25/01/2023 09:18 GMT+7

Tết mồ côi đầu tiên

Tết luôn mang đến những dấu ấn đặc biệt với biết bao kỷ niệm vui buồn đan xen. Mỗi người, mỗi cảm xúc khác nhau, mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng đối với tôi, Tết năm nào tôi cũng rơi nước mắt, Tết năm nào tôi cũng chạy trốn.

Tết mồ côi đầu tiên - Ảnh 1.

Tác giả bài viết trang trí Tết - Ảnh: THANH TÚ

Cho dù có sợ Tết, trốn Tết nhưng cuối cùng tôi vẫn phải cứ đón Tết và ăn Tết! Tết năm nay tôi chưa có bạn bè, hàng xóm hay người thân hẹn đến chơi. Tôi cũng chẳng còn họ hàng bên ngoại và bên nội để đi chúc Tết. 

Điều đau buồn nhất là mẹ đã không còn ở bên cạnh tôi như Tết năm trước. Do vậy, năm nay tôi đã chuẩn bị tinh thần sẽ đón một cái Tết "mồ côi" đầu tiên trong đời mình.

Về nhà đi con!

Gia đình tôi là dân Sài Gòn chính gốc, nên khi Tết đến, người người về quê còn tôi thì làm gì có quê mà về. Với nhiều người, Tết là dịp trở về quê nhà để sum vầy. Còn với tôi, hạnh phúc nhất là những ngày trước Tết được ở bên gia đình và chộn rộn phụ giúp ba mẹ. 

Gia đình tôi có một quy tắc bắt buộc là trong suốt 2 ngày giao thừa và mùng 1 thì tất cả mọi người đều phải về nhà và ở suốt trong nhà. Ngoài ra còn có một truyền thống mà tôi thấy rất hay là từ năm 1 tuổi đến năm 18 tuổi tôi được ba mẹ lì xì. 

Còn từ năm 18 tuổi trở đi, tôi phải mừng tuổi lại cho ba mẹ. Số tiền mừng này sẽ tăng dần theo từng năm như báo công với ba mẹ là tôi đã thành đạt, đã viên mãn. Ba mẹ tôi luôn giáo dục con mình về ý nghĩa của phong tục lì xì như khi được lì xì phải vòng tay cảm ơn cùng lời chúc Tết, đặc biệt không xé bao lì xì trước mặt khách. 

Ba mẹ tôi cũng tuyệt đối không bình luận hay so sánh về giá trị mỗi bao lì xì.

Tết mồ côi đầu tiên - Ảnh 2.

Tác giả bài viết - Ảnh: THANH TÚ

Tết mồ côi

Năm nay, tôi sẽ đón một cái Tết "mồ côi" đầu tiên vì mẹ đã ra đi mãi mãi vài tháng trước, nhưng tôi vẫn sẽ để hai bao lì xì lên bàn thờ cho ba mẹ. Đây là một năm rất buồn nên thật lòng tâm trạng tôi cũng không hân hoan, háo hức gì cả. 

Còn nhớ mẹ tôi lúc còn sống luôn yêu thích công việc bày biện bàn thờ, mâm ngũ quả, mặc áo dài xưa thắp nén hương đầu tiên trong thời khắc giao mùa. Tôi phụ mẹ bày biện mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà để mời ông bà, tổ tiên về sum họp với gia đình trong ba ngày Tết. 

Có hai bữa cơm bắt buộc phải có sự tham dự của tất cả các thành viên trong gia đình, đó là mâm cơm cúng rước ông bà sum họp trưa 30 Tết và mâm cơm cúng giao thừa. 

Mẹ tôi luôn "đau đầu" tìm một người thân, bằng hữu tốt vía, hợp mạng, hợp tuổi để sớm mùng 1 đến xông nhà, trước khi có khách tới chúc Tết, để người này đem đến sự may mắn và thịnh vượng cho cả gia đình.

Giờ đây, tôi phải thay mẹ làm tất cả những công việc này. Tôi phải cố gắng làm thật tốt với một tâm trạng vui vẻ nhất, thoải mái nhất vì tôi biết mẹ đâu đó vẫn đang dõi theo mình.

Tết đau thương

Còn nhớ, ba tôi đột ngột ra đi vì cơn bạo bệnh không rõ nguyên nhân vào 28 Tết năm 2008. Không dám thông báo cho mọi người, đám viếng chỉ để đúng một ngày rồi đưa đi hỏa táng vừa kịp trước giờ giao thừa. 

Mẹ tôi đau khổ gần như mất trí, đổ bệnh suốt cả tháng giêng. Tôi phải bỏ hết các dự án, công việc để ở nhà chăm mẹ. Tết năm đó, nhà tôi không ăn Tết, tôi không tiếp khách và cũng không đi chúc Tết vì sợ mang cái không may đến cho gia đình người khác. 

Với tôi, đây là cái Tết được gói gọn trong một chữ "buồn" nhất từ trước đến lúc đó. Năm hết Tết đến, cái cảm giác cô đơn, trống vắng, đau buồn lại bắt đầu hiện về nên tôi sợ Tết và cứ muốn chạy trốn Tết là vậy!

Tết cô đơn

Năm nay, tôi không còn mong Tết đến với tâm trạng háo hức và chờ đợi nữa. Tôi chỉ muốn tận hưởng kỳ nghỉ này một cách gọn nhẹ nên tôi không cần tất bật chuẩn bị Tết từ sớm, hạn chế tích trữ thức ăn, không mua sắm quần áo hay đồ dùng vì chưa có nhu cầu thay mới. 

Thực phẩm thì mua vừa đủ cho ba ngày Tết, tự tay tôi sẽ chế biến, nấu ăn và cúng ông bà, ba mẹ.

Sau 2 năm không trang trí nhà Tết vì dịch bệnh thì năm nay tôi quyết định mang chút không khí mùa xuân vào nhà vì Tết mà để nhà cửa vắng vẻ, cảnh vật đìu hiu thì năm mới sẽ không mấy phấn khởi, may mắn: đó là những nhành mai, cành đào, dây đèn nhấp nháy, quả dưa đỏ, bánh chưng xanh, đôi câu thư pháp, vài lồng đèn đỏ treo trước cửa cho có cái ‘mùi’ Tết.

Tôi sẽ thay mẹ nấu các mâm cơm cúng là các món mẹ tôi hay nấu mỗi năm như thịt kho hột vịt, tôm khô củ kiệu, canh khổ qua, tôm rim, dưa hấu tráng miệng. Sáng mùng 1 thức dậy, tôi có thể thư thái ngồi bên tách trà nóng, nhấm nháp chút mứt gừng, ngắm hoa mai vàng bung tỏ trước sân nhà.

Có sợ Tết, trốn Tết thì cũng phải đón Tết và ăn Tết

Tết "bổ sung" cả đống việc cho người ta làm như quà Tết, ăn Tết, sắm Tết, dọn Tết, trang trí Tết, chơi Tết, chúc Tết, lì xì Tết và thưởng Tết. Có trốn Tết, sợ Tết thì tôi cũng phải lo cho đầy đủ. Nhiều năm trước tôi luôn trốn Tết bằng cách đi du lịch. 

Mấy năm gần đây, bước sang tuổi 96, mẹ tôi bắt đầu yếu dần và không còn nấu bánh, làm mứt như trước nên tôi luôn ở nhà ăn Tết với mẹ. Đừng sợ Tết vì sợ Tết cũng chỉ là một tâm trạng chung nên chúng ta có thể thay đổi được nếu như nhìn mọi thứ một cách nhẹ nhàng hơn, tích cực hơn.

Những ai còn cha còn mẹ, xin đừng chê Tết buồn, Tết phiền. Tết nào còn cha mẹ thì Tết ấy vẫn còn tình yêu thương gia đình. Đã là con người, không thể nào tránh khỏi cái vòng tròn sinh lão bệnh tử.

Tôi đã nhận ra nỗi sợ của tôi chính là nỗi sợ quy luật thời gian. Giờ tôi cũng đã lớn, phải tập chấp nhận và sẵn sàng đối mặt với nỗi sợ của chính mình. 

Và dù tự nhủ trong lòng đừng quá đau buồn để ba mẹ trên cao an tâm, nhưng trong cái không khí hương xuân đang ngấp nghé trước ngõ, nhìn thấy nhà nhà sum vầy, những vòng tay yêu thương rộng mở, tôi lại chạnh lòng.

Giờ tôi phải chuẩn bị tất cả mọi thứ để đón Tết vì chỉ có một mình. Chiều cuối năm, ngồi nhìn những tia nắng lấp ló bên ngoài hiên nhà, tôi bùi ngùi nhận ra xuân này là xuân đầu tiên không có mẹ. Khi mẹ mất rồi, tôi cay đắng nhận ra mẹ mình quá ít dịp được đi chơi đây đó, nhất là các dịp Tết. 

Cả đời mẹ chưa bao giờ được đi máy bay. Cả đời mẹ, từ thời con gái đã tảo tần, vất vả lo cho chồng cho con, thành đạt và hạnh phúc. Không còn cha mẹ, tôi cũng không có quê để về, chỉ đành đón Tết trong ngôi nhà trống vắng cô quạnh để nghe tiếng mẹ gọi vọng về câu nói thân thương "Về nhà đi con!"

Tính đến ngày 25-1, cuộc thi Về nhà đã nhận được hơn 380 bài dự thi. Cảm ơn các bạn đã gửi bài.

BAN TỔ CHỨC

Tết mồ côi đầu tiên - Ảnh 4.
Đường về nhà xa nữa giữa những ngày bệnh tật níu chânĐường về nhà xa nữa giữa những ngày bệnh tật níu chân

Gió mùa đông bắc tràn về với cái lạnh tê tái sờ vào kẻ gáy, chạy dọc sống lưng, cứa cắt sâu da thịt cố đô. Trộ mưa lâm thâm ì ạch chẳng ngừng dứt hạt cả ngày lẫn đêm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên