Học ngoại ngữ phải tăng cường giao tiếp với giáo viên nước ngoài - Ảnh: NHƯ HÙNG
Và điểm chung của những ý kiến này là chương trình đào tạo tiếng Anh trong trường học hiện nay nặng về ngữ pháp, thời gian đào tạo ít, không có môi trường thực hành nghe - nói, sĩ số lớp đông...
"Điệp khúc" ngữ pháp
Bạn N.N.B. - sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - kể thời phổ thông và ngay cả ĐH, học và thi tiếng Anh ở trường chỉ là để đối phó.
Theo B., thời phổ thông, giáo viên chủ yếu dạy ngữ pháp, hầu như không có bất kỳ hoạt động rèn luyện kỹ năng giao tiếp nào.
"Vào ĐH, thấy được tầm quan trọng của tiếng Anh, tôi học lớp tiếng Anh căn bản trong chương trình đào tạo của trường vì mất căn bản. Lớp đông, giảng lý thuyết nhiều nên tôi không tiếp thu được bao nhiêu.
Đến năm 4, phải tích lũy đủ 10 tín chỉ tiếng Anh để tốt nghiệp nên tôi tiếp tục đăng ký học. Cũng có bạn học ở trung tâm ngoại ngữ bên ngoài và nộp chứng chỉ quốc tế cho trường. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện học ở trung tâm" - B. kể thêm.
Tương tự, Nguyễn Minh Trí - sinh viên Trường ĐH Sài Gòn - cho biết việc học tiếng Anh của bạn từ phổ thông, ĐH tập trung vào "điệp khúc" ngữ pháp.
"Ở phổ thông, kiến thức tiếng Anh chủ yếu tập trung vào ngữ pháp. Để thi ĐH cũng luyện ngữ pháp. Chương trình tiếng Anh không chuyên, chuyên ngành bậc ĐH cũng tập trung nhiều vào... ngữ pháp mà ít thực hành giao tiếp.
Thời gian học chỉ có 6 tín chỉ Anh văn không chuyên và 6 tín chỉ Anh văn chuyên ngành. Môi trường thực hành kỹ năng hạn chế. Mỗi tuần học hai buổi nhưng lớp khá đông nên thời gian thực hành giao tiếp cũng rất ít" - Trí chia sẻ.
Trong khi đó, một sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết vì mất kiến thức căn bản bậc phổ thông nên việc học tiếng Anh ở bậc ĐH là "cực hình". Dù đã hoàn thành chương trình đào tạo hơn một năm nhưng vẫn chưa thể nhận bằng tốt nghiệp vì vướng đầu ra tiếng Anh...
Ở góc độ khác, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nói đầu vào ngoại ngữ của sinh viên yếu trong khi thời gian dành cho tiếng Anh quá ít nên khó có kết quả tốt.
"Hầu hết các lớp học tiếng Anh có sĩ số trên 35 sinh viên nên rèn luyện kỹ năng giao tiếp là không khả thi. Chúng ta kêu gọi giảng viên thay đổi phương pháp giảng dạy nhưng rất khó" - giảng viên này nói.
Ông Phan Thanh Tiến - Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) - cũng cho rằng thời gian đào tạo tiếng Anh không chuyên ở ĐH chỉ có 7 tín chỉ là quá ít so với yêu cầu.
Lâu nay việc đánh giá năng lực ngoại ngữ chỉ chú trọng vào từ vựng, ngữ pháp và bỏ qua kiểm tra nghe, nói. Việc đo lường như vậy lặp đi lặp lại nhiều năm, nhiều bậc học khiến người học không chú trọng rèn luyện kỹ năng này
ThS BÙI THỊ THANH TRÚC
Tăng thời gian rèn giao tiếp
Có kinh nghiệm trong đào tạo tiếng Anh, TS Vũ Thị Phương Anh xác định nguyên nhân chính dẫn đến sinh viên học nhiều năm vẫn không sử dụng được tiếng Anh là chương trình, phương pháp giảng dạy có vấn đề và người học thiếu môi trường thực hành giao tiếp.
Bà Phương Anh nói: "Đội ngũ giảng viên tiếng Anh hiện nay nhiều người học từ nước ngoài về, kiến thức và kỹ năng rất tốt.
Nhưng họ cũng khó có thể làm gì đột phá nếu chương trình và phương pháp giảng dạy vẫn như vậy. Việc học tiếng Anh nặng về thi cử đã trói buộc người học và giáo viên rất nhiều.
Lứa tuổi THCS khá đẹp để học ngoại ngữ. Tuy nhiên, tiếp xúc ban đầu và trong một thời gian dài không đúng phương pháp đến khi vào ĐH, các trường dù có làm cách nào cũng rất khó cải thiện.
Học ngoại ngữ mà chỉ chăm chú vào các con chữ trong sách thì không thể phát triển được. Phải thay đổi chương trình và phương pháp giảng dạy".
Trong khi đó ThS Bùi Thị Thanh Trúc, trưởng khoa ngoại ngữ Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM, cho rằng cần phải thay đổi cách đo lường năng lực người học qua các bài thi.
Từ đó, hướng người học đến mục tiêu sử dụng ngoại ngữ trong khi vẫn đảm bảo kiến thức ngữ pháp.
"Lâu nay việc đánh giá năng lực ngoại ngữ thường chỉ chú trọng vào từ vựng, ngữ pháp trong khi bỏ kiểm tra nghe, nói. Việc đo lường này chưa đầy đủ và không chính xác, được lặp đi lặp lại nhiều năm, nhiều bậc học khiến người học không chú trọng rèn luyện kỹ năng này" - ThS Trúc nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, ThS Tống Thị Huệ - Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho rằng chương trình phổ thông cần thay đổi theo hướng tăng thời gian rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
"Hiện nay giáo viên phải đảm bảo thời lượng theo quy định cứng, hầu như không có thời gian giúp học sinh thực hành nghe - nói nên sinh viên yếu các kỹ năng này" - ThS Huệ nói thêm.
Khác biệt giữa trường và... trung tâm
Giảng viên tiếng Anh một trường ĐH từng giảng dạy ở trung tâm ngoại ngữ kể: Rất nhiều giáo viên tiếng Anh ở phổ thông, ĐH tham gia dạy ở trung tâm ngoại ngữ. Họ làm rất tốt nghiệp vụ của mình.
"Tôi tự hỏi tại sao cũng con người đó nhưng ở trường phổ thông hay ĐH họ làm không tốt, trong khi ra ngoài họ lại tạo nên sự khác biệt?
Tôi rút ra: một trong những yếu tố quan trọng tác động đến chất lượng dạy học ngoại ngữ, đó là giáo trình và phương pháp.
Giáo viên phổ thông và ĐH phải dạy theo chương trình cố định, bao nhiêu tiết, phải làm gì trên lớp, đảm bảo kiến thức thế nào.
Điều này trói buộc họ trong khuôn khổ, làm sao họ có thể làm gì đó khác biệt ngoài chương trình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận