Vào lúc 9h05 sáng 7-1, khi bầu trời Tây Tạng vẫn còn chìm trong bóng tối dù đã bình minh, một trận động đất dữ dội 6,8 độ đã xảy ra tại huyện Dingri, thành phố Xigaze. Tâm chấn nằm tại làng Cuoguo, thuộc vùng thung lũng và lòng chảo cao nguyên phía bắc dãy Himalaya, ở độ cao khoảng 4.200m.
Động đất khi người còn đang ngủ
Trong khoảnh khắc rung chuyển ấy, hầu hết người dân vẫn còn ngủ, hoàn toàn không kịp đề phòng trước thảm họa bất ngờ. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến số thương vong cao sau trận động đất kinh hoàng: 126 người thiệt mạng, 188 người bị thương.
Tính đến 10h sáng 8-1 theo giờ địa phương, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã ghi nhận tổng số 660 dư chấn, trong đó có 31 dư chấn có độ lớn 3,0 trở lên. Cụ thể, có 28 dư chấn có độ lớn từ 3,0-3,9 và 3 dư chấn có độ lớn từ 4,0-4,9. Dư chấn lớn nhất nằm cách tâm chấn chính khoảng 18 km.
Nhiệt độ tại huyện Dingri vào ngày xảy ra động đất lúc thấp nhất là -18 độ C, trong khi gió giật mạnh vượt cấp 4.
Theo cơ quan khí tượng Trung Quốc, trong ba ngày tới, mức gió sẽ tiếp tục tăng cao, và ban đêm, nhiệt độ sẽ hạ xuống cực thấp, đẩy con người đến giới hạn của sự chịu đựng.
Đêm đầu tiên sau động đất gần như là một đêm trắng, theo Tân Hoa xã. Trong và ngoài làng Cuoguo, đèn đuốc sáng choang trong lúc từng tốp người đi lại giữa cái lạnh -10 độ C.
Ngay sau động đất, một chiến dịch cứu hộ đã được khởi động thần tốc. Các lực lượng cứu hộ lên tới hàng chục ngàn người, bao gồm cảnh sát, quân đội và các nhóm cứu hộ dân sự, dốc toàn lực để tìm kiếm và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng.
Nhiệt độ thấp và thiếu oxy cản trở cứu hộ
Giáo sư Vương Đôn tại Đại học Khoa học địa chất Vũ Hán chia sẻ với tờ The Paper rằng việc tiến hành cứu hộ ở độ cao lớn là một thách thức cực kỳ khó khăn. Tại huyện Dingri, với độ cao trung bình 4.200m, không khí loãng đến mức khiến mỗi hơi thở trở thành một nỗ lực.
Các đội cứu hộ phải đối mặt với nguy cơ say độ cao, tình trạng có thể làm suy giảm nhanh chóng sức khỏe và năng lực hành động của họ.
Không chỉ vậy, tâm chấn động đất nằm ở vùng hẻo lánh, nơi các con đường vốn đã hiểm trở nay lại càng bị tàn phá nặng nề. Lở đất, đá vụn và những cung đường bị cắt đứt đã ngăn cản việc đưa máy móc hạng nặng vào khu vực bị ảnh hưởng.
Trong điều kiện khắc nghiệt này, việc sơ tán người dân hay vận chuyển các nhu yếu phẩm cơ bản cũng trở thành bài toán nan giải.
"Theo tôi được biết, những sự cố tương tự đã xảy ra trong trận động đất ở Maduo, tỉnh Thanh Hải vào năm 2021. Khi đó, một số nhân viên cứu hộ từ vùng nội địa đã rơi vào tình trạng nguy hiểm do phản ứng với độ cao, trở thành đối tượng cần được cứu hộ.
Ngoài ra, thời tiết rét buốt vào ban đêm cũng đặt ra thách thức lớn, không chỉ đối với sức khỏe của lực lượng cứu hộ mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các thiết bị cứu hộ", ông Từ Tích Vĩ, giáo sư tại Đại học Khoa học địa chất Bắc Kinh nhận định với báo The Beijing News.
Việc tìm kiếm nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi thiếu oxy và lạnh giá nhanh chóng rút cạn sức lực của con người.
Hiện công tác tìm kiếm cứu nạn và cứu trợ vẫn đang được các lực lượng cứu hộ tiến hành tại 15 khu vực chủ yếu ở các thị trấn Cuoguo, thị trấn Quluo, thị trấn Changsuo và thị trấn Nixia, huyện Dingri, Tây Tạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận