Vụ phóng tên lửa đầu tiên trên thế giới sản xuất theo công nghệ in 3D được giới chuyên môn chờ đợi đã không diễn ra như mong muốn.
Sau vài lần hủy để điều chỉnh, Relativity Space - công ty khởi nghiệp về hàng không vũ trụ, có trụ sở ở Long Beach (bang California, Mỹ) - đã quyết định hủy vụ phóng vào rạng sáng 12-3 (theo giờ Việt Nam).
Động cơ đã nóng lên trên tên lửa Terran 1 khi vấn đề liên quan đến quy trình tự động khiến công ty phải hủy vụ phóng lần thứ hai cách nhau chỉ vài ngày. Trước đó, tên lửa Terran 1 được lên kế hoạch phóng vào ngày 8-3 tại mũi Canaveral (bang California) song phải hoãn lại vào phút chót vì các vấn đề về nhiệt độ nhiên liệu đẩy.
Ở lần thứ hai, tên lửa đã sừng sững trên tổ hợp phóng 16 của bãi phóng mũi Canaveral nhưng buộc phải dừng do vấn đề áp suất liên quan đến tên lửa và thuyền xâm phạm vùng an toàn ngoài khơi. Trong thông báo mới nhất, Relativity Space cho biết sẽ công bố thông tin về thời điểm phóng mới sau.
Sản phẩm tên lửa công nghệ in 3D lớn nhất
Tên lửa Terran 1 cao 33,5m (không phải là lớn lắm so với các tên lửa hiện hành), có đường kính 2,2m và 85% thành phần của tên lửa là hợp kim được sản xuất bằng công nghệ in 3D, kể cả các động cơ.
Đây là sản phẩm in 3D lớn nhất từ trước tới nay. Relativity Space còn đặt ra mục tiêu làm tên lửa với 95% bằng công nghệ in 3D. Nó sẽ là thiết bị vũ trụ tiên tiến, giá thành rẻ cả trong sản xuất lẫn phóng lên không gian.
Terran 1 có chín động cơ Aeon 1 dùng công nghệ in 3D cho phần đầu và một động cơ Aeon Vacuum in 3D cho phần hai. Tên lửa hoạt động nhờ các động cơ Aeon, sử dụng khí oxy lỏng và khí tự nhiên hóa lỏng - được kỳ vọng là "chất đẩy tên lửa trong tương lai" - có khả năng cấp nhiên liệu cho tên lửa đi đến tận sao Hỏa.
Tên lửa Vulcan do United Launch Alliance và Starship của SpaceX chế tạo cũng đang sử dụng loại nhiên liệu này. Các tên lửa Falcon của SpaceX cũng có sử dụng bộ phận làm bằng máy 3D từ mấy năm trước, nhưng tỉ lệ không nhiều như tên lửa mới của Relativity Space.
Công nghệ in 3D dự kiến đóng vai trò lớn trong không gian. Những công ty như SpaceX, Relativity Space và Rocket Lab đã chứng minh các bộ phận tên lửa có thể in 3D hoàn toàn và công nghệ này thậm chí có thể được sử dụng ngoài Trái đất để xây bệ phóng hay các cấu trúc khác.
Tên lửa công nghệ in 3D - đột phá về chi phí và thời gian
Tên lửa Terran 1 được thiết kế để chở hàng hóa lên đến 1,25 tấn ở quỹ đạo thấp. Năng lực của nó như vậy là chưa cao nhưng xét theo hiệu quả thì rất đáng kể: nhiều thiết bị trên tên lửa có thể tái sử dụng và mỗi chuyến chở hàng giá chỉ 12 triệu USD, phù hợp cho những nhu cầu nhỏ, theo khẳng định từ Relativity Space. Để so sánh, tên lửa Falcon 9 của SpaceX có thể chở số hàng lên đến 22 tấn và giá nó vào khoảng 67 triệu USD.
Nhưng tham vọng của Relativity Space (vốn được tỉ phú Mark Cuban - doanh nhân và nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ - đổ tiền vào đầu tư từ rất sớm) còn lớn hơn nhiều. Terran 1 chỉ là mẫu thử của tên lửa Terran R cao 66m và chở hàng được 20 tấn dự kiến lên không gian vào năm 2024.
Nói về tiết kiệm chi phí thì phải thấy rằng với việc tự in gần như tất tần tật các phụ kiện của tên lửa, Relativity Space đã tiết kiệm được chi phí lẫn thời gian vì không phải thuê ngoài và phụ thuộc vào các đối tác khác. Tính theo con số thì họ có thể làm được tên lửa chỉ trong hai tháng và tiết kiệm được số phụ tùng ít gấp trăm lần so với các tên lửa hiện hành.
Công nghệ in 3D mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là về giá cả và thời gian. Điều này sẽ rút ngắn thời gian sản xuất chỉ còn vài giờ thay vì mất gần cả tháng trời, cũng như tiết kiệm một khoản chi phí khá lớn. Ngoài ra, nó còn có thể đảm nhận luôn công việc sản xuất những bộ phận vốn rất khó đối với công nghệ sản xuất hiện tại như sản xuất vi mạch điện tử.
Relativity Space dùng loại máy in Stargate để làm tên lửa và họ dự kiến có chục máy in chuyên dụng với năng suất bốn tên lửa/máy in/năm.
Nhưng vấn đề với Relativity Space hiện nay là phải phóng thử thành công Terran 1.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận