17/04/2018 19:26 GMT+7

Tây balô 'vô mánh' làm thầy tại Trung Quốc

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Chiều ý phụ huynh, các trung tâm dạy tiếng Anh tại Trung Quốc làm mọi cách để thuê người nước ngoài giảng dạy bất chấp họ có bằng cấp chuyên môn hay không.

Tây balô vô mánh làm thầy tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Giáo viên nước ngoài chụp ảnh với các học sinh tại một trung tâm dạy tiếng Anh có tên EF XuZhou ở thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - Ảnh: SOHU

Tòa án nhân dân quận Thông Châu, Bắc Kinh tuần trước đã tuyên án tù đối với 2 nhân viên có họ là Hạ và Vương của một trung tâm tiếng Anh vì tội làm giả bằng cấp cho người nước ngoài.

Bản án nói rằng ông Hạ đã yêu cầu ông Vương làm giả giấy tờ cho 2 người nước ngoài hồi năm 2017 để họ đi dạy tại trung tâm trên. Ông Vương và ông Hạ lần lượt bị kết án 8 tháng tù treo và 1 năm tù treo, đồng thời chịu mức phạt hành chính 10.000 nhân dân tệ (tương đương 1.590 USD) mỗi người.

Vụ việc đã làm dấy lên sự hoài nghi trong công chúng về trình độ chuyên môn của các giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại đất nước tỉ dân này, theo Hoàn Cầu Thời Báo ngày 15-4.

"Tây balô" dạy tiếng Anh tràn lan

Theo Cục quản lý chuyên gia ngoại quốc Trung Quốc (SAFEA), các giáo viên nước ngoài dù làm việc cho các cơ sở tư nhân vẫn phải có giấy phép hành nghề.

Các thành phố lớn như Bắc Kinh yêu cầu người nước ngoài phải có bằng cử nhân hoặc cao hơn và tối thiểu 2 năm kinh nghiệm làm việc thì mới được cấp giấy phép đi dạy.

Tờ People’s Digest hồi năm 2014 tường thuật rằng chỉ 500 trong số 7.000 cơ sở đào tạo được khảo sát ở Trung Quốc là đủ điều kiện để thuê giáo viên nước ngoài làm việc. Ít nhất một nửa giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh được thuê tại các trường không có giấy phép hoạt động.

Không chỉ các trường này tổ chức dạy chui mà nhiều giáo viên nước ngoài họ thuê cũng không có chuyên môn. Wang Yu Shi, một quan chức tại SAFEA, cho biết có 400.000 người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực giáo dục ở Trung Quốc trong năm 2017, nhưng chỉ 1/3 có bằng cấp đàng hoàng.

Theo Cassey Chen, nhân viên phụ trách tuyển giáo viên nước ngoài tại một trung tâm dạy tiếng Anh ở Bắc Kinh, một số người nước ngoài không có bằng cấp trong khi một số khác thậm chí không phải là người nói tiếng Anh bản xứ.

"Miễn là bạn càng trông giống người da trắng thì bạn sẽ có lương cao hơn, vì hầu hết phụ huynh ưa thích người gốc Âu hơn" - bà Chen cho biết.

Bà nói rằng chính phủ đang siết chặt các quy định liên quan tới thuê giáo viên nước ngoài trong những năm gần đây. "Đôi khi họ tiến hành thanh tra bất ngờ, các trung tâm sẽ bị phạt ít nhất 10.000 nhân dân tệ nếu có bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào" - bà Chen nói.

Hồi năm 2015, tất cả giáo viên nước ngoài tại một chi nhánh ở thành phố Hàng Châu của Disney English - công ty con của hãng Disney chuyên về dạy tiếng Anh, đã "biến mất" trong đêm sau khi cảnh sát có cuộc thanh tra bất ngờ nhằm vào trung tâm này.

Tờ Metropolitan Express ở Hàng Châu tường thuật nguyên nhân các giáo viên nước ngoài bị bắt giữ là vì không một ai trong số họ có bằng cấp chuyên môn.

"Hầu hết các cơ sở dạy tiếng Anh thiếu giáo viên nước ngoài có chuyên môn" - bà Chen nhận định.

Tây balô vô mánh làm thầy tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Cô giáo Sophie Pan dạy các học sinh ở Trường song ngữ Xiehe ở Thượng Hải - Ảnh chụp màn hình SCMP

Phụ huynh: chỉ cần là 'Tây', có bằng hay không mặc kệ!

Mặc dù có nhiều lo ngại liên quan tới trình độ chuyên môn của người nước ngoài, các giáo viên người nước ngoài vẫn được ưa chuộng không chỉ bởi các cơ sở dạy tiếng Anh mà còn các phụ huynh ở Trung Quốc.

"Bọn trẻ có thể học tiếng Anh tự nhiên từ những người nước ngoài" - một phụ huynh họ Vương nói với Hoàn Cầu Thời Báo.

Số liệu cho thấy trẻ em Trung Quốc hiện học tiếng Anh ở độ tuổi khá sớm so với trước đây. Gần 70% trong số 2.003 người được hỏi bởi Hoàn Cầu Thời Báo cho biết con họ hoặc những đứa trẻ mà họ biết bắt đầu học tiếng Anh trước 5 tuổi vì phụ huynh muốn con cái được vượt trội.

Nhiều gia đình gửi con tới học tại các trung tâm dạy bằng tiếng Anh khá sớm mặc dù chi phí đắt đỏ. Khoảng 39% số người được khảo sát nói rằng các phụ huynh thường phải chi từ 10.000-20.000 nhân dân tệ/năm để con học tại các trung tâm như vậy.

"Cách nhìn về giáo viên nước ngoài cho thấy sự hiểu biết nông cạn của các bậc phụ huynh liên quan tới việc học tiếng Anh. Những giáo viên nào không có chuyên môn đầy đủ chỉ có thể dạy các kỹ năng giao tiếp đơn giản, mà không phải là phương pháp dạy ngôn ngữ có hệ thống" - Xiong Bin Qi, phó chủ tịch Viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 ở Trung Quốc, nhận định.

Liên quan tới vụ xử 2 bị cáo làm giả giấy tờ trên và chuyện giáo viên nước ngoài dạy chui tràn lan tại Trung Quốc, trang tin Sina khuyến cáo rằng đánh giá giáo viên nước ngoài không phải chỉ "nhìn mặt mà bắt hình dong", mà nên nhìn vào bằng cấp mà họ có.

Trước khi đến Trung Quốc tham dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có cho biết ông sẽ cố gắng đưa 100.000 giáo viên dạy tiếng Anh người Philippines tới giảng dạy tại Trung Quốc, theo Tân Hoa xã.

Manila cho biết hai nước đang trong quá trình hoàn tất thỏa thuận để dọn đường cho việc thuê 300.000 người lao động Philippines ở Trung Quốc, trong đó có 100.000 giáo viên tiếng Anh. Chính phủ Trung Quốc hiện đề xuất trả lương cho giáo viên dạy tiếng Anh người Philippines là 1.500 USD/người.

Ngã ngửa khóa tiếng Anh trăm triệu Ngã ngửa khóa tiếng Anh trăm triệu 'bao' điểm IELTS

TTO - 'Thi tiếng Anh, họ nói con tôi là một trong 10 em có điểm cao nhất nên được học bổng. Họ nói rất hay và phù hợp mục đích của mình nên tôi đã ký hợp đồng trọn gói', anh H. nói.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên