chỉ còn cách chật vật đội nắng gắt nhích từng chút một, len lỏi qua dòng xe cộ dày đặc.

Vã mồ hôi vì cái nắng rát da, anh Nguyễn Văn Nam (38 tuổi, ngụ Bạc Liêu), chở theo vợ và con nhỏ lên TP.HCM sau kỳ nghỉ tết, cho biết: "Từ Cần Thơ chạy qua đến chân cầu Mỹ Thuận mà mất 3 giờ (khoảng 40km), xưa giờ tôi chưa bao giờ gặp cảnh tượng này. Đường nào cũng kẹt. Từ phà Đình Khao, nội ô TP Vĩnh Long hay quốc lộ đều kẹt cứng. Chúng tôi mong muốn có thêm đường, thêm cầu chớ như vầy thì quá khủng khiếp!".

Tính đến khoảng 16h chiều cùng ngày, mặc dù tỉnh Vĩnh Long đã tăng cường gần như tất cả các lực lượng như dân quân, công an phường, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và cả bảo vệ dân phố xuống đường điều tiết giao thông nhưng hàng chục nghìn phương tiện vẫn di chuyển khó khăn.

Anh Trần Minh Công, một tài xế xe tải chở hàng nông sản từ Vĩnh Long đi Tiền Giang cho bạn hàng, nhưng đi từ sáng đến tận chiều vẫn chưa thể thoát khỏi kẹt xe. Anh ngao ngán: "Các làn xe từ Vĩnh Long qua Tiền Giang đều kín mít, không có một khoảng trống nào để len lỏi. Cứ dừng đợi, xe trước nhích một chút mình cũng nhích một chút chứ không thể làm gì. Xe máy chạy lên cả lề đường, thậm chí còn chạy vô sân nhà dân để... lánh nạn".

Tắc nghẽn ở quốc lộ 1, các phương tiện đổi hướng di chuyển sang các quốc lộ khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long như quốc lộ 53, 54 và 57 để đi TP.HCM nhưng chỉ trong ít giờ, các tuyến quốc lộ này cũng ách tắc cục bộ. Một số tuyến đường không có dải phân cách, tài xế điều khiển phương tiện lấn làn để di chuyển nên kẹt xe càng nghiêm trọng hơn.

Những điểm nóng về kẹt xe các năm trước như cầu Rạch Miễu trên quốc lộ 60, ngã tư Đồng Tâm (Tiền Giang), ngã tư Lương Phú (Tiền Giang), đường N2 (Long An) đều bị quá tải, ùn ứ. Tuy nhiên, theo anh Đặng Ngọc Châu, đoạn qua Tiền Giang được coi là "dễ thở" dù di chuyển chậm.

Tại Long An, tình trạng lưu thông trên tuyến quốc lộ 62, quốc lộ N2 cũng khó khăn. Dòng xe máy và các phương tiện ôtô dưới 9 chỗ tăng cao đột biến khiến đoạn quốc lộ 62, quốc lộ N2 qua các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa xảy ra ùn ứ, nhiều thời điểm gần như tắc hoàn toàn. Càng cuối giờ chiều, tình trạng lưu thông qua khu vực này càng trở nên căng thẳng hơn.

Đường miền Tây về TP.HCM “tắt thở” - Ảnh 2.

.. xe cứu thương cũng tắt đèn, tắt còi chôn chân trong dòng xe cộ bất động - Ảnh: ĐẶNG NGỌC CHÂU

Khó giải quyết tình trạng kẹt xe dịp lễ?

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Long - cho biết đến 17h cùng ngày, tình hình xe cộ qua địa bàn tỉnh có thể di chuyển chậm. Ông Dũng cho biết ngay từ sáng cùng ngày, đơn vị đã đề nghị tất cả lực lượng ở các địa phương có kẹt xe và địa phương lân cận tăng cường hỗ trợ. Tình hình nghiêm trọng là do có ôtô chết máy trên cầu, trùng thời điểm người dân đổ về TP.HCM quá đông.

Tại Long An, ông Phùng Văn On - thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh Long An - cho biết dù đã có phương án từ trước, như tăng cường lực lượng điều tiết xe, phân tán xe máy đi vòng theo các tuyến đường trong ấp để giảm áp lực cho tuyến đường chính, nhưng vì quốc lộ 62, N2 hiện đã xuống cấp, không còn đáp ứng được.

Trong khi đó, việc cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) lưu thông thuận tiện càng khiến dòng người từ các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp đổ về Long An theo hướng quốc lộ N2 nhiều hơn mọi năm, càng gia tăng áp lực lưu thông. Theo ông On, về lâu dài chỉ có thể nâng cấp mở rộng quốc lộ 62, N2 mới có thể giảm được việc ùn ứ dịp lễ, tết ở các tuyến đường này.

Cũng tại Long An, điểm giao thông cầu Bến Lức cũng thường xuyên xảy ra tình trạng di chuyển chậm, ùn ứ, nhất là hướng cầu Bến Lức 2 về TP.HCM. Dịp cuối cùng của đợt nghỉ tết nên tình hình kẹt xe, ùn ứ là khó tránh khỏi.

Các bến phà nối An Giang - Đồng Tháp trong những ngày này cũng quá tải, do lượng xe máy qua đây tăng gần 400% so với ngày thường và ôtô tăng 50%.

Đoạn qua Tiền Giang di chuyển chậm, không tắc

Quốc lộ 1 đoạn qua Tiền Giang, theo trung tá Huỳnh Thanh Điệp - trưởng trạm kiểm soát giao thông Trung Lương (Phòng CSGT Tiền Giang), chỉ xảy ra ùn tắc lúc 7h30 sáng tại cầu Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè khoảng 20 phút.

Từ 8h đến chiều tối giao thông trở lại bình thường.

Theo ông Điệp, nguyên nhân quốc lộ 1 đoạn qua Tiền Giang không bị kẹt xe dịp này là do có một số tuyến "chia lửa" hiệu quả.

Đó là tuyến đường N2 đi từ Đồng Tháp qua Long An về TP.HCM; tuyến quốc lộ 60 đi từ Sóc Trăng qua Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang rồi về TP.HCM.

Nhiều người đi xe máy rành đường đã chọn đi tuyến đường tỉnh 864 từ Cái Bè đi một mạch về tới Mỹ Tho để vào quốc lộ 1 đi TP.HCM không bị ùn tắc.

Theo một số CSGT làm nhiệm vụ điều tiết giao thông trong ngày mùng 6 tết, trên tuyến còn một số cầu hẹp như: cầu Rượu, cầu Sao, cầu Mỹ Quý, cầu An Cư, cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Đức Tây, cầu Bà Lâm nên phương tiện buộc phải chạy chậm dẫn đến ùn ứ cục bộ.

Điều may mắn là hôm nay rất ít ôtô tải và xe container từ miền Tây về TP.HCM nên mặc dù lượng xe máy rất lớn cũng không gây kẹt xe.

V.TR.

Khách từ Sài Gòn về miền Tây quá đông, cầu Rạch Miễu ngộp xe cộ Khách từ Sài Gòn về miền Tây quá đông, cầu Rạch Miễu ngộp xe cộ

TTO - Sáng 6-2 (tức Mùng 2 tết), lượng xe đi qua cầu Rạch Miễu, hướng từ TP.HCM đi miền Tây tăng đột biến buộc lực lượng chức năng phải chặn một chiều lưu thông trên cầu.

C.HẠNH - C.QUỐC - S.LÂM - B.ĐẤU - M.TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên