12/06/2020 09:40 GMT+7

Thanh toán không tiền mặt lan rộng

ÁNH HỒNG - LÊ THANH - CÔNG TRUNG
ÁNH HỒNG - LÊ THANH - CÔNG TRUNG

TTO - Xu hướng thanh toán tiền mua nhà đất, xe hơi qua ngân hàng, trả tiền dịch vụ qua ví điện tử... ngày càng nở rộ, nhất là ở các TP lớn.

Thanh toán không tiền mặt lan rộng - Ảnh 1.

Hoa hậu Hương Giang dùng chưa đến 1 triệu đồng tiền mặt/tháng, bởi phần lớn các giao dịch đều qua các ví điện tử, thẻ tín dụng và thanh toán trực tuyến. Trong ảnh: Hương Giang thanh toán bằng ứng dụng Moca khi mua sắm tại một cửa hàng trong Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngân hàng Nhà nước đang gấp rút hoàn thiện một loạt chính sách cũng như hạ tầng để phương thức thanh toán này "phủ sóng" ở các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Lần đầu tích lũy mua được căn nhà, chưa có kinh nghiệm lại đọc khá nhiều thông tin chiêu thức lừa mua bán bất động sản trên báo, chị Loan (Q.9, TP.HCM) cho biết rất lo lắng vì bên bán cứ đòi chuyển 90% giá trị nhà mới công chứng, trong khi chị Loan lại muốn công chứng trước mới trả tiền để tránh rủi ro.

Không cần vác bao tiền đi mua nhà đất...

Sau khi được nhân viên ngân hàng tư vấn, chị đã sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán bất động sản của ngân hàng nên việc mua bán diễn ra suôn sẻ. Ngân hàng đứng trung gian và số tiền chỉ được thanh toán cho bên bán khi đã hoàn tất thủ tục. Bên mua không lo bị "lật kèo" mà bên bán cũng yên tâm.

Chị Quỳnh Vy (Q.Phú Nhuận) vừa đặt cọc với đại lý 50 triệu đồng để mua chiếc Hyundai Santafe 2020 bằng hình thức chuyển khoản, thay tiền mặt. Chị Vy cho biết chọn mua chiếc xe này giá hơn 1 tỉ đồng nhưng bằng hình thức trả góp, ngân hàng cho vay đến 80% giá trị xe. Số tiền đặt cọc và thanh toán phần còn lại bằng hình thức chuyển khoản cho đại lý nhanh chóng hơn. "Giờ mang cọc tiền trong người đi mua xe vừa nguy hiểm, vừa đếm đi đếm lại khá mệt" - chị Vy nói.

Ông Nguyễn Viết Huy - giám đốc showroom Mazda Bình Triệu (Q.Thủ Đức) - cho biết thay vì khách hàng phải ôm tiền mặt đi mua xe, việc thanh toán giờ đây bằng "quẹt, cà thẻ" rất nhanh chóng. Ông Huy cho biết tỉ lệ thanh toán không tiền mặt với khách hàng mua ôtô ngày càng tăng. Riêng showroom Mazda Bình Triệu, 60-65% khách hàng thanh toán không tiền mặt. Để hỗ trợ khách hàng, đại lý chịu phí cà thẻ cho các giao dịch dưới 50 triệu đồng.

Còn ông Nguyễn Minh Tâm - phó tổng giám đốc Sacombank - cho biết giao dịch chuyển khoản trả tiền mua bán nhà đất thời gian gần đây rất nhiều. Thông thường sau khi thỏa thuận mua bán xong, hai bên mở tài khoản tạm giữ tại ngân hàng, khi công chứng xong mới chính thức chuyển tiền cho bên bán để đảm bảo an toàn. 

"So với giao dịch bằng tiền mặt rủi ro cao do dễ nhầm lẫn khi kiểm đếm số lượng lớn, dễ gặp tiền giả, không lưu giữ bằng chứng thì phương thức không tiền mặt khắc phục được hết những vấn đề này" - ông Tâm nói.

Thanh toán không tiền mặt lan rộng - Ảnh 2.

Nhiều shipper chọn thanh toán đơn hàng bằng ví điện tử tại quán ăn ở Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG AN

Thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử để đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới. Đặc biệt cơ quan này chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt trước ngày 1-7.

Ông Phạm Tiến Dũng - vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - cho biết so với 5 năm trước, thanh toán không tiền mặt đã có bước tiến rất lớn. Nếu trước đây chuyển khoản khác hệ thống tiền chưa thể vào tài khoản ngay thì nay có thể báo có trong vòng 10 giây. 

"Rất nhiều bạn bè của tôi sống ở nước ngoài nhận xét mobile banking ở Việt Nam không hề thua mobile banking ở Mỹ. Để làm được việc này thì Ngân hàng Nhà nước đầu tư vào hạ tầng thanh toán để các ngân hàng thương mại ứng dụng. Nếu không có gì thay đổi thì năm nay hạ tầng mới sẽ được cập nhật, tiến bộ hơn" - ông Dũng cho biết.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo quy định cho phép mở tài khoản từ xa. Theo đó, tới đây người dân có thể ngồi tại nhà mở tài khoản mà không cần phải đến ngân hàng. Đây là một cú hích cho thanh toán không dùng tiền mặt vì khi được áp dụng thì tỉ lệ người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng sẽ tăng lên nhanh chóng.

Một chạm đổ xăng, đi xe buýt...

Ông Nguyễn Đăng Hùng - phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) - cho biết NAPAS đang kết hợp với ngân hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ để gia tăng tiện ích cho chủ thẻ thông qua việc thanh toán các dịch vụ thiết yếu. Theo đó, khách hàng chỉ cần chạm thẻ vào thiết bị chấp nhận thẻ, chưa đầy 1 giây, giao dịch hoàn tất.

Trước mắt là dùng thẻ không tiếp xúc để mua xăng dầu, vé đi xe buýt ở TP.HCM. Trong tương lai gần, thẻ ngân hàng sẽ được tích hợp nhiều tiện ích trên cùng một thẻ, không chỉ dùng để thanh toán mà còn là vé đi xe buýt, thẻ nhân viên, thẻ khám chữa bệnh... 

Một người không cần cầm 3-5 chiếc thẻ nữa. Đặc biệt, việc thanh toán bằng thẻ chip nội địa contacless (không tiếp xúc) có thể giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian, lại an toàn vì không phải đưa thẻ, quẹt, bấm mã PIN, mà chủ thẻ chỉ cần chạm là thanh toán xong dưới 1 giây. 

Với giao dịch trên 1 triệu đồng phải bấm mã PIN, nhưng thời gian xử lý vẫn nhanh hơn rất nhiều so với thanh toán bình thường. 

"Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai, thẻ thanh toán không chỉ sử dụng để đi xe buýt ở TP.HCM mà còn đi tàu điện ngầm khi tuyến metro khai thác hay thẻ này còn được sử dụng ở tuyến đường thủy..." - ông Hùng nói.

Thanh toán không tiền mặt lan rộng - Ảnh 3.

Nguồn: Ngân hàng nhà nước - Đồ họa: TUẤN ANH

* Ông Nguyễn Chiến Thắng (phó giám đốc trung tâm chính sách và sản phẩm KHCN, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội - SHB):

Thanh toán không dùng tiền mặt nhiều lợi ích

Với người tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng, tiện lợi, tránh các nguy cơ rủi ro: tiền giả, tiền rách, bị trộm cướp, thất thoát... Đối với nền kinh tế, thanh toán không tiền mặt sẽ minh bạch hóa các giao dịch, tăng cường hiệu quả phòng chống tham nhũng, tội phạm kinh tế; tăng nguồn vốn đầu tư từ các khoản tiền nhàn rỗi trong xã hội, giúp đồng vốn luân chuyển nhanh hơn; tăng khả năng kiểm soát, điều tiết khối lượng tiền trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ quốc gia; giảm chi phí quản lý...

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng thanh toán vẫn tập trung ở khu vực đô thị và chưa vươn tới được khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngân hàng và các tổ chức thanh toán cần gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, hướng dẫn khách hàng có cái nhìn cởi mở hơn với các dịch vụ thanh toán không tiền mặt cũng như an tâm về tính bảo mật khi giao dịch. Mặt khác, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát trong thanh toán không tiền mặt.

* Bà Lê Thị Thúy Sen (vụ trưởng Vụ Truyền thông, NHNN):

Truyền thông để thay đổi thói quen trong thanh toán

Bên cạnh hành lang pháp lý, chất lượng hạ tầng thanh toán thì truyền thông là nhân tố quan trọng góp phần tạo thói quen sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt đối với công chúng. Ngân hàng Nhà nước luôn chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan truyền thông đến công chúng về tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các đơn vị liên quan, các cơ quan báo chí, các tổ chức tín dụng thực hiện nhiều chương trình truyền thông phổ cập kiến thức tài chính, đặc biệt là về thanh toán không tiền mặt. Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra các chương trình truyền thông để góp phần thay đổi thói quen người tiêu dùng về thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, trong đó có chương trình phù hợp hướng tới đồng bào khu vực nông thôn, những đối tượng yếu thế trong xã hội và giới trẻ.

A.HỒNG - L.THANH ghi

Xã hội không tiền mặt: triển khai chính sách, hướng tới tương lai

Là chủ đề hội thảo về thanh toán không dùng tiền mặt do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức.

Hội thảo diễn ra vào lúc 8h hôm nay (12-6) tại Trung tâm triển lãm và hội nghị White Palace, 108 Phạm Văn Đồng, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM với sự tham dự của đại diện NH Nhà nước, các bộ ngành liên quan, TP.HCM và các NH thương mại, tổ chức thanh toán...

Tương lai của thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam sẽ như thế nào? Tương lai của thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam sẽ như thế nào?

TTO - Tương lai của xã hội không tiền mặt tại Việt Nam như thế nào? Đặc biệt là mobile money - tiền di động - gia nhập thị trường, và sự trỗi dậy lớn mạnh của các công ty công nghệ tài chính - Fintech...?

ÁNH HỒNG - LÊ THANH - CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên