24/02/2022 09:14 GMT+7

Hội nghị bộ trưởng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Bàn nhiều về an ninh, vắng bóng Mỹ - Trung

QUỲNH TRUNG (từ Paris, Pháp)
QUỲNH TRUNG (từ Paris, Pháp)

TTO - Ngày 22-2, Pháp và EU tổ chức Hội nghị Bộ trưởng hợp tác khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD - TBD). Đây là hội nghị quy mô lớn có sự tham gia của ngoại trưởng, đại diện 27 nước thành viên EU và 30 quốc gia trong khu vực AĐD - TBD.

Hội nghị bộ trưởng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Bàn nhiều về an ninh, vắng bóng Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Lãnh đạo các nước thành viên EU và các quốc gia khu vực AĐD - TBD chụp hình lưu niệm vào ngày 22-2 - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO PHÁP

Chúng tôi không muốn là một nhân tố trong trò chơi quyền lực, chúng tôi chỉ muốn tăng cường hợp tác và làm sâu sắc các mối quan hệ của EU ở khu vực AĐD - TBD.

Ông Gabriele Visentin

Hội nghị này nhằm cụ thể hóa Chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) về hợp tác ở AĐD - TBD, được Hội đồng châu Âu thông qua vào tháng 10-2021. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng được sự ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự sự kiện.

Khu vực trọng điểm về an ninh, kinh tế

Tại diễn đàn, các lãnh đạo EU và đại diện 30 quốc gia từ khu vực AĐD - TBD cùng thảo luận ba chủ đề chính: An ninh và quốc phòng; Kết nối và các vấn đề số; Các vấn đề toàn cầu gồm biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và các đại dương, y tế.

Trong phát biểu chào mừng, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng AĐD - TBD đang là khu vực trọng điểm về các vấn đề an ninh, kinh tế, công nghệ và môi trường. Đây là lý do vì sao chiến lược địa chính trị của châu Âu trong thế kỷ 21 phải hướng tới khu vực này.

Theo ông Le Drian, trách nhiệm của EU là cùng các đối tác trong khu vực xây dựng quan hệ hợp tác trên tinh thần tôn trọng chủ quyền của tất cả, phù hợp với luật pháp quốc tế và phát triển bền vững.

Trong khi đó, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU, cũng cho rằng trong thế kỷ 21 khu vực AĐD - TBD đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn cầu. Đó cũng là lý do EU mong muốn phát triển hợp tác với khu vực vì sự thịnh vượng chung.

Về lĩnh vực an ninh - quốc phòng, EU thông báo thực hiện các chương trình nâng cao năng lực với các đối tác ở AĐD - TBD thông qua Dự án Tăng cường hợp tác an ninh trong và với châu Á (ESIWA) trong các lĩnh vực chống khủng bố, an ninh mạng, an ninh hàng hải và quản lý khủng hoảng.

Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy chương trình nhận thức hàng hải thông qua các sáng kiến như Dự án các tuyến hàng hải trọng yếu tại Ấn Độ Dương (CRIMARIO) từ năm 2015 nhằm tăng cường hệ thống chia sẻ thông tin khu vực và điều phối hoạt động.

Bên cạnh đó, nhằm nỗ lực ngăn chặn nạn khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đóng góp vào sự quản lý và bảo tồn bền vững các tài nguyên biển, EU nhắc lại đối thoại với các quốc gia ven biển và sự ủng hộ của khối này với các sáng kiến tăng cường hợp tác quốc tế như mạng lưới ASEAN IUU.

Hội nghị bộ trưởng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Bàn nhiều về an ninh, vắng bóng Mỹ - Trung - Ảnh 3.

Ông Jean-Yves Le Drian (phải) và ông Josep Borrell tại cuộc họp báo chung vào ngày 22-2 - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Vì sao Mỹ, Trung, Nga vắng mặt?

Tuy nhiên, diễn đàn lần này vắng bóng đại diện của hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc. Việc đại diện Bắc Kinh không được mời khiến giới quan sát hoài nghi mục tiêu của hội nghị là để EU và các đối tác tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy cũng như các hành vi cưỡng ép của Bắc Kinh trong khu vực, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của EU.

Khi phóng viên báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi này tại cuộc họp báo chung giữa ông Le Drian và ông Borrell ngày 22-2, Ngoại trưởng Pháp khẳng định: "Chiến lược của EU không chống lại Trung Quốc hay bất cứ ai khác. Nó nghiêng về hợp tác phát triển ở khu vực AĐD - TBD, trong đó chủ quyền của mỗi quốc gia đều được tôn trọng".

Cũng trả lời câu hỏi này, ông Borrell nhấn mạnh việc không mời Trung Quốc không có nghĩa là EU xem nhẹ nước này, đồng thời cho biết "EU và Trung Quốc có kênh đối thoại riêng từ lâu".

Ông Borrell khẳng định thế kỷ 21 là thế kỷ của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, EU có lợi ích quan trọng trong việc hợp tác ở khu vực này vì tương lai được xây dựng ở đây.

Ông Gabriele Visentin, đặc phái viên của EU về AĐD - TBD, cho biết EU chỉ mời các đối tác tại AĐD -TBD để trao đổi về các ý tưởng, vì thế mà vắng mặt đại diện Mỹ và Nga. Đặc phái viên này cho biết thêm chiến lược AĐD - TBD của EU và Mỹ có nhiều điểm tương đồng khi nhấn mạnh "Chiến lược của Mỹ phù hợp với cấu trúc và các ưu tiên của chúng tôi, đặc biệt là các ý tưởng về kinh tế và phát triển".

"Chúng tôi không muốn cạnh tranh với Mỹ, chúng tôi chỉ muốn hợp tác. Do đó, chúng tôi đã tham vấn với phía Mỹ về AĐD - TBD. Vòng đầu tiên diễn ra ở Washington vào tháng 12 năm ngoái và vòng tham vấn kế tiếp sẽ diễn ra ở Brussels (trụ sở của EU)" - ông Gabriele Visentin trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ, bác bỏ chiến lược AĐD - TBD của EU là muốn cạnh tranh với Mỹ.

Ông Visentin thông tin thêm phía Trung Quốc hoan nghênh cách tiếp cận cân bằng của EU trong chiến lược AĐD - TBD. Hai bên từng có cuộc họp cấp ngoại trưởng giữa ông Borrell và ông Vương Nghị về sáng kiến này vào tháng 10 năm ngoái. Theo ông Visentin, EU có cách tiếp cận riêng với Trung Quốc khi xem nước này là đối tác về các vấn đề toàn cầu, "đối thủ" cạnh tranh về các vấn đề kinh tế và "đối đầu" về các vấn đề địa chính trị.

"Chiến lược của chúng tôi là mở ra để hợp tác, chứ không phải đối đầu. Chúng tôi không muốn tạo ra căng thẳng. Chiến lược này mở ra với tất cả các đối tác, nó cũng mở với Trung Quốc. Chiến lược này không yêu cầu các đối tác phải chọn bên. Nó được thiết kế để củng cố mối quan hệ với các đối tác trong khu vực và duy trì hòa bình, sự tiếp cận tự do và mở với khu vực AĐD - TBD" - ông Visentin nói.

Đạt nhiều thống nhất quan trọng

Theo thông tin từ phía Pháp, tại diễn đàn lần này, các bên đã nhất trí một số vấn đề sau:

* Hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm ở châu Âu và AĐD - TBD.

* Tái khẳng định cam kết với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, các giá trị và nguyên tắc dân chủ, cũng như tăng cường chủ nghĩa đa phương, pháp quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải được nêu trong Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS).

* Thúc đẩy sự phát triển của khu vực AĐD - TBD và tăng cường quan hệ giữa các nước đối tác thông qua các hành động hợp tác và đoàn kết để thực hiện các cam kết chung bao gồm: Nghị trình về phát triển bền vững 2030, Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris và Công ước quốc tế về đa dạng sinh học.

* Tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực và tiếp tục trao đổi về các vấn đề đã được thảo luận tại Diễn đàn Bộ trưởng về hợp tác ở AĐD - TBD.

Việt Nam và ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ Việt Nam và ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Quang Vinh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ, khẳng định trong tổng quan chiến lược về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Mỹ, vai trò của ASEAN và Việt Nam rất quan trọng.

QUỲNH TRUNG (từ Paris, Pháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên