Sinh viên ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) giới thiệu máy cắt CNC trên vải - Ảnh: Tường Hân
Môi trường học tập ở THPT và đại học rất khác nhau, mỗi bậc theo một hướng, vì vậy cách dạy - học ở THPT và đại học cũng khác nhau.
Nếu học phổ thông, các bạn lúc nào cũng có giáo viên kèm cặp, lúc nào cũng có gia đình kế bên, thì lên đại học, các bạn sẽ phải tự định hướng, quản lý cuộc sống của chính mình.
Không kỹ năng và bài học xương máu
Đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với số điểm thuộc tốp đầu của khoa, Đ.N.T. (cựu sinh viên khoa kinh doanh quốc tế) không nghĩ ngày mình ra trường sẽ cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp loại trung bình - khá. Nhưng điều đó đã trở thành hiện thực.
Quen với sự kèm cặp, giám sát của giáo viên và giám thị ở trường THPT, khi bước chân vào môi trường mới, tự do trao vào tay, T. bắt đầu "xõa". T. thường xuyên thức khuya chơi game hoặc nhậu nhẹt cùng bạn bè, cúp học triền miên vì "ngủ quên".
Bên cạnh đó, không có kỹ năng làm việc nhóm cũng là một nguyên nhân khiến T. bị "khớp" khi học. Trong khi ở đại học đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất, thì thời phổ thông T. hầu như không làm việc nhóm, khi giảng viên yêu cầu làm việc nhóm thì cậu bơ vơ "không biết phải làm sao".
Khi có nhóm rồi, cậu và các bạn lại chật vật thích nghi với việc làm việc nhóm. Hiệu quả làm việc cùng điểm số không cao khiến T. càng chán nản, mất dần hứng thú học tập.
Tương tự, không có một kỹ năng nào trong tay đã khiến Trần Nguyễn Thanh Trúc (sinh viên năm 4, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) lao đao khi học năm đầu tiên.
"THPT có giáo viên chủ nhiệm, đại học có cố vấn học tập. Ban đầu mình nghĩ, cố vấn học tập sẽ theo sát mình như giáo viên chủ nhiệm, nên mình bị sốc khi tự mình phải lo lắng, tự học tự tìm hiểu và tự làm tất cả, từ chọn môn học đến lên kế hoạch học tập. Kết quả học kỳ 1 của mình thấp khủng khiếp" - Trúc bật cười khi nhớ lại.
Các kỹ năng cần có
Qua học kỳ 2 năm nhất, Trúc liệt kê ra những danh sách các kỹ năng cần có để "sống sót" trong môi trường học tập và bắt đầu học hỏi, rèn luyện cho mình các kỹ năng đó.
"Với mình, kỹ năng quan trọng nhất là làm việc nhóm. Không chỉ trong trường ĐH mà sau này đi làm, bạn thường xuyên phải sử dụng nó. Nghe "làm việc nhóm" có vẻ đơn giản, nhưng nhiều bạn bè của mình đến năm 4 vẫn chưa biết làm việc nhóm. Tập hợp một số người lại, làm một thứ gì đó không có nghĩa là đang làm việc nhóm" - Trúc chia sẻ.
Ngoài ra, bí quyết giúp Trúc cải thiện điểm số là học cách tranh biện trong giờ học. "Nếu các bạn thụ động nghe giảng thì những kiến thức đó sẽ không đọng lại lâu trong đầu các bạn và nó sẽ rất nhanh chóng bị trôi tuột đi.
Kiến thức do các bạn chủ động tìm hiểu thì sẽ nhớ lâu hơn. Tranh biện không chỉ giúp bạn làm rõ vấn đề mà còn gây được ấn tượng tốt với giáo viên, thêm điểm quá trình" - Trúc bật mí.
Để trang bị kỹ năng cho mình, Trúc đăng ký những khóa học ngắn hạn của Nhà văn hóa Thanh niên và tham gia, giao lưu các buổi chia sẻ teamwork (làm việc nhóm) của các hội nhóm sinh viên.
Nhờ trang bị cho mình các kỹ năng, Trúc không chỉ đạt học lực giỏi mà cô còn tham gia nhiều hoạt động của chi đoàn, xây dựng chương trình dạy học sinh tiểu học sử dụng tiền... và nhận được nhiều học bổng hỗ trợ học tập.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: "Thật sự để trở thành một sinh viên các bạn cần phải rèn luyện cho mình rất nhiều kỹ năng. Nếu các bạn có kỹ năng, các bạn sẽ biết giữ cho mình một tâm lý thoải mái, không quá đặt nặng điểm số và biết tìm hướng để cải thiện tình hình dễ dàng hơn".
Theo thầy Hạ, kỹ năng đầu tiên các sinh viên phải có là kỹ năng tự học. Sau đó là kỹ năng kiểm soát thời gian. Học đại học, hầu hết các bạn sẽ phải sống xa gia đình.
Mọi thứ bao gồm vui chơi học tập, ăn uống ngủ nghỉ như thế nào cũng là do các bạn tự lo. Giờ nào đi học, giờ nào đi chơi. Học như thế nào là hợp lý, chơi như thế nào là hợp lý, đều do các bạn tự quyết định và sắp xếp nó.
Kỹ năng thứ ba là làm việc nhóm, song song với kỹ năng làm việc độc lập. Hiện nay chỉ một số ít học sinh THPT được trang bị tương đối tốt về kỹ năng này, còn lại hầu hết các bạn rất yếu hoặc thậm chí hoàn toàn không có. Sinh viên có thể tham gia nhiều lớp kỹ năng khác nhau từ phía nhà trường, các khoa, Nhà văn hóa Thanh niên...
Nắm bắt và xử lý thông tin cũng là một kỹ năng các bạn cần để ý. Ví dụ như "dân xã hội", phải đọc rất nhiều nhưng đọc như thế nào, hiểu ra sao và xử lý như thế nào lại là một câu chuyện khác. Nhiều sinh viên đọc rất nhiều nhưng nhận lại số lượng kiến thức thông tin không tương xứng với công sức các bạn bỏ ra vì thiếu kỹ năng.
Các bạn nên trang bị cho mình các kỹ năng đó từ bậc THPT hoặc giai đoạn chuyển tiếp lên đại học để khi bước chân vào giảng đường thì các bạn sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ hay bị sốc. Một trường hợp khiến các bạn sốc thường gặp nhất là thi lại ngay từ năm học đầu tiên.
"Thi lại không phải do các bạn yếu mà là do các bạn chưa "quen" với cách học và dạy ở bậc đại học. Đối với các bạn khá giỏi, thi lại là một khái niệm mơ hồ và không liên quan gì đến các bạn. Các bạn không chuẩn bị tâm lý thì các bạn sẽ bị sốc, một số bạn có tâm lý yếu sẽ bị ám ảnh và chán nản.
Cuộc sống không đơn giản, vì vậy vượt qua áp lực, vượt qua thất bại cũng là một kỹ năng mình cần rèn luyện. Nếu các bạn có sự chuẩn bị trước cho mình các kỹ năng thì đại học chỉ là một bước tiếp nối, cứ thế mình đi tiếp, hoàn thiện tiếp" - thầy Hạ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận