Vừa bước vào cổng khu trọ, không khí Tết đã hiện rõ qua những phần quà mà ban quản lý khu trọ gửi đến những người thuê phòng. Đều đặn vào những ngày cuối năm như thế này, ai đóng tiền trả phòng về quê đều được gửi một phần quà gồm nước ngọt, dầu ăn, bột nêm…
Đèn lồng, câu đối Tết cũng xuất hiện rải rác trong khu trọ có hơn 1.000 phòng. Có dãy công nhân bàn tính chuyện nghỉ Tết rôm rả, cũng có những dãy vắng hoe vì người lao động trả phòng về quê ăn Tết sớm.
Theo các công nhân, đa phần các công ty sẽ cho nghỉ từ ngày 25, 26 tháng chạp. Một số người được nghỉ sớm vì công ty hết hàng, như anh Trần Văn Phương (26 tuổi, quê Kiên Giang) vừa vui mà cũng có chút thoáng buồn.
"Vui cái tiền thưởng không bị giảm, y hệt năm ngoái. Chỉ có điều nghỉ sớm hơn mọi năm gần 10 ngày nên tiền sản phẩm của mình sẽ giảm đi vài triệu", anh Phương chia sẻ.
Bế con gái nhỏ trên tay, anh nói nay có thể là năm thứ hai anh và gia đình chọn ăn Tết ở nhà trọ. Năm ngoái vì vướng lịch tăng ca, ở lại làm Tết được nhiều tiền nên tới mùng 2 anh mới về quê.
Năm nay anh cũng dự tính kiếm thêm gì đó làm Tết, chừng mùng 2, mùng 3 sẽ đưa vợ con về.
"Làm thêm mấy ngày cận Tết kiếm tiền mua ít quà bánh mứt gì đó đem về quê cho ba mẹ vui", anh Phương dự tính.
Cách cổng khu trọ vài trăm mét, nhiều công nhân đi làm về thấy bà Trần Thị Kiều (61 tuổi, quê Long An) đang ngồi bán bao lì xì liền cười giỡn: "Thấy bà là thấy Tết tới nơi rồi!".
Bà Kiều thường ngày vẫn bày vé số ở góc dãy trọ bán cho công nhân, từ mùng 10 tháng chạp bà lấy thêm bao lì xì về bán Tết.
"Bình thường cỡ 20 tháng chạp tui mới bán lận. Tại nay nhỏ con gái mua được lô bao lì xì rẻ, kêu mẹ bán trước kiếm tiền mua hạt dưa, bánh mứt", bà Kiều nói.
Cách chỗ bà Kiều ngồi không xa, bà Nguyễn Thị Tư (50 tuổi, quê Trà Vinh) cũng tranh thủ mấy ngày được công ty cho nghỉ sớm bày quần áo ra bán cho công nhân kiếm tiền Tết.
Quần áo của bà lấy từ mấy mối quen trong công ty may nên bán với giá rẻ. Mấy ngày này bà còn mua vải về may thêm đồ bộ mặc ở nhà cho mấy chị em đặt hàng trước.
Bà nói cứ gần Tết, nhiều người làm trong công ty may cũng lãnh đồ về bán. "Mấy năm trước tầm 20 âm lịch mới đông. Năm nay do nhiều công ty cho nghỉ sớm nên họ tập trung bán rần rần trong khu trọ rồi", bà Kiều chia sẻ.
Đằng sau khoảng đất trống của khu trọ, bà Mai Thị Quỳnh, từ Sóc Trăng lên Bình Dương đi làm, cũng tranh thủ phơi cơm khô kiếm đồng ra đồng vô ngày giáp Tết.
Với giá 5.000 đồng/kg cơm khô bán cho mấy chỗ làm thức ăn cho gia súc gia cầm, mỗi ngày bà kiếm đủ tiền rau, tiền trứng cho bữa cơm. Chồng bà Quỳnh làm công nhân, năm nay gia đình bà ăn Tết có "xôm" hay không vẫn còn chờ vào đồng lương thưởng của chồng.
Với những công nhân xa nhà như anh Thào A Thớ (41 tuổi, quê Điện Biên): "Về quê xa lắm, đi ba ngày ba đêm lận nên tôi cố gắng ở đây chờ mấy anh em cùng quê được nghỉ rồi mới về chung".
Trời chạng vạng, ánh đèn trang trí Tết bắt đầu lấp lánh trong xóm trọ công nhân. Bên trong nhiều phòng trọ, bữa cơm tối công nhân chỉ vỏn vẹn tô canh rau và chảo trứng chiên. Càng gần Tết, họ càng cố gói ghém trong từng bữa ăn để dư ra ít tiền về quê.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận