Không cần phải chứng minh thu nhập, lãi vay và nợ gốc được trừ thẳng vào trong ví, nhiều tài xế vay tín chấp để mua điện thoại, đồ gia dụng... trả chậm. Tuy nhiên, do số lượng xe ngày càng nhiều, hoạt động chạy xe ế ẩm, trong khi lãi suất vay lại quá cao, nhiều tài xế xe công nghệ kêu trời.
Doanh thu giảm, gặp khó với lãi cao
Phản ánh đến Tuổi Trẻ, tài xế xe công nghệ tên Huy (sinh năm 1982) cho biết đang làm việc với hãng xe để giải quyết hồ sơ vay khi anh chấm dứt hợp đồng đối tác. Trước đó, anh Huy đã tham gia gói vay của hãng G liên kết với ngân hàng vào tháng 2-2023 để mua điện thoại Samsung A73 giá 11,6 triệu đồng. Để được vay, số tiền "thế chân" trong ví tài xế là 1 triệu đồng, sau đó ngân hàng sẽ tự động trừ trong ví của tài xế 32.000 đồng/ngày để thu lãi và nợ gốc, thời gian trừ là 360 ngày.
Do thu nhập ngày càng giảm, anh Huy đề nghị chấm dứt hợp tác với app gọi xe và thanh lý số tiền đã vay. Thế nhưng, khâu thanh lý hợp đồng vay lại gặp nhiêu khê. Theo anh Huy, sau khi khấu trừ số tiền trong ví 1 triệu đồng, số tiền còn lại cho khoản vay là bao nhiêu, cần có giấy xác nhận để anh trả dứt điểm nhưng vẫn chưa được giải quyết.
"Chậm ngày nào, tôi vẫn là con nợ, phải trả thêm lãi. Nhưng không chạy xe, lấy tiền đâu mà trả. Còn duy trì hoạt động, ngày nào cũng ế ẩm không biết phải làm sao nữa", anh Huy nói.
Chạy xe công nghệ hơn bốn năm, ông K. (Bình Thạnh, TP.HCM) cũng lọt vào danh sách tài xế được vay đến 20 triệu đồng thông qua ứng dụng tài xế mà không tốn phí hồ sơ và tài sản thế chấp.
Tuy nhiên nhìn vào mức lãi suất cho vay từ 1,67 - 2,5%/tháng, tương đương 20 - 30%/năm, ông K. đã quyết định không tham gia. "Nhiều anh em đọc không kỹ, tưởng dễ ăn nên đăng ký vay. Có thời điểm ế khách, chạy sấp mặt cũng không đủ tiền trả nợ", ông K. nói.
Mất việc sau dịch Covid-19, anh Tâm (quê Quảng Nam) trụ lại TP.HCM bằng cách mua xe bốn chỗ trả góp để tham gia chạy xe công nghệ với kỳ vọng sẽ có được doanh thu tốt, khi dự đoán khách đi lại sẽ tăng cao sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Thế nhưng chạy từ sáng sớm tới khuya, kể cả hai ngày cuối tuần, anh Tâm mới đạt doanh thu 1,5 - 2 triệu đồng/ngày.
Tuy nhiên, sau khi trừ 700.000 đồng chiết khấu và thuế, 500.000 đồng xăng, các khoản chi cho ăn uống, phí đường bộ, va quẹt... khoảng 200.000 - 300.000, số tiền thực thu mỗi ngày chỉ 500.000 - 600.000 đồng.
Sau khi trừ tiền lãi và gốc phải trả cho khoản vay mua xe hơn 12 triệu đồng/tháng, số tiền còn lại không bao nhiêu. "Lỡ vay tiền mua xe rồi, giờ muốn bán lại cũng lỗ mất cả trăm triệu đồng. Cố gắng cày để qua được ngày nào hay ngày đó", anh Tâm nói.
Giúp tài xế xe công nghệ tránh bẫy tín dụng đen?
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, các app liên kết với các ngân hàng, công ty tài chính để thiết kế gói vay dành cho tài xế. Các tài xế muốn nhận được hỗ trợ tài chính sẽ phải trải qua khâu đánh giá dựa trên các tiêu chí về doanh số trong tháng, thời gian làm tài xế, thu nhập... Những người trong danh sách này sẽ được app chủ động thông báo và tạo điều kiện để dễ dàng nhận được khoản vay hơn.
Khoản vay thông thường là mua trước trả sau; trả góp lãi suất thấp; vay mua điện thoại, ô tô... Nhờ lợi thế nắm bắt được thu nhập hằng tháng của tài xế cũng như nắm trong tay tài khoản ví tiền mặt, các app sẽ thuận tiện hơn trong việc đánh giá thu nhập và cả việc thu hồi vốn từ khách hàng.
Để trả góp, tài xế có thể chọn thanh toán từ ví tiền mặt hoặc chuyển khoản, thông thường sẽ áp dụng hình thức thanh toán tự động trừ tiền trong ví của tài xế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một app gọi xe khẳng định app không triển khai khoản vay với tài xế mà thông qua liên kết với ngân hàng và hệ thống bán lẻ. App gọi xe giới thiệu chương trình mua trả chậm, vay tín chấp. Tuy nhiên không phải tài xế nào cũng đủ điều kiện vay, tức là app đã qua sàng lọc. Ví dụ tài xế có doanh thu ổn định, lịch sử hoạt động tốt, điểm tín nhiệm tốt...
Vị này cũng phủ nhận việc tài xế tham gia vào khoản vay sẽ nhận được cuốc xe nhiều hơn, khi cho rằng việc phát cuốc xe là thuật toán tự động từng địa điểm, thời gian. "Khoản vay là hỗ trợ tài chính với đối tác, không phải là tiêu chí để có ưu tiên phát cuốc. Còn tài xế vướng thủ tục thanh lý, thắc mắc phương án trả tiền còn lại trong khoản vay vẫn được hỗ trợ rõ ràng".
Bà Vũ Hoàng Yến, CEO BeGroup, cho biết Be phối hợp với ngân hàng số Cake by VPBank (Cake) hỗ trợ các tài xế vay tiêu dùng ngay trên ứng dụng với khoản vay 3 - 20 triệu đồng, thời gian từ 3 - 24 tháng mà không tốn phí hồ sơ cũng như không cần thế chấp tài sản.
Các tài xế của hãng nếu hoạt động trên ba tháng tại TP.HCM và Hà Nội, độ tuổi từ 22 đến dưới 60 tuổi... cũng như đáp ứng một số tiêu chí khác sẽ được tiếp cận gói hỗ trợ tài chính. "Gói tín dụng này giúp tài xế tránh được "bẫy" tín dụng đen với lãi suất quá cao", bà Yến nói.
Ế ẩm do số lượng xe ngày càng nhiều
Chờ khách tại đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh, TP.HCM), tài xế xe máy hai bánh Bảo Châu (33 tuổi) cho biết các chuyến xe chủ yếu chặng ngắn nên cả ngày chạy xe doanh thu chẳng được bao nhiêu.
Ví dụ, một chuyến xe giá 36.0000 đồng, sau khi trừ chiết khấu và chi phí, số tiền mà anh Châu nhận về khoảng 23.000 đồng. "Giờ ế lắm. Nhiều hôm tôi phải chạy xe liên tục 12 tiếng đồng hồ mới kiếm được 300.000 đồng chứ không dễ dàng như nhiều người nghĩ", anh Châu nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, số lượng ước tính tài xế công nghệ của Grab, Gojek, Be, Baemin lên đến hàng chục ngàn người. Đây là lực lượng đông đảo có nhu cầu tiếp cận các khoản vay tài chính nên nhiều app đã tung ra chương trình hỗ trợ.
Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng của nhiều hãng xe công nghệ mới, sự sụt giảm lượng khách đáng kể khiến nhiều tài xế xe công nghệ gặp khó vì thu nhập giảm, không đủ để chi trả chi phí sinh hoạt trong gia đình, chứ chưa nói đến việc trả lãi và nợ gốc các khoản vay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận