Thiếu cán bộ công chức ảnh hưởng ra sao?
Tình trạng thiếu nhân lực lại càng gây áp lực gấp bội, khiến việc giải quyết giấy tờ cấp thiết cho người dân bị chậm trễ hoặc gây căng thẳng mỗi ngày.
Bộ Nội vụ đã gửi hồ sơ tới Bộ Tư pháp để thẩm định đối với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Cần thêm hơn 1.100 biên chế cho ba thành phố lớn
Một nội dung quan trọng được Bộ Nội vụ đề xuất là số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường được xác định theo quy mô dân số của phường. Thời điểm xác định quy mô dân số của phường là ngày 31-12 của năm trước liền kề năm trình hội đồng nhân dân (HĐND) quyết định biên chế.
Số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường ở TP.HCM được đề xuất xác định, cụ thể, phường thuộc quận có từ 15.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 15.000 dân, cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức. Phường thuộc thành phố có từ 7.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 7.000 dân, cứ thêm 3.500 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức.
Với Hà Nội, phường thuộc quận có từ 15.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức, có trên 15.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức. Phường thuộc thị xã có từ 5.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức, có trên 5.000 dân thì cứ thêm 2.500 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức.
Theo dự thảo, UBND hai thành phố trình HĐND cùng cấp phân bổ số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường của từng quận, thành phố. Căn cứ vào số lượng biên chế công chức phường được HĐND phân bổ và yêu cầu, nhiệm vụ của từng phường, UBND quận, thành phố quyết định giao cụ thể số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND từng phường trực thuộc.
Với đề xuất này, theo Bộ Nội vụ, số lượng biên chế công chức phường của TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng sẽ tăng thêm 1.143 biên chế so với quy định hiện hành là 7.035 biên chế (trung bình 15 biên chế/phường). Trong đó, 34 quận thuộc 3 thành phố tăng 862 biên chế, thị xã Sơn Tây thuộc Hà Nội tăng 10 biên chế, TP Thủ Đức thuộc TP.HCM tăng 271 biên chế.
Trước một số ý kiến cho rằng khi xem xét biên chế như vậy có thể dẫn đến "phình" biên chế ở các đô thị lớn này, nhất là TP.HCM, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng ngoài tổng biên chế chung được Bộ Chính trị giao cho các địa phương thì vẫn có dự phòng biên chế.
Hơn nữa đề xuất này chỉ áp dụng ở ba đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và việc tăng thêm biên chế nếu được đồng ý cũng là nhằm đáp ứng cho công việc chung, phục vụ nhân dân. Vì vậy, Chính phủ khi xem xét sẽ cần xin ý kiến Bộ Chính trị để quyết định cụ thể.
Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ, cùng với việc đề xuất tăng biên chế công chức cấp phường, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, phụ cấp với những người này để họ yên tâm làm việc.
Đáp ứng mong mỏi bấy lâu
TS Nguyễn Tiến Dĩnh lập luận: "Với những phường đông dân ở TP.HCM hay Hà Nội, chỉ cần 1% hồ sơ chậm trễ do thiếu cán bộ thực hiện thì con số cũng phải lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hồ sơ. Do đó, đề xuất biên chế công chức phường theo quy mô dân là phù hợp và từ đó mới đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế đang đặt ra ở các phường của TP.HCM, Hà Nội. Khi có đủ cán bộ thì các công việc chắc chắn sẽ giải quyết được nhanh hơn và người dân sẽ được hưởng lợi...".
Tuổi Trẻ đã có khảo sát thực tế tại các phường thuộc quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm (Hà Nội), những nơi đông dân, có nhiều chung cư, khu đô thị cùng các khu ngõ xóm truyền thống... Vì vậy, khối lượng công việc hằng ngày phải giải quyết của các cán bộ công chức phường rất lớn.
Điển hình tại phường loại 1 như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), có quy mô vào loại lớn nhất tại Hà Nội với 90.000 dân. Mỗi ngày bộ phận một cửa phải tiếp nhận giải quyết cả trăm hồ sơ liên quan các thủ tục hành chính, nhưng UBND phường chỉ được định biên tối đa 15 công chức. Do số lượng biên chế công chức ít dẫn đến một người phải kiêm nhiệm nhiều việc. Áp lực công việc rất lớn trong khi thu nhập không cao.
Lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt cho rằng theo đề xuất tính biên chế công chức theo dân số thì với hơn 90.000 dân của phường sẽ có khoảng 30 biên chế. Với số lượng biên chế nếu được tăng thêm như vậy sẽ không còn lo thiếu hay quá tải công việc và đây là điều mong mỏi bấy lâu.
Một lãnh đạo UBND phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) cũng nhìn nhận khối lượng công việc ngày càng lớn từ khi phường chuyển mô hình quản lý sang chính quyền đô thị, trong khi thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Từ đó đã xảy ra tình trạng khối hành chính sự nghiệp có nhiều cán bộ công chức xin thôi việc ra ngoài làm để có mức thu nhập khá hơn, đảm bảo chi tiêu.
Theo vị lãnh đạo phường, nguyện vọng của cán bộ công chức cơ sở là bên cạnh thu nhập tăng thêm và tăng phụ cấp thì cần sớm bổ sung biên chế, nhất là cho những phường có khối lượng công việc lớn. Bà Trần Minh Vân, phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), cũng nêu rõ việc tăng biên chế sẽ đáp ứng mong mỏi, giải tỏa áp lực công việc cho cán bộ, công chức cấp phường.
* Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà:
Quy trình sẽ mất 2-3 tháng
Dự thảo nghị định liên quan đến đề xuất cán bộ công chức cấp phường theo dân số đã được gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan trung ương, HĐND, UBND ba thành phố.
Hiện dự thảo nghị định đang được Bộ Nội vụ gửi Bộ Tư pháp thẩm định và xin ý kiến Chính phủ về một số nội dung theo đúng quy định.
Về quy trình ban hành nghị định sẽ thực hiện theo quy định với thời gian khoảng 2-3 tháng.
Trước đó, dự thảo nghị định đã được phó thủ tướng thường trực Chính phủ đồng ý cho xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
* TS Nguyễn Tiến Dĩnh (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ):
Đề xuất dựa trên thực tế
Đề xuất của Bộ Nội vụ về việc áp dụng biên chế cán bộ công chức ở phường theo dân số chính là dựa trên thực tế, yêu cầu chung của các đô thị lớn, trong đó có TP.HCM, Hà Nội.
Do số lượng biên chế công chức chuyên môn ở các phường rất lớn lại được "đánh đồng" như một số nơi khác, dẫn đến thiếu trầm trọng nhân lực làm việc.
Chưa kể, nhiều nơi phổ biến tình trạng một vị trí cần ba công chức nhưng thực tế chỉ có một người làm. Hay một người phải kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ, công việc áp lực, làm hết giờ vẫn không hết việc. Một số phường dù được tối đa định biên công chức theo quy định nhưng do dân đông, công việc quá lớn nên cũng không đủ đáp ứng.
Cần xin ý kiến Bộ Chính trị về tăng biên chế
Theo Bộ Nội vụ, dự thảo nghị định xác định số lượng biên chế công chức phường tính theo quy mô dân số phường, theo đó, số lượng biên chế công chức phường dự kiến sẽ tăng lên 1.143 biên chế.
Tuy nhiên, hiện nay tổng số biên chế cán bộ công chức của các địa phương đã được Bộ Chính trị giao ổn định trong giai đoạn 2022 - 2026. Trong đó, số lượng biên chế công chức phường tại ba thành phố được giao là 7.035 biên chế.
Do đó, trong trường hợp Chính phủ đồng ý với phương án tính số lượng biên chế công chức phường theo quy mô dân số thì cần xin ý kiến của Bộ Chính trị về vấn đề tăng biên chế này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận