31/08/2017 11:51 GMT+7

Thái độ nào cho công việc đầu tiên?

TRẦN CẨM LỤA
TRẦN CẨM LỤA

TTO - "Hãy kể về lần đầu tiên của bạn". Nếu bốc trúng đề bài này, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Sẽ viết ra sao?

Thái độ của bạn với công việc đầu tiên rất quan trọng - Ảnh: HuffPost
Lựa chọn công việc đầu tiên rất quan trọng nhưng nhiều bạn trẻ xem nhẹ - Ảnh: HuffPost

Kỳ thực, việc lựa chọn công việc đầu tiên thực sự quan trọng không kém gì lựa chọn người yêu.

Khi là sinh viên năm 2, mình có xin đi làm nhân viên bán hàng cho một hệ thống thức ăn nhanh. Đơn giản điều mình mong muốn khi lựa chọn công việc này là tận dụng thời gian rảnh rỗi và kiếm thêm thu nhập. Suy nghĩ của một đứa sinh viên năm 2 cũng chỉ có thế.

Thật may mắn, mình gặp gỡ người sếp đầu tiên của mình và được thử sức ở một lĩnh vực khá thú vị: HR. Cuộc đời như bước sang một giai đoạn mới - những trải nghiệm mới mẻ và tối tăm mặt mày.

Những tháng đầu, 24 giờ một ngày chưa bao giờ là đủ để mình hoàn tất công việc. Bạn cũng có thể đoán được đấy, mình bị quay vòng vòng trong một mớ các công việc cần giải quyết: học hành, công việc, các mối quan hệ, sở thích cá nhân…

Chẳng có một doanh nghiệp nào thuê một người mà hiệu quả công việc thấp, giá trị mang lại cho công ty không nhiều phải không? Nhưng, lí do gì đã khiến mình trụ lại vị trí đó?

Nhìn lại chặng đường đi qua, mình tự thấy có thể mình chưa có kinh nghiệm, thiếu kỹ năng, nhưng THÁI ĐỘ TỐT chính là yếu tố quyết định sự tồn tại.

Ham học hỏi và biết lắng nghe

Mình luôn cố gắng tìm, hỏi và học. Hơn hết là phải đúng nguồn. Anh sếp luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc, phân tích vấn đề và đưa ra một vài gợi ý để tự mình xử lý, giải quyết các tình huống.

Không biết thì hỏi, sẽ tốt hơn nếu không biết mà lại lặng im đúng không? Mình luôn trân trọng những chia sẻ chân thành của anh, những chia sẻ từ trải nghiệm và từ trái tim.

Trách nhiệm cao

Mình đã từng từ chối đi xem phim cùng hội bạn để ở nhà giải quyết công việc phát sinh. Có bạn nhân viên xin nghỉ đột xuất và cần mình hỗ trợ tìm người thay thế. Không phải 1 bạn mà đến 3 bạn cùng lúc.

Chính lúc này là lúc các bạn kia cần mình nhất, mình không thể nào bỏ lơ được. Hẹn hò với bạn bè có thể dịp này dịp kia nhưng hệ thống thì phải luôn đảm bảo chạy trơn tru mỗi ngày.

Không ngại việc nhỏ

Tâm lí chung là những việc nhỏ nhặt thì chẳng xứng đáng để động tay vào, vị trí này phải làm việc lớn. Thật sự sai lầm. Chính những việc nhỏ đó là nền tảng căn bản để làm những việc lớn hơn, lớn hơn nữa.

Mình sẵn sàng đứng order, chuẩn bị nguyên vật liệu cùng nhân viên để hiểu được họ cần làm gì, gặp khó khăn thế nào, thấu hiểu để có những chính sách đãi ngộ tốt nhất cho từng vị trí. Mình cũng sẵn lòng ở lại dọn dẹp văn phòng cùng các bạn dù đó chẳng phải công việc của mình.

Chủ động trong công việc

Không phải nhắc mới làm, nước đến chân mới nhảy, sự việc xảy ra rồi mới tìm cách giải thích. Luôn đặt mình ở thể chủ động, tìm giải pháp cho vấn đề và giải quyết nó.

Không biết có thể hỏi, nhưng đừng hỏi hoài một vấn đề, chán lắm đúng không?

Rõ ràng

Các bạn nhân viên mình làm việc hầu hết là sinh viên, lớn hơn vài tuổi có, bằng tuổi có, nhỏ hơn cũng có. Chính sự nhập nhằng thiếu định hướng phong cách làm việc ngay từ đầu mà các bạn sinh viên cho rằng mình “dễ bắt nạt”, “dễ xin xỏ”.

Kết quả là phải mất một thời gian dài mình xây dựng lại phong cách làm việc, để nhân viên quen rằng mình cũng có những nguyên tắc làm việc riêng - một bạn sinh viên vui chơi hết mình cùng mọi người trong những buổi off hệ thống nhưng cũng là một HR nghiêm nghị trong công việc.

Kiên trì, khiêm tốn và cầu tiến

Không coi thường việc nhỏ, không phô trương thành quả. Cố gắng làm nhanh, gọn, và hiệu quả hơn nữa trong những lần tiếp theo. Cố gắng 100% công suất hoàn thành việc này để được giao những việc lớn hơn.

Sếp tin tưởng thì mới giao việc. Mình luôn cố gắng để anh sếp biết rằng đã đặt niềm tin đúng chỗ, để hài lòng với những buổi chia sẻ và sự lắng nghe có hiệu quả.

Trong một lần tổ chức sự kiện cuối năm cho hệ thống, mình hỏi vui ảnh: “Sao lúc nào em cũng là người đứng sau hậu trường để các bạn tỏa sáng hết vậy anh?”. Nhưng mình đã hiểu: phần thưởng lớn nhất không phải là sự vinh danh trước đám đông, mà là những giá trị bạn nhận về cho bản thân.

Trải nghiệm nhiều sẽ có kinh nghiệm, thực hành nhiều sẽ có kỹ năng. Quan trọng hãy chuẩn bị cho mình một thái độ tốt, bạn nhé!

TRẦN CẨM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên