Nhân viên CDC Đồng Nai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người cung cấp mặt hàng thiết yếu trên địa bàn - Ảnh: A LỘC
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho biết đến nay địa phương đã tiêm được hơn 100.000 liều vắc xin phòng COVID-19, còn gần 200.000 liều vắc xin chưa tiêm. Sở quyết tâm trong vòng 4 ngày nữa sẽ tiêm xong số này.
Cũng theo ông Vũ, khó khăn lớn nhất hiện nay trong tiêm chủng là không có nhân lực, đặc biệt là "vùng trũng" TP Biên Hòa. Lực lượng từ các địa phương khác hỗ trợ Đồng Nai chống dịch không làm công tác tiêm chủng.
So với Đồng Nai, Bình Dương đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhờ sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC). Trong đó, chi phí hỗ trợ cho đơn vị tiêm chủng VNVC được "xã hội hóa" do một tập đoàn giày da tài trợ. Nhà nước và người lao động không phải trả chi phí này.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng - đơn vị phụ trách Bệnh viện dã chiến số 3 (áo trắng) - báo cáo với bí thư Tỉnh ủy về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: A LỘC
Về vấn đề này, ông Lĩnh cho biết để đạt được mục tiêu phủ kín vắc xin thì phải sử dụng nhiều giải pháp. "Giải pháp của Bình Dương là một giải pháp cần thiết, nếu cần mình cũng phải làm để tăng tỉ lệ lên, nên suy nghĩ thêm giải pháp đó" - ông Lĩnh nói.
Cũng tại buổi làm việc, ông Bạch Thái Bình - giám đốc CDC Đồng Nai - nhận định địa phương đang phải đối mặt với vòng luẩn quẩn. Số ca bệnh tăng vượt khả năng xét nghiệm, dẫn đến chậm xác định ca bệnh và bóc tách F0 trong cộng đồng.
Ngoài ra, do không chuẩn bị kịp các khu điều trị, có nhiều ca F0 chưa được đưa đi ngay, nhân lực y tế thiếu không đủ để truy vết, điều tra, xét nghiệm dẫn đến lây lan thứ phát, dây dưa sâu trong cộng đồng.
Cùng ngày, ông Lĩnh đã đến thị sát tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3 ở cơ sở 2 Trường đại học Mở TP.HCM (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa). Ông Lĩnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng y bác sĩ vất vả ngày đêm chăm sóc và điều trị các bệnh nhân COVID-19.
Ông Lĩnh cũng đề nghị Sở Y tế cần có những giải pháp thiết thực để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận