17/02/2018 07:36 GMT+7

Tết không về nhà đâu phải mùa xuân không đến

TRƯƠNG QUỐC PHONG
TRƯƠNG QUỐC PHONG

TTO - Bởi có những lúc chúng ta không thể lựa chọn khác nên cách tốt nhất là chúng ta hãy tập quen và thích nghi với nó. Hãy tập vui.

Tết không về nhà đâu phải mùa xuân không đến - Ảnh 1.

Sau 2 năm một mình đón Tết tại phòng trọ thui thủi nơi Sài Gòn thì đây là năm tôi may mắn thu xếp được để trở về nhà, vui Tết với gia đình. Cảm giác của tôi rõ ràng là "không có gì vui cho bằng Tết bên gia đình" nên có lẽ, câu nói "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết" rõ ràng là rất chính xác. 

Nhưng cũng câu nói ấy, năm ngoái và năm trước nữa, đã từng làm cho tôi tủi thân đến tột độ. Vì sao?

Vì trong bối cảnh người người, nhà nhà đi sắm Tết, các dãy trọ ngày một vắng tanh nhất là trong đêm 30 đã từng khiến tôi hốt hoảng. Làm gì đây để quên và để qua giờ khắc giao thừa thiêng liêng đáng nhớ? Trùm chăn ngủ đợi tới mai đến chiều mùng 1 đi làm tiếp hay mặc vội chiếc áo và lao ra phố.

Nhà tôi cách TPHCM gần 150 cây số, quãng đường đó được xem là không quá dài để tôi phải chịu cảnh đón Tết một mình tại Sài Gòn. Nhưng nào ai có hiểu, trong cuộc sống tôi, gia đình tôi có nhiều biến động, nhất là khi tôi quyết định từ bỏ các công việc đang có để chuyên tâm đi học làm lại cuộc đời theo cách mà tôi nghĩ, và lựa chọn. 

5 năm cho một kế hoạch và mục tiêu nghiêm túc của bản thân, tôi từ một người có rất nhiều thứ, kể cả kinh tế tạm ổn vì công việc ổn định bỗng chốc bị mất hết, trở lại với giai đoạn ăn cơm hàng cháo chợ, ở nhà trọ kế bên nghĩa địa cùng những sinh viên tỉnh xa, đông đúc và chật chội. 

Hình ảnh một con người thành đạt là niềm tự hào của người thân, bạn bè và gia đình thuở nào phút chốc mà tiêu tan, chỉ vì mục tiêu "người già đi học để hoàn thiện kiến thức và bản thân" mà tôi đã vạch ra. 

Tôi buồn và hơn hết, chẳng muốn về thăm gia đình và vui Tết gì nữa. Đối với suy nghĩ của tôi lúc đó, là hãy biến nỗi buồn thành động lực, mà dấn thân để cầu mong một ngày thành công.

Đêm 30 Tết, tôi mở máy online để nhìn quanh xem mọi người đón Tết như thế nào. Tôi vui và tôi buồn, cảm xúc ngổn ngang thật khó tả. Rồi tôi nghĩ, mình buồn và ủ rũ nơi phòng trọ như thế này để làm gì? Ở lại thì cũng ở lại rồi. Thiếu Tết bên gia đình thì cũng đã lựa chọn rồi. Chi bằng, ta cứ thong dong, tranh thủ những thời khắc hiếm hoi hòa chung với những người đang mưu sinh ngoài kia, trong giờ phút giao thừa, nhìn nhau một cái, nở nụ cười với nhau một cái, cũng là xuân.

Nghĩ vậy nên tôi cố dò trong trí nhớ của mình xem ai đã và đang ở lại đón Tết xa gia đình y như mình. Và tôi đã liên lạc được với em – một người con tha hương vướng bận những lo toan mà không thể về quê ăn Tết với gia đình. 

Chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe cùi. Đêm 30 thong dong ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ cùng với dòng người. Sau đó, chúng tôi lại vòng qua khu vực Hồ Con Rùa. Lúc này người bán hàng rong vẫn còn, họ tất tả mưu sinh như bao ngày, có khác chăng thì hôm nay chừng như họ thân thiện, tươi vui và chan hòa hơn nhiều. 

Tôi lái xe từ khu vực Hồ Con Rùa về quận 12 sau khi qua khỏi thời khắc giao thừa. Trên đường về, tôi thấy người bán hoa ven đường đang thu dẹp "bãi chiến trường". Những chiếc xe chở rác đã kề bên và tất cả sẽ được nghiền nát, dọn sạch sẽ trước khi mặt trời lên. Thương quá và tiếc quá, tôi cùng với người em nói với người bán hoa là chúng tôi sẽ trả tiền để mang về nhà một cặp hoa vạn thọ chưng trong nhà. 

Biết chúng tôi không nhiều tiền, cô chủ bán nói ngay 60.000 đồng với tâm trạng hân hoan, san sẻ cùng. Trên đường về, ngang mấy cảnh chùa, tôi nói với bạn hay là chúng ta ghé thăm chùa, thắp nhang, mong an lành.

Chúng tôi đã trải qua thời khắc giao thừa, đón năm mới và đợi chiều mùng Một đi làm với không khí bên nhau như vậy. Dĩ nhiên nó khác với cảm xúc khi đón đợi năm mới bên người thân, bên ba mẹ trong giờ khắc thiêng liêng bật ti vi lên xem khắp nơi bắn pháo hoa và lắng nghe chủ tịch nước đọc thư chúc Tết. Nhưng nó vẫn ấm lạ.

Nó ấm vì chúng tôi đã biết ngồi lại bên nhau. Những trái tim tha phương đã biết tìm đến nhau để đồng cảm, sẻ chia, để nghe kể những câu chuyện buồn vui và lắng nghe những ước vọng.

Năm nay, tôi cũng tính sẽ ở lại Sài Gòn để cày Tết vì ra năm là bao khoản phải chi và lo toan, vá víu. Tôi đã nhận công việc trực building trong 10 ngày Tết nhưng cuối cùng, thôi thúc trong tôi vẫn là sự đoàn viên, sum họp. Tôi gói gém mọi thứ, thu xếp mọi thứ để về bên gia đình sau khi nghe lời chị nói một cách giận dỗi rằng: "Kiếm tiền thì cứ từ từ kiếm. Ba má già rồi, đâu thể ăn đời ở kiếp. Về cho ổng bả vui".

Tôi rời khỏi khu nhà trọ vào đêm 29 Tết, bỏ lại sau lưng những lo toan tạm thời đã thu xếp. Tôi bước lên chuyến xe cuối cùng, trước khi đi vẫn không quên dặn dò các em sinh viên học cùng trường vì hoàn cảnh quá khó khăn mà không thể về: Hãy biết tự tạo niềm vui và động lực cho chính mình. Tết không về thì cũng hãy vui lên".

Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'

Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...

Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.

Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.

Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi 'cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: tetcuatoi@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, số tài khoản xin... ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!

TRƯƠNG QUỐC PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên