18/07/2021 12:04 GMT+7

Thái Lan phá kỷ lục hơn 11.000 ca, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện cao ở Úc

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Vừa ghi nhận kỷ lục ca nhiễm hôm 17-7, Thái Lan lại có kỷ lục mới ngày 18-7, với hơn 11.000 ca trong ngày lần đầu tiên. Tại Úc, tốc độ tiêm chủng chậm chạp và số ca nhiễm mới đang gây lo ngại. Hàn Quốc vẫn trên 1.000 ca.

Thái Lan phá kỷ lục hơn 11.000 ca, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện cao ở Úc - Ảnh 1.

Một nhân viên đeo khẩu trang vận chuyển bình chứa oxy từ một cửa hàng tới một bệnh viện dã chiến ở thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 17-7 - Ảnh: REUTERS

Ngày 18-7, Bộ Y tế công cộng Thái Lan công bố nước này vừa ghi nhận kỷ lục 11.397 ca nhiễm mới và thêm 101 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 ở xứ sở chùa vàng từ đầu dịch lên lần lượt 403.386 và 3.341 ca, theo báo Bangkok Post.

Trước kỷ lục mới, Thái Lan chỉ vừa mới ghi nhận kỷ lục ca nhiễm trong 24 giờ hôm 17-7, với 10.082 ca.

Nếu chỉ tính riêng từ ngày 1-4-2021 (thời điểm bắt đầu làn sóng dịch thứ 3 ở Thái Lan) tới nay, có tới 374.523 ca nhiễm và 3.247 ca tử vong do COVID-19 ở Thái Lan.

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul vừa lên tiếng thừa nhận ông đã nhận được một lá thư từ Công ty AstraZeneca, với nội dung nói rằng hãng này chỉ có khả năng cung cấp cho Thái Lan 3 triệu liều vắc xin COVID-19 một tháng.

Phản hồi thư của AstraZeneca, ông Anutin Charnvirakul nói Thái Lan cần ít nhất 10 triệu liều vắc xin một tháng. Ông nói Chính phủ Thái Lan hy vọng AstraZeneca sẽ có thể giao vắc xin giúp đáp ứng được mục tiêu tiêm chủng của xứ sở chùa vàng.

Thông tin trên được tiết lộ giữa bối cảnh nguồn cung vắc xin tại Thái Lan đang thiếu, buộc một số điểm tiêm chủng ở Bangkok phải tạm ngưng hoạt động.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia Thái Lan phối hợp với chính quyền Bangkok tổ chức hơn 200 đội triển khai nhanh để tới xét nghiệm COVID-19 tại từng nhà.

Các đội này sẽ được triển khai trên khắp Bangkok và các tỉnh lân cận. Họ sẽ đến từng nhà để cung cấp dịch vụ xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho người dân. Người dương tính và có triệu chứng đáng kể sẽ được đưa tới bệnh viện dã chiến ngay lập tức.

Thái Lan chống dịch sai lầm?

Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI) chỉ ra những sai lầm của chính phủ đã đưa nước này từ thành công trong chống dịch đợt đầu thành lâm vào khủng hoảng trong 2 đợt dịch tiếp theo từ cuối năm ngoái.

Theo nghiên cứu của TDRI, Thái Lan khống chế thành công đợt đầu của dịch bệnh vào năm ngoái nhờ nỗ lực của các nhân viên y tế và sự phối hợp của cộng đồng, dù phải trả giá về kinh tế. Kinh tế Thái Lan giảm 6,1% trong năm 2020, thấp nhất trong 22 năm qua.

Đáng lẽ thành công ban đầu đó sẽ giúp chính phủ có cơ hội chuẩn bị cho làn sóng thứ hai và đẩy nhanh việc mở cửa trở lại, nhưng chính sách sai lầm đã làm lãng phí cơ hội và cũng góp phần kích hoạt làn sóng thứ hai, nghiên cứu nhận định.

Làn sóng thứ hai bắt đầu vào tháng 12-2020 tại một chợ tôm ở Samut Sakhon và các diễn biến tiếp theo cho thấy sự lỏng lẻo của các biện pháp kiểm soát dịch ở biên giới.

Tiếp đó, làn sóng thứ ba, bắt đầu vào cuối tháng 3-2021, liên quan đến các địa điểm vui chơi giải trí ở khu vực Thong Lor-Ekkamai của thủ đô Bangkok, thể hiện rõ sự chuẩn bị không tốt của chính phủ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chính phủ đã chậm chi gói ngân sách chăm sóc sức khỏe trị giá 45 tỉ baht, khoảng 1,37 tỉ USD, để củng cố hệ thống y tế công. Đến đầu tháng 6-2021, chỉ mới có 11,6 tỉ baht, tương đương 26,1%, đã được giải ngân.

TRẦN PHƯƠNG

Tại Campuchia, hôm 17-7, Bộ Y tế nước này cho biết có thêm 928 bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi, nâng tổng số ca phục hồi ở nước này lên 57.955. Mặc dù số ca phục hồi cao hơn số ca nhiễm mới (836 ca cùng ngày), báo Khmer Times đánh giá hệ thống y tế của Campuchia sắp quá tải.

Với Philippines, tổng số ca nhiễm ở nước này đã vượt mốc 1,5 triệu ca sau khi ghi nhận thêm 6.040 ca nhiễm hôm 17-7. Cùng ngày, số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm 122, lên tổng cộng 26.598 ca.

Còn Singapore ghi nhận 68 ca nhiễm mới (gồm 60 ca trong cộng đồng) hôm 17-7, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 62.981 ca. 

Singapore đang là quốc gia có tỉ lệ dân số tiêm vắc xin COVID-19 cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. Theo báo Straits Times, tính đến ngày 13-7, cứ 100 người ở Singapore thì có 71 người đã tiêm vắc xin liều đầu tiên và 43 người đã tiêm đủ liều.

"Tiếp tục có bằng chứng cho thấy vắc xin giúp ngăn bệnh nghiêm trọng khi một người đã tiêm bị nhiễm. Trong 28 ngày qua, có 14 ca trong cộng đồng phải hỗ trợ oxy, được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) hoặc đã qua đời. Trong đó có 10 người không tiêm vắc xin và 4 người chưa tiêm đủ liều" - Bộ Y tế Singapore thông tin.

Thái Lan phá kỷ lục hơn 11.000 ca, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện cao ở Úc - Ảnh 3.

Một người dân đeo khẩu trang ở Melbourne, bang Victoria, Úc hôm 16-7 - Ảnh: REUTERS

Tại Úc, bang New South Wales ghi nhận 105 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Trong số này có 76 ca phải nhập viện và 18 ca được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

Theo Đài ABC News (Úc), đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao thứ 3 ở New South Wales kể từ đợt dịch do biến thể Delta bắt đầu hôm 16-6. Con số 105 ca này đã giảm nhẹ so với 111 ca vào ngày trước đó.

Thủ hiến Gladys Berejiklian của bang New South Wales đã thúc giục người dân tại các khu vực Fairfield, Canterbury Bansktown và Liverpool đi xét nghiệm cứ 3 ngày một lần và không rời khỏi khu vực của họ cho đến khi các biện pháp hạn chế hiện nay được dỡ bỏ. Bà thúc giục người dân "thận trọng hơn bao giờ hết".

Trong khi đó, bang Victoria ghi nhận 16 ca nhiễm mới, giảm nhẹ so với con số 19 của ngày trước đó. Theo Hãng tin Reuters, New South Wales và Victoria là 2 bang lớn nhất của Úc. Hiện nay Sydney (thủ phủ bang New South Wales) và toàn bộ bang Victoria đều đang áp dụng lệnh ở tại nhà.

Hiện nay mới chỉ khoảng 9,5% trong số 26 triệu dân của Úc được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ. Theo báo New York Times, trong bối cảnh đó, các chính khách và chuyên gia y tế ở Úc đang dính vào một "trò chơi đổ lỗi" về chiến dịch tiêm chủng chậm chạp của nước này.

Tuần này Thủ tướng Úc Scott Morrison đổ lỗi lên cơ quan cố vấn vắc xin của Úc - gồm nhiều chuyên gia y tế - về vấn đề tiêm chủng chậm chạp. Ông nói rằng hướng dẫn "thận trọng" của cơ quan này đã "khiến chúng ta bị tụt lại phía sau".

Trong khi đó, ngày 18-7, Hàn Quốc ghi nhận 1.454 ca nhiễm mới (chỉ giảm một ca so với con số 1.455 ca hôm 17-7), nâng tổng số ca nhiễm lên 177.951. Số ca nhiễm mỗi ngày ở Hàn Quốc đã liên tục trên mức 1.000 ca kể từ hôm 7-7. Vùng thủ đô Seoul đang là điểm nóng của đợt dịch mới ở Hàn Quốc.

Thái Lan ghi nhận kỷ lục kép về COVID-19, Indonesia vượt Brazil về ca nhiễm mới theo ngày Thái Lan ghi nhận kỷ lục kép về COVID-19, Indonesia vượt Brazil về ca nhiễm mới theo ngày

TTO - Indonesia vượt Brazil về số ca nhiễm mới, trở thành nơi bị dịch ảnh hưởng nặng nhất thế giới. Thái Lan có số ca nhiễm trong ngày trên 10.000. Hàn Quốc vẫn trên 1.000 ca/ngày từ 7-7, còn Nhật 3 ngày liền trên 3.000 ca.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên