Trái cây đặt trên các thùng chữ Trung Quốc bày bán tại chợ đầu mối Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cơ quan quản lý vẫn bó tay với việc truy xuất nguồn gốc trái cây, và người bán hàng vẫn vô tư đánh tráo nhãn mác.
Đội lốt hàng Mỹ, New Zealand
1h sáng một ngày trung tuần tháng 7, hàng chục container xếp hàng ngay ngắn chờ "nhả hàng" tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (TP.HCM). Đầu chợ, sạp TD đầy ắp thùng, giỏ trái cây… bằng chữ Trung Quốc. Chủ sạp cho biết mỗi giỏ lựu, nho 6kg giá 120.000-260.000 đồng. Sâu bên trong, các sạp lớn như KH, TM đầy ắp trái cây chữ Trung Quốc, giá rẻ hơn 5.000-10.000 đồng/thùng so với đầu chợ.
"Táo 300.000 đồng/thùng với 10 ký nè em, đảm bảo mua về chỉ đặt xuống là bán hết. Bao ngon, bao ngọt, bao bán chạy như tôm tươi… Mua nhiều giảm giá 10-15%" - một chủ sạp mời chào.
Chúng tôi nhận thấy bên ngoài thùng táo và lê in chi chít chữ Trung Quốc, nhưng tem trên các trái cây lại ghi nguồn gốc từ Mỹ, New Zealand. "Đừng dại gì nói hàng Trung Quốc, em cứ nói táo này của Mỹ, có sẵn tem đây này, họ mua tuốt" - chủ sạp trấn an.
Chị Trân, tiểu thương ở Q.12, cho biết chọn mua hàng Trung Quốc vì mẫu mã bắt mắt, giá lại rẻ hơn 1/3-1/5 so với trái cây từ Mỹ, New Zealand, nên "bán chạy hơn và có lời hơn". Chị mua 3 thùng lê, 4 thùng táo cùng một số loại trái cây khác, chất lên xe ba gác về đường Phan Văn Hớn (Q.12). Tại đây, chúng tôi chứng kiến cảnh bao bì chữ Trung Quốc được xé bỏ, chỉ còn lại những táo, lê "quốc tịch" Mỹ, New Zealand.
Theo ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, trung bình mỗi ngày chợ nhập về 1.500-1.700 tấn trái cây, trong đó 500-600 tấn từ Trung Quốc (vào mùa thấp điểm hiện tại).
Chừng 700 ô vựa kinh doanh trái cây, trong đó có 14 chành (bán sỉ cho ô vựa trong chợ) chuyên nhập hàng từ Trung Quốc.
Chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) mỗi ngày nhập 50 tấn rau củ quả từ Trung Quốc trong số chừng 200 tấn trái cây về. Ở Hà Nội, ban quản lý chợ đầu mối Long Biên cũng cho biết mỗi ngày các tiểu thương nhập về khoảng 100 tấn, chừng 40-50 tấn trong đó từ Trung Quốc.
Mua bán trái cây tại chợ Long Biên, Hà Nội - Ảnh: MINH PHƯỢNG
Nhập nhiều nhưng đỏ mắt tìm
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sáu tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi trên 750 triệu USD nhập rau quả, trong đó khoảng 120 triệu USD là trái cây từ Trung Quốc, tăng 17% so với cùng kỳ 2017. Các chuyên gia cho rằng đó chỉ là bề nổi, vì phần nhập khẩu tiểu ngạch rất nhiều và không thể nào truy xuất được nguồn gốc.
Điều đáng ngạc nhiên là hàng Trung Quốc về nhiều nhưng hầu như khó tìm trên thị trường, trong khi hàng Mỹ, hàng New Zealand lại rất dễ kiếm dù nhập ít hơn rất nhiều. Đại diện Co.opMart cho biết từ lâu đã không bán trái cây từ Trung Quốc. Chủ một cửa hàng thực phẩm tại quận 1 nói: "Muốn mua hàng Trung Quốc phải vào các chợ lẻ hoặc về các chợ ở vùng ven, ở quê mới có".
Giám đốc một công ty nhập khẩu trái cây cho biết các nhà nhập khẩu lớn thường có kho lạnh để tập kết, lưu trữ, phân loại, dán tem cho trái cây "dựa trên thị hiếu của thị trường" và việc tráo đổi quốc tịch là "thứ dễ làm nhái và dễ gây nhầm lẫn nhất".
Vị này cho biết thông thường các nhà nhập khẩu hay phân phối lớn sẽ được phát cuốn tem dán lên trái cây khi đem ra trưng bày, kinh doanh.
"Nhân viên nhận cuốn tem này dán đâu thì dán, nên rất khó phát hiện nếu xảy ra nhầm lẫn, ngay cả trong quy trình quản lý chặt chẽ như một siêu thị. Vì vậy, râu ông nọ cắm cằm bà kia là chuyện thường ngày" - vị này nói, và cho biết thêm chỉ riêng táo Gala của Mỹ có đến 6-7 loại.
Theo một doanh nghiệp chuyên nhập táo Fuji Nhật Bản, loại táo này thường chỉ nhập về từ tháng 9, 10 đến tết với số lượng khá ít, giá bán sỉ 1,5-2 triệu đồng/thùng 10kg, bán lẻ 300.000 đồng/kg. Trong khi đó, loại táo này trồng ở Trung Quốc nhập về Việt Nam quanh năm với giá chỉ 15.000-25.000 đồng/kg.
Quy trình có nhiều kẽ hở
Trong khi từ ngày 1-4, trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị yêu cầu truy xuất nguồn gốc thì ở chiều ngược lại dường như đang bị bỏ ngỏ. Ông Trương Trung Thu, trưởng phòng thanh tra Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết cơ quan chức năng chỉ kiểm soát nguồn gốc trái cây nhập khẩu về đến chợ đầu mối, còn sau đó khi tiểu thương chia nhỏ ra đưa về các chợ lẻ thì chịu, bó tay.
"Không thể biết được loại trái cây mà một người bán bên đường nói là của Mỹ hay Úc là hàng Trung Quốc. Với mặt hàng này, người mua có thể nhầm, chứ người bán không nhầm" - ông Thu cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Huây - giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, nếu phát hiện việc tráo đổi nhãn mác thì nhắc nhở hoặc phạt như cúp điện hay đóng vựa vài ngày, sau đó phải cho bán lại vì hợp đồng thuê đến 50 năm.
"Khi thùng trái cây bán sỉ trong chợ 10kg xé ra bán lẻ ở các chợ, khó biết có phải hàng Trung Quốc hay không. Người mua lầm chứ người bán không lầm, nên phân biệt được hay không đôi khi chỉ hên xui" - ông Huây nói.
Trong khi đó, đại diện Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết theo quy định, mỗi năm chỉ được phép kiểm tra cơ sở không quá một lần và trách nhiệm quản lý chợ lẻ là của các quận, huyện.
Ông Phan Hoàn Kiếm, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, thừa nhận khâu đánh tráo nguồn gốc chủ yếu diễn ra ở các chợ lẻ nên rất khó kiểm tra. "Quá nhiều người bán buôn nhỏ, đánh tráo nguồn gốc lại diễn ra nhiều công đoạn và ở các kho hàng kín đáo" - ông Kiếm cho biết.
Đánh giá chất lượng bằng… cảm quan
Ông Nguyễn Văn Loan - phó ban quản lý chợ Long Biên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nói rau, quả ra vào chợ chỉ được đánh giá bằng cảm quan, chứ chưa có thiết bị chuyên dụng để kiểm tra, giám sát các chất tồn dư.
Theo ông Tạ Văn Tường - phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan này lấy 162 mẫu trái cây để phân tích… Kết quả chỉ có 1 mẫu vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Hà Nội hiện đã thí điểm sử dụng hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây, đã có 690/941 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây, đạt tỉ lệ 73,3%.
Minh Phượng
Ông DỤNG QUÝ ĐÔNG (chủ trang trại Quý Đông, Bình Phước):
Phân biệt trái cây Trung Quốc
Không chỉ nho, quýt, lê, mận, mà hiện nhiều chủng loại khác như dưa lưới, nhãn, hồng, dâu tây... tại VN đều có xuất xứ từ Trung Quốc với số lượng lớn. Nho Mỹ trái thường chắc và đen hơn, còn nho Trung Quốc trái tím, to hơn và đều có hạt.
Quýt tên gọi quýt Thái nhưng là hàng Trung Quốc với trái nhỏ, dẹp, màu vàng, vị ngọt, vỏ dày; còn quýt VN vỏ mỏng, trái không đều nhau. Nhãn Trung Quốc quả to, vỏ mỏng, lá dày, còn nhãn VN trái nhỏ, vỏ dày.
NGUYỄN TRÍ ghi
Lãi lớn nếu giả nguồn gốc
Theo bảng giá từ chợ đầu mối Thủ Đức và Bình Điền, giá nho đỏ Mỹ là 120.000-170.000 đồng/kg, nho đỏ Peru 122.000 đồng/kg, nho xanh Mỹ 208.000 đồng/kg, trong khi nho đỏ Trung Quốc chỉ 25.000-35.000 đồng/kg, nho xanh 34.000 đồng/kg.
Giá lê Hàn Quốc là 57.000 đồng/kg, còn lê Trung Quốc chỉ có 25.000-27.000 đồng/kg.
Nguyễn Trí
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận