01/10/2011 14:34 GMT+7

Tăng lương, phải tăng chất lượng sống

NGUYỄN VỸ DU
NGUYỄN VỸ DU

TT - Ngày hôm nay, 1-10-2011, mức lương tối thiểu mới được thực hiện, áp dụng chung cho người lao động tại doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mức lương tối thiểu cao nhất (khu vực 1) lần này là 2 triệu đồng/tháng.

Lần đầu tiên hai loại hình doanh nghiệp nói trên có chung mức điều chỉnh lương (khác với trước đó, mức lương thường chênh nhau khoảng 200.000 đồng).

Nếu so với mức lương tối thiểu trước ngày 1-10, mức lương mới này sẽ cao hơn được 450.000 đồng đối với doanh nghiệp ngoài nước và 650.000 đồng đối với doanh nghiệp trong nước. Dù mức tăng đó chưa như mong muốn của người lao động và không đáng kể so với mức tăng của vật giá trong thời gian giữa hai lần điều chỉnh, nhưng nó cũng là một bước tiến.

Tuy nhiên có vài vấn đề cần lưu ý khi áp dụng mức lương tối thiểu, mà nếu không giải quyết rốt ráo, việc tăng lương lần này sẽ ít thực chất và không có nhiều ý nghĩa trong việc nâng cao mức sống của người lao động.

Đã nhiều lần Nhà nước xác định lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được dùng làm cơ sở để hai bên công nhân và người chủ tính toán thỏa thuận tiền lương với nhau. Nhà nước cũng quy định rõ mức lương thấp nhất mà người chủ doanh nghiệp trả cho công nhân của mình phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu (với người đã qua đào tạo nghề). Thế nhưng lâu nay, nhiều doanh nghiệp vẫn dùng mức lương sàn này để trả cho người lao động mà không hề bị giám sát hay nhắc nhở gì. Người lao động luôn thua thiệt vì tiếng nói của họ quá nhỏ bé.

Biết được điều đó nên thông tư hướng dẫn thực hiện lương tối thiểu lao động lần này của Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã chỉ định công đoàn cơ sở tham gia trong quá trình thỏa thuận tiền lương và giám sát cơ chế trả lương. Thế nhưng, điều trớ trêu là cả nước chỉ có khoảng 15% doanh nghiệp tư nhân có công đoàn cơ sở, vậy ai sẽ đại diện và đấu tranh cho tiền lương của người lao động trong số 85% doanh nghiệp còn lại? Đó là chưa kể rất nhiều cán bộ công đoàn thừa nhận họ hưởng lương của giới chủ nên tiếng nói cũng chẳng bao nhiêu trọng lượng. Thực tế cho thấy thế yếu của công đoàn lâu nay trong việc giải quyết tranh chấp tiền lương giữa giới chủ và người lao động. Vì thế, nhiều khả năng bổn cũ soạn lại, thiếu cơ chế giám sát hiệu quả việc trả lương, người lao động lại chịu cảnh bị chèn ép như lâu nay thường thấy, để rồi tiếp tục “cảnh cũ người xưa”: đồng lương không đủ để họ nuôi sống bản thân và tái tạo sức lao động.

Không chỉ thế, ngay lúc này người lao động cũng đang lo giá chạy trước lương. Ngay khi các cơ quan chức năng xây dựng mức lương tối thiểu chỉ có 2 triệu đồng, Tổng liên đoàn Lao động VN đã cho rằng mức lương đó thiếu thực tế và lo lắng sẽ không theo kịp đà tăng của vật giá. Lo lắng đó có nguy cơ trở thành hiện thực khi Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM vừa cho biết giá nhà trọ và các loại giá khác ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người lao động đang rục rịch chờ đợi ngày áp dụng lương tối thiểu để tăng theo. Như vậy lại diễn ra vòng luẩn quẩn: lương tăng, giá tăng, cuộc sống người lao động không được cải thiện. Vì vậy, không chỉ cần được bảo vệ để được trả lương thỏa đáng, người lao động vẫn cần có thêm sự hỗ trợ như các chương trình “không tăng giá cho thuê phòng trọ”, được mua hàng bình ổn giá...

NGUYỄN VỸ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên