Trên đây là phản hồi của bạn đọc Nguyễn Minh sau bài viết Đừng phẫn nộ suông, hãy hành động! của tác giả Mai Thi đăng trên Tuổi Trẻ Online.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chúng tôi xin giới thiệu bài viết này.
"Nhân vô thập toàn. Trên đời ai cũng mắc sai lầm, nhưng có những người đã không dũng cảm nhìn nhận sai lầm của bản thân. Thế nên cứ đi hết sai lầm này đến sai lầm khác. Và cũng có những sai lầm có thể bỏ qua, cũng có cái sai người ta chỉ tạm quên mà thôi.
Khán giả không nên là những đám đông sớm nắng chiều mưa, chỉ biết hờn giận, bức xúc, phẫn nộ trong chốc lát rồi lại quên ngay, cuốn phăng theo guồng quay muôn mặt, lấp lánh của thế giới giải trí. Hãy bình tĩnh, sáng suốt và nghiêm túc thực hiện cái quyền của mình - quyền tẩy chay - khi cảm thấy cần được tôn trọng". |
Nguyễn Minh |
Như cô cựu người mẫu kia, sẵn sàng buông lời chửi mắng thậm tệ người đáng tuổi cha mẹ cô. Lý lịch của cô, bên cạnh những vụ lùm xùm phát ngôn không lịch sự, bia miệng vừa điền thêm thông tin không hay đó. Nhiều người cũng không dễ mà bỏ qua khi sai lầm thuộc về truyền thống, đạo lý...
Nghệ sĩ sống là nhờ khán giả, câu nói ngắn mà có đầy đủ nghĩa đen, nghĩa bóng. Chính khán giả có quyền quyết định họ có được làm nghề hay không. Cho nên, tẩy chay những người không có đạo đức, ứng xử kém văn hóa là cần thiết để giữ gìn sự trong sạch, lành mạnh văn hóa, văn nghệ nước nhà. Để những người vừa có biểu hiện lệch chuẩn tự răn mình, sửa chữa.
Đồng thời việc thiết thực hơn, khán giả cần làm ngay bây giờ là chung tay nâng cao nhận thức của chính con em chúng ta về thẩm mỹ, ý thức tiếp thu văn hóa có chọn lọc. Để các em trở thành những khán giả tinh tế, có văn hóa, những nghệ sĩ giỏi nghề, có chuẩn mực đạo đức, được xã hội chấp nhận.
Tuy nhiên, khán giả tưởng giống bà mẹ chồng đeo mục kỉnh khắt khe xét nét con dâu mới, cũng lại là người giàu lòng vị tha, dễ mềm lòng. Hẳn vì cái tình, sự kỳ vọng với người nghệ sĩ lớn lắm!...
Tôi nhớ câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của một nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng. Chính chị khi kể lại cuộc đời, chị nhận bản thân thời trẻ từng kiêu căng, ngạo mạn. Bởi lúc đó chị đang trên đỉnh vinh quang, ai cũng hâm mộ. Đến một ngày bỗng liên tiếp nhiều sóng gió xảy ra cuốn đi hầu như tất cả. Khán giả cũng quay lưng.
Sau chuỗi ngày buồn, thấm thía, chị nhìn nhận lại bản thân để bước tiếp. Soi xét để biết bản thân sai lầm ở đâu, để không lặp lại những sai lầm mắc phải. Khán giả lại mở rộng vòng tay đón nhận chị, một diễn viên tài năng, thần tượng của một thế hệ...
Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại.
Nhưng rõ ràng người trở lại phải với một với sự chân thành, với thái độ cầu thị. Qua thời gian người ta có thể tha thứ lỗi cho nhau, dẫu là lỗi lầm to lớn. Nhưng chỉ có thể nhận được sự rộng lòng tha thứ khi người gây ra lỗi lầm nhận biết sai lầm, đâu là đúng, đâu là sai và chịu sửa sai.
Trước khi quyết định tha thứ, khán giả cần nhìn vào biểu hiện thật sự của họ. Để tha thứ không phải là biểu hiện của sự dễ dãi, cạn nghĩ. Càng không là ba phải, phong trào.
Tôi có đọc được tựa đề một bài báo, người viết đặt câu hỏi rằng khi nào một diễn viên hài đang gặp sự cố ứng xử, lối sống có thể trở lại sân khấu diễn, bởi nghe nói anh ta nói rất mong muốn điều ấy, thậm chí làm mọi cách để có cơ hội. Câu hỏi hay hơn sẽ là khi nào khán giả sẵn lòng chấp nhận sự trở lại của anh ta ? Chưa phải là lúc này.
Thuốc đắng giã tật khiến người ta nhớ lâu hơn là những viên kẹo ngọt dễ tan ngay trong miệng và quên mau".
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận