25/10/2016 12:03 GMT+7

Triều Tiên - đất nước lạ kỳ: Giáo dục không mất tiền

THÁI LỘC - ĐÀ TRANG
THÁI LỘC - ĐÀ TRANG

TTO - Từ năm 1959, Chính phủ Triều Tiên thực thi chính sách giáo dục miễn phí đối với toàn bộ các cấp học. Sinh viên đại học còn có thêm học bổng. Đất nước này cũng vừa cải cách giáo dục từ 11 năm sang 12 năm.

*** Error ***
Một lớp học đàn ở Cung thiếu nhi Bình Nhưỡng - Ảnh: THÁI LỘC

Khoảng năm 2012, Triều Tiên cải cách giáo dục sang chế độ 12 năm. Trước đó, giáo dục phổ thông của đất nước này là 11 năm gồm 1 năm mẫu giáo, 4 năm tiểu học và 6 năm trung học.

Cải cách giáo dục phổ thông

Chương trình cải cách hiện nay bao gồm: 1 năm mẫu giáo, 5 năm tiểu học, 3 năm “trung học cơ sở” và 3 năm “trung học phổ thông”. Khai giảng năm học mới vào ngày 1-4, do đó các năm học cũ phải kết thúc trước tháng 3.

Thời điểm này phía bắc bán đảo Triều Tiên đã qua giai đoạn ngủ đông, hết rét, cỏ hoa sinh trưởng, sức sống dồi dào.

Trong các trường phổ thông cũng có các tổ chức Đoàn, Đội tương tự như ở VN, kể cả phương cách sinh hoạt. Ở cấp tiểu học thì có Đội thiếu niên tiền phong, quàng khăn đỏ, tương tự VN và Trung Quốc.

Sang cấp lớn hơn thì có Đoàn thanh niên chủ nghĩa Kim Nhật Thành - Kim Chính Nhật.

Triều Tiên được đánh giá dành sự đầu tư đặc biệt cho trẻ em, ít nhất là trẻ em Bình Nhưỡng. Cựu đại sứ Lê Quảng Ba cho biết: “Quan điểm của lãnh đạo Kim Nhật Thành và lãnh đạo Triều Tiên là tất cả những gì tốt nhất có thể có của xã hội hãy dành cho trẻ em”.

Đó là lý do người ta xây dựng nhiều công trình rất tốn kém như cung thiếu nhi và nhiều khu nhà trẻ hoành tráng...

Trong lần dẫn chúng tôi thăm Cung thiếu nhi Bình Nhưỡng, hướng dẫn viên Choe cũng chia sẻ điều đó và cho biết cung thiếu nhi này mỗi ngày đón tới 5.000 lượt học sinh. Sáng các em tới trường học văn hóa, chiều các em đến đây học thêm một bộ môn nghệ thuật hay thể thao nào đó.

Điều này chúng tôi không thể chứng thực được là có phổ biến trên toàn đất nước Triều Tiên hay không, hay là chỉ đúng với thủ đô Bình Nhưỡng, hoặc hẹp hơn chỉ đúng với một nhóm đối tượng nào đó trong xã hội?

Tuy nhiên, tại Cung thiếu nhi Bình Nhưỡng, chúng tôi được dẫn tham quan những lớp học ngoại khóa dành cho nhiều lứa tuổi. Đó là các lớp đàn, sáo, trống, vũ balê, thêu, thư pháp và các lớp thể thao.

Ban đầu cứ nghĩ đó là những lớp “diễn để làm mặt” trước quan khách. Nhưng quan niệm ấy bị gạt bỏ ngay sau khi xem chương trình biểu diễn, với các tiết mục từ ca, múa, nhạc, trống... do các em biểu diễn đều đạt trình độ đỉnh cao.

*** Error ***
Bệnh viện dành cho người nước ngoài ở thủ đô Bình Nhưỡng - Ảnh: N.Q.

Chương trình đại học: cũng có đổi mới

Một cán bộ ngoại giao tại Đại sứ quán VN ở Bình Nhưỡng là người vừa tốt nghiệp đại học ở Trường ĐH Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng hai năm trước. Anh cho biết mình học chương trình đã được cải cách dành cho người nước ngoài.

Trong bốn năm đại học, năm 1 và năm 2 chuyên học tiếng: đọc văn, nghe và nói, viết văn và học tiếng Anh. Lên năm 3 học thêm địa lý, lịch sử, tin học và toán học. Năm 4 thì có các môn chuyên ngành. Mỗi học kỳ duy trì năm hoặc sáu môn học.

Người nước ngoài thì sau khi học tiếng bốn năm tốt nghiệp đại học, được chọn chương trình thạc sĩ kinh tế học trong ba năm, hoặc thạc sĩ ngôn ngữ học trong hai năm. Nếu học tiếp lên tiến sĩ thì thêm ba năm nữa.

“Chương trình hiện nay không nhiều môn liên quan đến chính trị như hồi xưa, tuy cũng có nhưng chỉ học để cho biết. Trong đó, môn tư tưởng chủ thể và hiến pháp Triều Tiên được học trong một học kỳ, coi như giới thiệu qua thôi chứ không chuyên sâu!”, anh nói.

Điều này khá bất ngờ đối với những người từng học ở Bình Nhưỡng trước đây, khi người nước ngoài còn học chung với người bản xứ.

Theo cựu đại sứ Dương Chính Thức: “Chế độ giáo dục ở Triều Tiên đương thời cũng na ná kiểu VN trước đây, áp dụng theo hệ thống giáo dục Liên Xô ngày xưa. Thậm chí có chương trình học bằng sách tiếng Nga và làm cái gì cũng tương tự kiểu người Nga làm trong sách”.

Ông Phạm Ngọc Cảnh, người từng theo học nhiều năm ở Trường ĐH Hóa công nghiệp Hàm Hưng, Triều Tiên, cho biết bốn năm đại học của ông “toàn môn chính trị”.

“Học chính trị liên tục, những môn như: lịch sử Đảng Lao động Triều Tiên, lịch sử đấu tranh cách mạng của đồng chí Kim Nhật Thành và gia đình, học các tuyển tập của Kim Nhật Thành cũng đồng thời là giáo trình... Triết học thì tất cả nội dung đều liên quan đến lãnh tụ Kim Nhật Thành...” - ông Cảnh kể.

Cho đến hiện nay ở Triều Tiên, cán bộ làm việc cả ngày thứ bảy. Nhưng vào chiều thứ bảy thì tất cả cán bộ đều phải đi học chính trị.

Theo một vị cán bộ ngoại giao: “Nội dung thường là nâng cao sức chiến đấu của Đảng và Đảng trong sạch, tuyên dương những đảng viên tốt, phê bình những thói hư tật xấu”.

Vị này cũng cho biết ngay cả người bán hàng ở trong siêu thị, ngày thường khi rảnh rỗi cũng thấy lôi ra các tờ giấy rồi ê a đọc thuộc những nội dung liên quan đến chính trị...

Y tế cũng miễn phí

Từ năm 1953, Triều Tiên đã bắt đầu thi hành chính sách y tế miễn phí cho cán bộ công nhân viên và đến khoảng năm 1960, hệ thống y tế hoàn toàn miễn phí đối với mọi người dân.

Một cán bộ ngoại giao một nước Đông Nam Á đang công tác tại Bình Nhưỡng nhận xét thẳng thắn: “Miễn phí về nguyên tắc là rất “ok”, nhưng nhiều mặt chưa tốt!”.

Vị này kể ra ít nhất ba điểm yếu của ngành y tế Triều Tiên. Thứ nhất: thiếu thuốc men, bệnh viện có rất ít thuốc tây mà chủ yếu là đông dược. Thứ hai: thiết bị y tế cũ kỹ, không có máy móc hiện đại tương cận được với thế giới.

Kế đến, trình độ tay nghề bác sĩ không cao, không được tiếp cận với kỹ thuật y học hiện đại của thế giới.

Một chi tiết khác cũng khá thú vị là nhiều phụ nữ ở Bình Nhưỡng cũng được đi xẻ mí mắt và sửa mũi cho thanh tú. Một thông tin cho biết dịch vụ này cũng... miễn phí đối với người dân. Tuy nhiên, thành phần nào mới được phép phẫu thuật thẩm mỹ thì chúng tôi không thể hỏi được.

Cũng tại Bình Nhưỡng, có hẳn một bệnh viện dành cho người nước ngoài nằm ở quận Đại Đồng Giang, nơi tập trung hầu hết đại sứ quán các nước.

Bệnh viện không lớn, khá cũ kỹ nhưng sạch sẽ, đầy đủ thiết bị với dãy nhà hai tầng làm nơi khám bệnh và dãy ba tầng nội trú kế bên. Tất cả người nước ngoài đều buộc phải khám chữa bệnh ở bệnh viện này chứ không được phép vào bất cứ bệnh viện nào khác tại Bình Nhưỡng.

Trước đây, bệnh viện này cũng miễn phí cho người nước ngoài. Tuy nhiên những năm gần đây, chỉ tiền khám được miễn phí, còn tiền thuốc bệnh nhân phải chịu.

Kỳ tới: “Đừng nói chuyện tốn kém” 

THÁI LỘC - ĐÀ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên