“Bạn đọc giúp gia đình em Xâng hơn 100 triệu đồng” và “nhiều bạn đọc gọi điện thoại đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị và Tuổi Trẻ xin góp vài phương thuốc nam để kéo dài sự sống cho em Xâng...”. Tiếp tục, Tuổi Trẻ ngày 9-10 đưa tin: “Tính đến chiều 8-10, bạn đọc gửi giúp em Xâng thêm 32 triệu đồng”...
Từ 25 năm qua, tôi thấy cái hướng ấy cứ lặp đi lặp lại: Năm 1988, thời bao cấp, đói nghèo bao phủ mọi nơi, nhưng sau khi Tuổi Trẻ đăng bài viết về cuộc sống thê lương của trẻ em ở các trại mồ côi thì một phong trào đã dấy lên ở thành phố với việc bà con tiểu thương ở các chợ đã góp của góp công nấu những bữa bún, bữa phở, rồi mùng mền, chiếu gối được gửi đến cho các em... Tấm lòng của bạn đọc đã góp phần giúp các em no, sưởi các em ấm. Và bắt đầu từ đó, cứ nối tiếp, bao nhiêu cảnh đời đã được đổi thay từ tấm lòng bạn đọc.
Từ những cá nhân như anh Huỳnh Minh Cứng ở Bình Dương, cụt cả hai chân và một cánh tay mà vẫn ngày ngày chèo chiếc ghe rách nát kiếm từng con cá để nuôi mẹ già và đứa con thơ. Như chị Nguyễn Thi Phương ở một vùng kinh tế mới thuộc Đồng Nai, trong cảnh kiệt cùng lại sinh ba. Ba cháu bé chào đời khi vợ chồng chị đang lẩy bẩy trong cơn sốt rét... Đến những cộng đồng khốn khổ như những người bán máu, những người sống trên nghĩa địa, những gia đình có con chết trong vụ quả bom bi nổ ở Kỳ Sơn (Nghệ An), những gia đình nạn nhân trên chuyến đò ở Cà Tang (Nông Sơn, Quảng Nam)... Cứ như vậy, bạn đọc trải lòng ra với những số phận, những cảnh đời mà họ không hề quen, không hề biết.
25 năm, cuộc sống có nhiều đổi thay. Sài Gòn càng lúc càng đông đúc, ngột ngạt. Cuộc sống càng lúc càng có nhiều điều phải đối phó, lo toan lẫn lo sợ. Cướp của, giết người, giật dọc, lường gạt, tai nạn, tham ô, hối lộ, dối trá... Quả là cuộc sống có quá nhiều điều để tức giận, căm phẫn và buồn đau, nhưng rồi lòng người vẫn vậy: vẫn lắng xuống, trải ra trước những số phận nghiệt ngã, trước những cảnh đời khốn khó lạ xa để sẻ chia, nâng dắt, bọc đùm.
25 năm, có những hình ảnh vẫn lặp đi lặp lại: báo ra buổi sáng có tin, bài về một số phận, một cảnh đời thì tức khắc, ngay trong ngày, nhiều bạn đọc đến tòa soạn, vào phòng bạn đọc rụt rè “cho tôi gửi một chút cho...” rồi ra đi, có khi không để lại một thông tin gì về mình, dù một cái tên.
25 năm, lớp này qua lớp khác, nhưng vẫn là hình ảnh chị tiểu thương, anh công nhân, bác hưu trí, những em học sinh... Và ngay trên số báo hôm sau, lại có một cái tin làm ấm lòng người: số phận ấy, cảnh đời ấy đã được đổi thay, có khác gì đâu cái tin bạn đọc đã đến với em Hồ Văn Xâng vào sáng 7-10 vừa qua...
Cuộc sống nhiều khi giống như một dòng chảy ô tạp, ngổn ngang, có khi đầy sự trái ngang, bi kịch, nhưng lắng đọng lại, sau những ô tạp đó vẫn là tình người, tình “bầu với bí”, tình “nhiễu điều với giá gương”...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận