23/02/2016 13:33 GMT+7

​Thái Lan bác đề nghị đối thoại với ông Thaksin

THU ANH
THU ANH

TTO - Chính phủ Thái Lan đã chính thức bác đề nghị của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra kêu gọi đối thoại, nhất là sau khi ông chỉ trích lộ trình tổng tuyển cử của chính quyền đương nhiệm.

Ông Thaksin (trái) và bà Yingluck (giữa) đang muốn dùng truyền thông nước ngoài để gây sức ép với chính phủ Thái. Ảnh: AFP
Ông Thaksin (trái) và bà Yingluck (giữa) đang muốn dùng truyền thông nước ngoài để gây sức ép với chính phủ Thái - Ảnh: AFP

Theo Bangkok Post, các quan chức cấp cao nói lý do chính họ từ chối đối thoại với ông Thaksin là vì ông này đã bị tòa án kết tội năm 2008 sau khi vừa kịp thoát ra nước ngoài.

Chính phủ Thái cho rằng ông Thaksin không có tư cách thương lượng với họ.

Phó thủ tướng Tanasak Patimapragorn hôm 22-2 nói trong khi ông Thaksin tuyên bố muốn đàm phán vô điều kiện thì chính phủ đương nhiệm cảm thấy không dễ dàng và không sẵn lòng làm điều đó.

“Thật khó để nói chuyện với một người đang bị truy nã trong các vụ án hình sự” - ông Tanasak nói.

Ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính tháng 9-2006 khi đang dự họp ở Liên Hiệp Quốc.

Ông về nước năm 2008 và sau đó lại rời khỏi Thái Lan trước khi tòa tuyên ông 2 năm tù vì tội lạm quyền, giúp vợ mua 1 miếng đất với giá rẻ ở Bangkok.

Ông sống lưu vong ở nước ngoài từ đó đến nay, chủ yếu là ở Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất).

Hôm 21-2, ông Thaksin đã lên tiếng sau một thời gian im lặng, kêu gọi đối thoại với chính quyền quân đội và chỉ trích lộ trình bầu cử dân chủ ở Thái Lan.

Nói với tờ The Wall Street Journal, ông nói lộ trình bầu cử là “một sự đánh đố” để cho thế giới thấy Thái Lan đang trở lại thể chế dân chủ.

Người phát ngôn chính phủ Sansern Kaewkamnerd đáp lại bình luận này và nói rằng: “Hiến pháp mới là để chống những người tham nhũng và những người này không nên được phép tham gia hay đàm phán về nó”.

Cuộc phỏng vấn ông Thaksin với báo nước ngoài cũng diễn ra không lâu sau khi em gái ông, cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra mời báo giới nước ngoài đến nhà.

Bà Yingluck bị tòa án hiến pháp phế truất năm 2014, không lâu trước khi chính phủ của bà cũng bị quân đội lật đổ vào tháng 4-2014.

Bangkok Post dẫn nguồn tin từ đảng Phuea Thai thân ông Thaksin tiết lộ ông và bà Yingluck đang lợi dụng truyền thông nước ngoài để gây sức ép quốc tế với chính quyền quân đội.

Bản thân Phuea Thai cũng đang tính biến bà Yingluck thành một Aung San Suu Kyi (lãnh đạo đối lập ở Myanmar) của Thái Lan.

Bà đang đối mặt với phiên tòa với cáo buộc tắc trách trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân gây thiệt hại cho nhà nước.

THU ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên