01/06/2024 09:09 GMT+7

Tâm điểm Mỹ - Trung tại Shangri-La

Sự kiện an ninh hàng đầu châu Á - Đối thoại Shangri-La 2024 - đã khai mạc tại Singapore vào ngày 31-5 và sẽ kéo dài đến 2-6.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân trong cuộc gặp song phương bên lề Đối thoại Shangri-La vào ngày 31-5 - Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân trong cuộc gặp song phương bên lề Đối thoại Shangri-La vào ngày 31-5 - Ảnh: Reuters

Mọi sự chú ý trong ngày đầu tiên của Đối thoại Shangri-La 2024 (Thượng đỉnh an ninh châu Á) đổ dồn vào cuộc gặp bên lề giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ - Trung gặp mặt

Đây là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ - Trung kể từ năm 2022.

Tại cuộc gặp ở San Francisco vào tháng 11-2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí nối lại các kênh liên lạc quân sự, vốn từng tê liệt sau sự kiện chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan vào tháng 8-2022.

Theo Hãng tin AFP, trong cuộc gặp ở Singapore ngày 31-5, ông Đổng Quân và ông Austin đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc giữ liên lạc quân sự cởi mở giữa hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cho biết các cuộc điện đàm giữa hai bên sẽ được tiếp tục "trong những tháng tới". Ông cũng hoan nghênh kế hoạch thành lập một nhóm làm việc về khủng hoảng truyền thông với Trung Quốc vào cuối năm nay.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết cuộc hội đàm diễn ra "tích cực" với việc liên lạc quân sự hai nước "hiện ngừng đà giảm sút và đang đi vào ổn định". Ông cũng nhấn mạnh Mỹ - Trung không thể giải quyết mọi vấn đề song phương chỉ trong một cuộc gặp nhưng "có nói chuyện còn hơn không".

Trước đây, tại đối thoại Shangri-La năm 2023, ông Austin và bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khi đó là ông Lý Thượng Phúc chỉ "tiếp xúc" qua một cái bắt tay xã giao và không có cuộc trao đổi chính thức nào.

Cuộc gặp giữa ông Austin và ông Đổng lần này có thể xem như một nỗ lực nhằm tiếp tục hàn gắn quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Washington. Trước đó vào tháng 4, hai bộ trưởng đã có cuộc điện đàm và thảo luận về nhiều vấn đề căng thẳng trong quan hệ quân sự hai nước.

Đài Loan vẫn tiếp tục là vấn đề nóng. Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra chỉ một tuần sau khi Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận "Liên hợp lợi kiếm - 2024A" quy mô lớn trên eo biển Đài Loan như một thông điệp "răn đe", nhằm đáp trả bài diễn văn nhậm chức của tân lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Ryder cho biết tại cuộc gặp, Bộ trưởng Austin bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc gần đảo Đài Loan. Trong khi đó, người phát ngôn Ngô Khiêm bên phía Trung Quốc dẫn lời ông Đổng cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào vấn đề của Trung Quốc với đảo Đài Loan.

Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ và không loại trừ dùng vũ lực để thống nhất. Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc phải hỗ trợ hòn đảo này phòng vệ theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan.

Trong khi đó, ông Austin tiếp tục nhấn mạnh cam kết của Mỹ với chính sách "Một Trung Quốc" nhưng khẳng định nước này sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào được luật pháp quốc tế cho phép.

Ngoài ra, hai bên còn thảo luận các vấn đề về Biển Đông, xung đột Nga - Ukraine cũng như cuộc chiến Israel - Hamas ở Dải Gaza.

Giáo sư luật quốc tế tại Đại học Singapore Eugene Tan nhận định ông không mong đợi đột phá lớn nào từ cuộc hội đàm Mỹ - Trung tại Shangri-La, nhưng điều quan trọng là hai bên có tiếp xúc trực tiếp để "hạ nhiệt" những căng thẳng song phương.

"Đối thoại Shangri-La thực sự đang mang lại cơ hội cho những bước tiến nhỏ trong việc xây dựng lòng tin và sự tin cậy", ông Tan nói với Channel News Asia.

Tâm điểm Biển Đông

Đối thoại Shangri-La năm 2024 quy tụ 600 đại biểu từ gần 50 quốc gia tham dự, trong đó có nhiều nguyên thủ, lãnh đạo, quan chức và chuyên gia quốc phòng. Đây là sự kiện thường niên do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức.

Tâm điểm trong phiên khai mạc của Shangri-La 2024 là bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, đánh dấu lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia của nước này phát biểu khai mạc tại hội nghị thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu châu Á.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin sẽ có bài phát biểu tại diễn đàn vào ngày 1-6 về các quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân sẽ phát biểu vào ngày cuối cùng của sự kiện, đề cập đến cách tiếp cận của Trung Quốc với an ninh toàn cầu.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, việc sắp xếp chương trình nghị sự cho thấy diễn đàn năm nay nhấn mạnh vào tình hình căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông. Các nhà phân tích cũng cho rằng Shangri-La 2024 sẽ không tránh khỏi các phát biểu thể hiện lập trường gay gắt trong các vấn đề nóng như Đài Loan hay Biển Đông.

Trong ba ngày họp, diễn đàn cũng sẽ tổ chức nhiều phiên thảo luận về các vấn đề an ninh nóng nhất hiện nay bao gồm: tình hình châu Á - Thái Bình Dương; hợp tác quốc phòng và an ninh các nước nhỏ; vấn đề Myanmar; tăng cường quản lý khủng hoảng trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh; xây dựng hợp tác an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương; thực thi luật pháp hàng hải và xây dựng niềm tin; trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và xung đột trong tương lai...

Việt Nam đóng góp tích cực vào Shangri-La

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến tại sự kiện Đối thoại Shangri-La vào tối 31-5 - Ảnh: QUANG KHÁNH

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến tại sự kiện Đối thoại Shangri-La vào tối 31-5 - Ảnh: QUANG KHÁNH

Nhận lời mời của IISS, đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam đã góp mặt tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 21, tổ chức ở Singapore. Chiều 31-5, trưởng đoàn - thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - ủy viên Trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm chia sẻ thông tin an ninh hàng hải (IFC) của Hải quân Singapore. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và chỉ huy IFC đã trao đổi về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của IFC cùng khả năng hợp tác trao đổi thông tin hàng hải với phía Việt Nam trong tương lai.

Việt Nam đã góp mặt thường xuyên tại Đối thoại Shangri-La qua các năm và luôn thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế với quan điểm rõ ràng về vấn đề an ninh trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa đa phương hóa các mối quan hệ, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Theo TS Ngô Di Lân (Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam), người có mặt tại Shangri-La 2024, sự kiện năm nay trở nên đặc biệt một phần vì tình hình rất "nóng" trên thực địa giữa Trung Quốc và Philippines cũng như trùng với cuộc bầu cử tại Mỹ, chưa kể hai cuộc xung đột diễn ra ở châu Âu (Ukraine - Nga) và Trung Đông (Israel - Hamas). "Câu chuyện chủ yếu xoay quanh đề tài cạnh tranh Mỹ - Trung nhưng với trọng tâm là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông nói với Tuổi Trẻ.

Về cách tiếp cận của Việt Nam, ông cho rằng Shangri-La là sự kiện hữu ích để liên tục đánh giá, cập nhật một cách khách quan, đa chiều về tình hình cạnh tranh Mỹ - Trung nói chung cũng như các diễn biến mới nhất ở Biển Đông nói riêng. Đây sẽ là cơ sở để đưa ra các quyết sách phù hợp. "Về lâu dài, việc kiên trì theo đuổi đường lối đối ngoại hiện nay và nâng cao khả năng chống chịu trước các sức ép, các yếu tố bất định sẽ là những ưu tiên quan trọng", ông nói.

Tâm điểm Mỹ - Trung tại Shangri-La- Ảnh 5.'Trùm' tình báo 20 nước họp kín ở Shangri-La

Các quan chức cấp cao của khoảng 20 cơ quan tình báo lớn nhất thế giới đã tổ chức một cuộc họp bí mật bên lề Đối thoại Shangri-La đang diễn ra ở Singapore. Cuộc họp này không có đại diện của Nga.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên