05/02/2024 15:59 GMT+7

Tết này điện Thái Hòa và Kiến Trung cho tham quan miễn phí 3 ngày đầu năm

Sau nhiều năm trùng tu và phục dựng, điện Thái Hòa và điện Kiến Trung bên trong Hoàng cung Huế sẽ mở cửa đón khách vào dịp Tết Giáp Thìn năm nay.

Điện Thái Hòa bên trong Hoàng cung Huế đã tháo bạt thi công, sẵn sàng đón khách tham quan dịp Tết Giáp Thìn này - Ảnh: NHẬT LINH

Điện Thái Hòa bên trong Hoàng cung Huế đã tháo bạt thi công, sẵn sàng đón khách tham quan dịp Tết Giáp Thìn này - Ảnh: NHẬT LINH

Ngày 5-2, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết sẽ mở cửa miễn phí tham quan các điểm di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế vào 3 ngày Tết Giáp Thìn năm nay.

Theo đó, các điểm di tích như Đại nội Huế, lăng các vua triều Nguyễn, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế… sẽ mở cửa đón người dân và du khách tham quan vào 3 ngày 10-2, 11-2 và 12-2 (nhằm mùng 1, 2, 3 Tết Giáp Thìn).

Đáng chú ý năm nay trong Hoàng cung Huế sẽ có hai công trình được nhiều người mong đợi là điện Thái Hòa và điện Kiến Trung lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan sau nhiều năm trùng tu, phục dựng.

Điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong hệ thống đền đài thuộc Hoàng cung triều Nguyễn. Đây là nơi đặt ngai vàng - trung tâm quyền lực của cả quốc gia dưới triều Nguyễn xưa.

Bên trong điện Thái Hòa sẽ mở cửa đón khách tham quan dịp Tết Giáp Thìn tới. Các cấu kiện gỗ của ngôi điện cơ bản đã được trùng tu xong - Ảnh: NHẬT LINH

Bên trong điện Thái Hòa sẽ mở cửa đón khách tham quan dịp Tết Giáp Thìn tới. Các cấu kiện gỗ của ngôi điện cơ bản đã được trùng tu xong - Ảnh: NHẬT LINH

Điện Thái Hòa được vua Gia Long cho xây dựng vào tháng 2-1805 và hoàn thành vào tháng 10 cùng năm. Ngôi điện này là nơi tổ chức những buổi thiết triều quan trọng dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn như lễ đăng quang của vua, lễ sinh nhật, đại triều, các nghi lễ ngoại giao quan trọng…

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và thời tiết, điện Thái Hòa đã xuống cấp nghiêm trọng và được Chính phủ cấp kinh phí trùng tu khẩn cấp vào năm 2021.

Sau 3 năm trùng tu, hiện nay khối lượng công việc tại công trình này đã cơ bản hoàn thành hơn 70%. Các cấu kiện mái, trang trí hoa văn bên trên đã cơ bản hoàn tất.

Dịp Tết năm nay, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ mở cửa cho du khách vào bên trong tham quan điện Thái Hòa. Sau Tết, việc trùng tu ngôi điện sẽ được tiếp tục để cố gắng hoàn thiện vào năm 2025.

Chính điện ngôi điện, trung tâm đã cho đặt một chiếc ngai vàng được phục dựng theo tỉ lệ 1:1, nhằm phục vụ du khách chụp hình khi đến với điện Thái Hòa năm nay.

Một công trình không thể bỏ qua khi đến tham quan Hoàng cung Huế dịp Tết Giáp Thìn này đó là di tích điện Kiến Trung.

Điện Kiến Trung đã hoàn thành phục dựng, sẵn sàng đón khách tham quan dịp Tết này - Ảnh: NHẬT LINH

Điện Kiến Trung đã hoàn thành phục dựng, sẵn sàng đón khách tham quan dịp Tết này - Ảnh: NHẬT LINH

Điện Kiến Trung nằm bên trong Tử Cấm Thành, được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1921-1923.

Đây là nơi ở chính của nhà vua bên trong Tử Cấm Thành. Điện Kiến Trung là công trình vô cùng độc đáo bên trong hoàng cung, mang phong cách kiến trúc Pháp, Ý và cổ truyền của Việt Nam.

Đáng tiếc ngôi điện này đã bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn vào năm 1947.

Vào năm 2019, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khởi động dự án phục dựng điện Kiến Trung, với tổng kinh phí hơn 123 tỉ đồng.

Sau nhiều năm phục dựng, nay ngôi điện này đã sẵn sàng mở cửa đón những vị khách đầu tiên vào tham quan dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Một số hình ảnh cận cảnh của hai ngôi điện Thái Hòa và Kiến Trung sắp mở cửa đón khách tham quan dịp Tết Giáp Thìn năm nay:

Ngai vàng triều Nguyễn được phục dựng với tỉ lệ 1:1, đặt tại vị trí đặt ngai vàng thường ngày ở điện Thái Hòa - Ảnh: NHẬT LINH

Ngai vàng triều Nguyễn được phục dựng với tỉ lệ 1:1, đặt tại vị trí đặt ngai vàng thường ngày ở điện Thái Hòa - Ảnh: NHẬT LINH

Sân sau của điện Thái Hòa, một số kết cấu cột trụ chịu lực bằng đá vẫn đang còn trong quá trình trùng tu - Ảnh: NHẬT LINH

Sân sau của điện Thái Hòa, một số kết cấu cột trụ chịu lực bằng đá vẫn đang còn trong quá trình trùng tu - Ảnh: NHẬT LINH

Nhân viên Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang dọn dẹp, hoàn thành những bước cuối cùng chuẩn bị mở cửa đón khách tại điện Kiến Trung - Ảnh: NHẬT LINH

Nhân viên Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang dọn dẹp, hoàn thành những bước cuối cùng chuẩn bị mở cửa đón khách tại điện Kiến Trung - Ảnh: NHẬT LINH

Dưới thời vua Khải Định, nghệ thuật khảm sành sứ trên các công trình hoàng gia đạt tới đỉnh cao. Điện Kiến Trung cũng là công trình thể hiện trình độ khảm sành sứ đẳng cấp của người thợ Việt - Ảnh: NHẬT LINH

Dưới thời vua Khải Định, nghệ thuật khảm sành sứ trên các công trình hoàng gia đạt tới đỉnh cao. Điện Kiến Trung cũng là công trình thể hiện trình độ khảm sành sứ đẳng cấp của người thợ Việt - Ảnh: NHẬT LINH

Bên trong điện Kiến Trung được bố trí những hiện vật gốc gắn liền với lịch sử hình thành của ngôi điện - Ảnh: THÙY GIANG

Bên trong điện Kiến Trung được bố trí những hiện vật gốc gắn liền với lịch sử hình thành của ngôi điện - Ảnh: THÙY GIANG

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế: 42 năm hồi sinh di sảnTrung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế: 42 năm hồi sinh di sản

42 năm trước, một đơn vị non trẻ được tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập để mang trên mình nhiệm vụ hết sức nặng nề: Hồi sinh di sản Huế đang bên bờ vực bị xóa sổ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên