Tại hội thảo "Giải pháp cấp thiết bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long" do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tại TP Cần Thơ sáng 15-5, ông Trần Bá Hoằng - viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam - đã thống kê cập nhật mới nhất về mức thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn năm 2024 so với hai đợt hạn, mặn lớn nhất trước đó vào năm 2016 và năm 2020.
Về nước sinh hoạt, nếu năm 2016 hạn mặn gây ảnh hưởng tới 389.000 hộ dân, năm 2020 là 96.000 hộ dân thì năm 2024 là 73.900 hộ dân.
Về thiệt hại lúa, năm 2016 thiệt hại 405.000ha, năm 2020 thiệt hại 58.400ha thì năm 2024 có 43ha mất trắng ở Sóc Trăng (nằm ngoài vùng khuyến cáo của địa phương) trong tổng số 1.232ha lúa bị ảnh hưởng.
Về cây ăn trái, năm 2016 có 28.500ha bị thiệt hại, năm 2020 có 17.600ha bị thiệt hại thì năm 2024 chưa ghi nhận thiệt hại, chỉ có một số địa phương cho biết cây ăn trái bị giảm năng suất từ 5 - 10%.
Theo ông Hoằng, thiệt hại năm nay thấp như nêu trên là do có sự chủ động trong chỉ đạo, điều hành sản xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của chính quyền các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của chính người dân.
Cụ thể, từ tháng 9-2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân năm 2023-2024. Được giao nhiệm vụ dự báo chuyên ngành nguồn nước, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã dự báo nguy cơ hạn mặn năm nay cao hơn trung bình nhiều năm nhưng vẫn thấp hơn năm 2016 và năm 2020…
Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch phòng chống hạn, mặn rất rõ, trong đó có né mặn bằng cách xuống giống sớm (trước 31-12-2023).
Cùng với đó là các công trình thủy lợi đã xây dựng trước đó và xây dựng gần đây như hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, Nam Măng Thít, Ninh Quới… đã phát huy hiệu quả.
Ông Hoằng cũng cho biết qua nhiều đợt hạn hán, xâm nhập mặn, viện đã sơ đồ hóa giải pháp ứng phó hạn, mặn để các địa phương chỉ đạo.
Theo đó, trước khi hạn mặn thì có chỉ đạo sớm; tăng cường công tác dự báo; truyền thông tuyên truyền về hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước; sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước, đẩy sớm thời vụ để né hạn, mặn; nâng cao nhận thức cho người dân.
Trong lúc hạn, mặn diễn ra thì phân phối nước theo đối tượng ưu tiên và tổ chức các đoàn công tác làm việc với địa phương về giải pháp chống hạn hán, thiếu nước.
Còn sau hạn, mặn thì khắc phục hậu quả của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; đầu tư, xây dựng các giải pháp chủ động phòng, chống hạn mặn; hội nghị tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận