28/10/2016 13:17 GMT+7

Tàu điện ngầm Triều Tiên sâu hơn mức bình thường

THÁI LỘC - ĐÀ TRANG
THÁI LỘC - ĐÀ TRANG

TTO - Ngày tham quan cuối cùng sắp kết thúc, vào cuối buổi chiều chúng tôi được đồng chí hướng dẫn Choe Un Mi thông báo: “Lát nữa sẽ đi tàu điện ngầm!”, làm mọi người rất háo hức.

Nhà ga tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng - Ảnh: THÁI LỘC
Nhà ga tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng - Ảnh: THÁI LỘC

“Triều Tiên làm tàu điện ngầm từ rất lâu rồi. Tôi nhận thấy tàu điện ngầm ở đây nằm sâu dưới tầng bình thường (như thường thấy ở những nơi khác). Đây là công trình lưỡng dụng, dùng cho cả dân sự lẫn quốc phòng, (với tầng sâu này thì) có thể tránh được những loại bom lớn!"

Cựu đại sứ VN tại Triều Tiên Lê Quảng Ba

Sâu ngoài tưởng tượng

Xe chở chúng tôi đến ga tàu điện ngầm nằm phía bên trái và chỉ cách nhà ga Bình Nhưỡng non 100m, trên đường Kyeong Hung. Choe dẫn đầu đoàn, còn Hong Guk “khóa đuôi”, chúng tôi được dẫn xuống một hành lang sâu lát đá khá cũ kỹ.

Tất cả người dân đều mua vé và có nhân viên kiểm soát. Nhưng Choe, dường như là người “quyền lực”, chỉ cần ghé vào tai nói một điều gì đó rất nhanh với cô nhân viên kiểm soát và chúng tôi cùng trót lọt qua cửa.

Thực ra chỉ vì không được phép mua mà thôi, chứ còn vé xe điện ngầm dành cho người dân ở đây rất “bèo”, chỉ là 5 won, chưa đến 20 đồng tiền Việt, có nghĩa 1 USD có thể đi đến... hơn 1.000 lần.

Sau khâu kiểm soát, chúng tôi được dẫn vào cổng vòm với thang cuốn xuống sâu dưới lòng đất. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi thang cuốn sâu vào lòng đất ngoài mức tưởng tượng như thế.

Hết thang cuốn, chúng tôi tiếp tục đi một đường hầm dài là đến điểm tàu đón đỗ. Tàu đi và đỗ trên hai tuyến đường sắt song song hai bên. Một chiếc tàu số hiệu 853 xình xịch từ phía bên phải đang đến, mọi người đều hối hả xuống và lên tàu.

Chúng tôi được Choe ra hiệu chờ bên tuyến ngược lại, lên chuyến tàu 857. Trên tàu cũng khá chật chội, không những số ghế được ngồi kín bởi những người bản địa lớn tuổi, mà chỗ đứng cũng chật. Vì tàu chạy khá nhanh nên chưa đến hai phút đã đến ga kế tiếp.

Xuống tàu, nhà ga ở điểm đến cũng có lối kiến trúc và hệ thống chiếu sáng tương tự tại ga đi. Cũng lại bức bích họa về lãnh tụ Kim Nhật Thành chiếm trọn bức tường lớn. Ngay điểm đỗ này, có mấy người dân xúm quanh chỗ đọc báo niêm yết trong khung kính. Chúng tôi hòa vào dòng người có chút hối hả đi theo đường hầm đến chỗ thang cuốn “dài hơn mức bình thường” để lên mặt đất.

Một cán bộ ngoại giao sống nhiều năm tại Bình Nhưỡng cho biết tàu điện ngầm ở thành phố này có hai tuyến, mỗi tuyến dài trong khoảng 10km. Tuyến thứ nhất có chín ga, điểm đầu là ga Sao Đỏ ở quận Daesong và điểm cuối là ga nằm trên đường Saemaul thuộc quận Pyeongcheon. Tuyến này chạy ven bờ sông Đại Đồng, qua đồi Mansudae, quảng trường Kim Nhật Thành và khách sạn Koryo...

Tuyến thứ hai có tám ga, điểm đầu là ga gần vườn Bách thú ở quận Daesong và ga cuối trên đường Kwangbok tại quận Mankyeongdae. Tuyến này chạy qua cung điện Thái Dương, nơi yên nghỉ của hai vị lãnh tụ. Hai tuyến tàu điện ngầm này giao nhau ở ga Chiến Thắng và ga Chiến Hữu thuộc quận Moran, chỗ gần Đại sứ quán Trung Quốc.

Trong tấm bản đồ TP Bình Nhưỡng mà chúng tôi đem về từ Triều Tiên không hề thể hiện tuyến và ga tàu điện ngầm. Điều này, theo giải thích của một cán bộ ngoại giao một nước châu Âu tại Bình Nhưỡng: “Họ không in lên bản đồ vì ga tàu là đường hầm cũng là một vị trí ẩn nấp bom, sợ bị lộ khi khách du lịch mang ra ngoài!”.

Người dân Bình Nhưỡng sử dụng tàu điện ngầm - Ảnh: T. LỘC
Người dân Bình Nhưỡng sử dụng tàu điện ngầm - Ảnh: T. LỘC

Nhiều phương tiện dùng điện

Trong mấy ngày ở thủ đô Bình Nhưỡng, chỉ thỉnh thoảng chúng tôi mới thấy một chiếc xe máy hay xe đạp điện, ngoại trừ một số xe môtô chuyên dụng của cảnh sát. Người dân ở thủ đô này hầu hết đi bộ, đi xe đạp và các phương tiện công cộng.

Ngoài tàu điện ngầm, có hai loại xe chạy điện trên đường phố, một loại xe “đôi” dùng đường ray và một loại xe “đơn” dùng bánh lốp, chạy rất chậm và phát âm thanh khá ồn, dường như đã quá cũ kỹ. Ngoài ra còn có xe buýt.

Đáng chú ý là có một số xe buýt hai tầng sơn xanh và trắng, còn mới, có người nói vừa được nhập từ Trung Quốc về trong năm nay, nhưng có người nói do Triều Tiên sản xuất vừa đưa vào hoạt động.

Xe taxi cũng khá phổ biến, thường tập trung ở ga Bình Nhưỡng, trước các khách sạn khu vực trung tâm. Tôi từng thử gõ cửa một chiếc taxi đỗ ngay trước khách sạn Koryo, anh tài xế chỉ cười và ra hiệu “không chở”. Một vị cán bộ ngoại giao cho biết người nước ngoài nói chung thì “không được đón” và “không đón được” taxi ở Bình Nhưỡng. Tôi chưa nghe ai giải thích thuyết phục vì lý do gì...

Đường phố thì thoáng đãng, mặt đường rộng rãi, xe cộ rất thưa thớt. Chỉ có hai bên vỉa hè khá đông người dân đi bộ. Tại tất cả các tuyến phố, xe đạp đi chung với người đi bộ trên vỉa hè. Có khá nhiều tuyến phố người ta thiết kế lối xe đạp đi riêng, khá hẹp cạnh bên lối đi bộ, rộng hơn. Người dân băng ngang đường cũng tương đối tùy tiện, kể cả những nơi không có kẻ vạch.

Lại nói về xe điện, trên nhiều tuyến đường ở thủ đô này, chúng tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp xe điện nối đuôi nhau hoặc chỉ cách nhau vài mét. Trong khi ở những trạm kế tiếp người dân chờ đã khá đông. Theo giải thích của một cán bộ ngoại giao, điện ở Bình Nhưỡng khá chập chờn, đặc biệt là về đêm. “Vì điện chập chờn như vậy nên xe khi nhanh khi chậm. Có khi không chạy nổi thì dồn ứ khá lâu!”.

Đó cũng là lý do mà nhiều người dân Bình Nhưỡng đi làm về rất khuya, có khi sau 11g đêm, xe điện vẫn chạy và còn khá đông người. Hệ thống xe điện ở Bình Nhưỡng đã cũ kỹ nên thỉnh thoảng thấy xảy ra tình trạng lệch cần tiếp điện, khiến xe phải dừng lại. Cảnh tượng tài xế phải chạy lui dùng tay kéo cần “móc” vào dây điện ở trên rất thường diễn ra...

Theo diễn giải của ông Phạm Ngọc Cảnh, người từng làm việc lâu năm tại Triều Tiên, hầu hết xe cộ và máy móc ở Triều Tiên đều do họ tự sản xuất. Khi bắt đầu xây dựng đất nước, Triều Tiên đã có hơn 20% tổng sản phẩm là công nghiệp và có một đội ngũ giai cấp công nhân đúng nghĩa.

Điều này được giải thích rằng khi người Nhật khai thác thuộc địa ở Triều Tiên, thay vì chở nguyên liệu thô như kiểu thực dân Pháp, thì họ lại xây dựng nhiều nhà máy để sản xuất tại chỗ, đưa thành phẩm hoặc bán thành phẩm về nước. Nhờ vậy mà nhà máy của người Nhật với công nghệ cao đương thời được xây ở rất nhiều nơi trên khắp Triều Tiên.

____________________________________________________

Kỳ cuối: Ước nguyện thống nhất và cuộc lục soát cuối cùng

THÁI LỘC - ĐÀ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên