26/05/2024 08:28 GMT+7

Táo Mỹ chỉ hơn 40.000 đồng/kg, trái cây nội địa lại tăng giá

Táo nhập khẩu từ Mỹ tươi rói, giá rẻ, đổ đống tại siêu thị, bán theo combo 129.000 đồng/3kg, tính ra chỉ hơn 40.000 đồng/kg, còn rẻ hơn cà chua beef (50.000 đồng/kg) cũng như nhiều loại trái cây khác trồng tại Việt Nam.

Táo Gala Mỹ ngập tràn siêu thị chỉ hơn 40.000 đồng/kg - Ảnh: NHẬT XUÂN

Táo Gala Mỹ ngập tràn siêu thị chỉ hơn 40.000 đồng/kg - Ảnh: NHẬT XUÂN

Những ngày qua, thị trường trái cây Việt ghi nhận trường hợp lạ khi hoa quả, rau củ bình dân tăng giá dựng đứng, đắt đỏ trong khi trái cây nhập rẻ đổ đống.

Cà chua đắt hơn trái cây nhập

Dành hơn 30 phút dạo Big C (quận 10, TP.HCM) mua sắm thực phẩm cho gia đình ngày cuối tuần, bà Nguyễn Thị Lan nhanh chóng "chốt" liền 3kg táo Gala (xuất xứ Mỹ) với giá 129.000 đồng/3kg. Song, đến quầy rau củ, bà chần chừ hồi lâu mới chọn nửa ký cà chua giá 26.900 đồng.

"Chưa bao giờ tôi thấy cà chua đắt đến vậy, gần 50.000 đồng/kg, được 8 - 10 quả. Giờ nấu ăn tôi cũng phải hạn chế bớt cà chua, chỉ dám bỏ chút cho có màu", bà Lan nói.

Không những rẻ hơn cà chua, táo Mỹ còn rẻ hơn nhiều loại hoa quả Việt Nam như xoài cát Hòa Lộc giá 65.500 đồng/kg, bưởi da xanh, măng cụt…

Ngoài táo Mỹ, một số loại trái cây nhập khác như quýt Úc cũng được các siêu thị bày bán giá mềm từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, cam Ai Cập Navel giá từ 49.000 đồng/kg…

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại các chợ truyền thống ở TP.HCM như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1), giá cà chua neo cao ở mức từ 45.000 - 50.000 đồng/kg bắt đầu từ khoảng đầu tháng 5, cao gấp 2 - 3 lần so với năm ngoái.

Bên cạnh cà chua, cải bó xôi, xà lách cũng tăng giá gấp đôi so với đầu năm, giá 70.000 - 80.000 đồng/kg, đắt hơn nhiều so với táo Gala Mỹ, quýt Úc…

Vì sao táo Mỹ, trái cây nhập ngày càng rẻ, đồ nội địa lại tăng giá?

Lý giải nguyên nhân nhiều loại trái cây, rau củ Việt giá tăng cao, nhiều tiểu thương tại chợ truyền thống cho hay do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều vùng cung cấp rau, củ, quả cho TP.HCM bị ảnh hưởng hạn mặn, thiếu nước tưới dẫn đến nguồn cung giảm, không đủ sản lượng cung ứng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu, giá nhiều loại hoa quả, rau trái tăng mạnh thời gian qua.

Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - giải thích giá trái cây nhập ngày càng rẻ do Việt Nam là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do, do đó nhiều sản phẩm trái cây ngoại nhập khẩu vào Việt Nam không bị đánh thuế.

"Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu đa số nhập số lượng lớn, vận chuyển bằng đường biển. Các doanh nghiệp này cũng có vùng trồng lớn với sản lượng khổng lồ. Nhờ đó họ dễ dàng tối ưu chi phí, kéo theo giá bán giảm mạnh", ông Nguyên đánh giá.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc Công ty Vina T&T (TP.HCM) - cho hay giá bán của hầu hết trái cây nhập khẩu đang rất cạnh tranh bởi nhiều loại trái cây nước ngoài đang vào mùa.

Một lý do nữa khiến trái cây nhập khẩu giá rẻ nhờ thủ tục nhập khẩu ngày càng đơn giản. Ngày càng nhiều doanh nghiệp tự đứng ra nhập khẩu về bán và phân phối.

Ông Tùng dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng, kéo theo giá bán hàng nhập khẩu sẽ còn giảm, tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ với sản phẩm trong nước.

Việt Nam chi gần 2 tỉ USD nhập khẩu trái cây

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 5, nước ta đã chi ra 725,6 triệu USD để nhập khẩu các loại rau quả phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Riêng năm 2023, nhập khẩu rau quả của Việt Nam lên tới 1,96 tỉ USD.

Theo đó, Trung Quốc là thị trường cung cấp mặt hàng rau quả lớn nhất cho Việt Nam. Mỹ xếp vị trí thứ hai, kế tiếp là thị trường Úc.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng chỉ ra táo là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2023, đạt 237,1 triệu USD, chiếm 21,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây. Sau táo là nho và quýt.

Đây đều là những loại trái cây có giá thành khá thấp. Đặc biệt là nho, không chỉ nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc... mà nho Trung Quốc cũng ồ ạt tràn vào thị trường trong nước với giá rất rẻ.

Trái cây teo tóp theo hạn mặnTrái cây teo tóp theo hạn mặn

Hạn mặn kéo dài khiến nguồn nước ngọt tại các tỉnh miền Tây khan hiếm dẫn đến tình trạng xứ dừa thiếu dừa, vương quốc sầu riêng khan hiếm sầu riêng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên