Tàu USS Gabrielle Giffords của Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ
Đài CNN ngày 11-8 cho biết USS Gabrielle Giffords, tàu chiến đấu ven bờ rất nhanh và mạnh của Hải quân Mỹ, rời San Diego hồi đầu tháng này, mang theo một loại tên lửa tấn công hải quân mới và một trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout giúp ngắm bắn tên lửa.
Loại tên lửa mới là tên lửa hành trình lướt biển có khả năng né được các loại rađa và hàng phòng thủ của đối phương, theo Raytheon - nhà thầu vũ khí chính của Mỹ. Vũ khí này có tầm bắn hơn 100km, xa hơn 30% so với tên lửa Harpoon mà Hải quân Mỹ đang sử dụng để chống tàu.
Khả năng phối hợp với trực thăng không người lái cho phép tên lửa này nhắm các mục tiêu bên ngoài rađa. "Khả năng nhắm cũng quan trọng không kém hệ thống tên lửa. Người ta chỉ có thể tấn công những gì mình tìm thấy", nhà phân tích Carl Schuster nhận định.
Theo John Fage, người phát ngôn Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ, tên lửa mới sẽ giúp tăng sức mạnh sát thương cho Hải quân Mỹ.
USS Gabrielle Giffords là chiếc tàu đầu tiên triển khai loại tên lửa chiến đấu hải quân mới nhưng dự kiến sẽ có ngày càng nhiều tàu khác triển khai loại tên lửa này.
"Lầu Năm Góc đang xây dựng một lực lượng quân sự có thể hoạt động trên nền tảng vững chắc hơn, có khả năng chiến đấu và sống sót trước chiến lược chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực của Quân đội nhân dân Trung Quốc", nhà phân tích quốc phòng Timothy Heath nhận định, nhắc đến các tên lửa, máy bay và tàu mà Trung Quốc đã triển khai để kiểm soát các khu vực trên Thái Bình Dương.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đổ lỗi cho nhau về việc đẩy nhanh quân sự hóa Biển Đông. Kể từ năm 2015, Bắc Kinh đã củng cố quân sự hóa tại khu vực này, cho rằng các cuộc diễn tập của Hải quân Mỹ là lý do khiến nước này phải bảo vệ các lợi ích của mình.
"Tôi nghĩ sẽ có nhiều tàu lớp chiến đấu ven bờ (của Mỹ) hoạt động tại Biển Đông", ông Heath nói. Có nhiều đồn đoán rằng chiếc USS Gabrielle Giffords đang hướng đến Singapore.
Việc triển khai tên lửa mới được cho là thông điệp của Washington không chỉ đến Trung Quốc mà còn các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương, và có thể "thay đổi cuộc chơi" ở vùng biển Tây Thái Bình Dương.
"Đây là bước tiến đầu tiên hướng tới việc điều chỉnh lại sự mất cân bằng sẽ còn diễn ra trong những năm tới", ông Schuster đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận