31/03/2020 13:21 GMT+7

Người vay ngân hàng trả góp lao đao

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Rất nhiều người đang gặp khó do mất việc, giảm thu nhập, vì vậy cần sớm có những gói hỗ trợ trực tiếp (như cấp tiền), gỡ khó thực chất (như giãn nợ, giảm lãi suất)..., tránh tình trạng thấy phao nhưng không được cứu.

Người vay ngân hàng trả góp lao đao - Ảnh 1.

Khách vay mong muốn ngân hàng cho giãn nợ, giảm lãi suất trong mùa dịch bệnh - Ảnh : N.C.T

Nhiều cá nhân vay tiền ngân hàng mua nhà, làm ăn theo dạng cho vay tiêu dùng điêu đứng khi thu nhập giảm sút. Đặc biệt, những người làm trong các lĩnh vực như du lịch, giáo dục... đang không biết lấy gì để trang trải tiền nợ, lãi hằng tháng nếu không được giãn nợ, giảm lãi suất.

"Thư đã gửi chưa thấy hồi âm"

Anh Vinh (Thủ Đức, TP.HCM), giáo viên dạy môn lý, cho hay hai năm trước vợ chồng anh vay 1 tỉ đồng của một ngân hàng cổ phần để mua nhà, lãi suất 11,45%/năm. Hằng tháng anh phải góp 15 triệu đồng cả gốc từ nguồn dạy ở trung tâm tư nhân và trường nơi anh dạy chính thức. Nhưng từ tháng 2 đến nay, anh mất hẳn nguồn dạy thêm ở trung tâm, chỉ còn lương cơ bản của trường, không có tiền tăng tiết. 

"Thu nhập bị giảm đến 60% nên vợ chồng tôi phải vay mượn khắp nơi để trả. Túng quá tôi gọi lên ngân hàng hỏi có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất cho cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hay không thì nhân viên ngân hàng cho hay... mới áp dụng cho doanh nghiệp, còn cá nhân thì chưa" - anh Vinh thở dài.

Chị Tú (Q.9), giáo viên dạy văn cấp III tại TP.HCM, cũng vay 1,8 tỉ đồng từ giữa năm 2017 để mua nhà trả góp, mỗi tháng phải trả khoảng 26 triệu đồng. Từ sau tết do trung tâm tư nhân nơi chị dạy buổi tối đóng cửa nên khoản vay này trở thành áp lực kinh khủng.

Chị đã liên hệ nhân viên ngân hàng phụ trách hồ sơ vay để trình bày nhưng nhân viên ngân hàng hỏi lại rằng không lẽ đi làm bao nhiêu năm nay hai vợ chồng chị không có khoản tiền dự trữ hay sao? 

"Nói thật, một tháng trả trên 26 triệu đồng, hai vợ chồng đều đi dạy, làm sao có dư. Chưa kể, dù không đi làm mấy tháng qua nhưng chúng tôi vẫn phải trả gốc, lãi đều, rồi chi tiền điện, nước, tiền ăn..." - chị Tú nói.

Chị Tú cũng cho hay phải năn nỉ rất lâu thì nhân viên này mới gửi cho chị mẫu đề nghị giãn nợ. Chị đã làm đơn và ngày nào cũng hỏi nhân viên phụ trách hồ sơ nhưng chỉ nhận được câu trả lời là "đang xem xét".

Ngân hàng xét nhiều điều kiện

Nhiều ngân hàng thương mại cho biết khoảng một tháng nay liên tục nhận được đơn, cuộc gọi từ khách hàng hỏi về việc miễn, giảm lãi hoặc giãn nợ cho các khoản vay đến hạn.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, để được xét giảm lãi suất, giãn nợ, khách hàng phải thỏa mãn nhiều điều kiện mà ngân hàng đặt ra như phải nằm trong những ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng và nguồn này phải là khoản thu nhập mà khách hàng kê khai trong hồ sơ vay ban đầu với ngân hàng. Mặt khác, mỗi ngân hàng sẽ có quy định khác nhau và mức giảm tùy theo từng đối tượng chứ không có mẫu số chung.

Anh Mẫn (Tân Bình) cho biết gia đình anh mở 4 nhóm lớp ở quận Tân Bình, Gò Vấp, Q.2, Q.9. Do quy định về giấy phép nên khi thế chấp nhà, đất để vay vốn mở các nhóm lớp, anh chỉ ghi chung là "vay tiêu dùng". 

Không may nhóm lớp ở quận Gò Vấp vừa hoàn thành tháng 1 chưa kịp hoạt động đã vướng đợt dịch bệnh. Ba nhóm lớp khác cũng tạm nghỉ từ sau tết. Tính ra mỗi tháng tiền thuê nhà, tiền hỗ trợ 50% lương cơ bản cho 40 giáo viên hết khoảng 300-400 triệu đồng.

"Trung tâm thiệt hại nặng nề nhưng cũng khó đủ điều kiện để nhận hỗ trợ vì hồ sơ vay ban đầu chỉ ghi là cho vay tiêu dùng chứ không phải vay để đầu tư trong lĩnh vực giáo dục - lĩnh vực đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chúng tôi đang gắng gượng để tồn tại, tài sản đã thế chấp hết nên mong có chính sách hỗ trợ cho những đơn vị còn tồn tại được qua đại dịch vay vốn để duy trì hoạt động một thời gian sau dịch", anh Mẫn nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc vùng một ngân hàng cổ phần cho hay ngân hàng có chính sách giảm lãi, giãn nợ để hỗ trợ người vay nhưng phải xét trên từng trường hợp cụ thể. Khách hàng phải chủ động đề nghị ngân hàng và trình bày nguồn thu nhập bị sụt giảm như thế nào, trên cơ sở đó ngân hàng sẽ thẩm định lại. Do vậy không phải tất cả trường hợp đề xuất đều được xét duyệt. Cũng không có công thức chung mà căn cứ vào mức độ giảm thu nhập của khách hàng.

Vì sao ngân hàng ngại giãn nợ?

Ông Phan Đình Tuệ, phó tổng giám đốc Sacombank, cho hay ngân hàng cũng nhận được nhiều đề nghị của khách hàng về việc cơ cấu nợ, giảm lãi. Có khách hàng chỉ yêu cầu giảm lãi hoặc cơ cấu nợ, nhưng có trường hợp yêu cầu cả hai.

Về phía ngân hàng phải rà lại xem các trường hợp đề nghị có đủ điều kiện hay không, chẳng hạn thuộc lĩnh vực nào, có bị tác động trực tiếp hay không chứ không phải trường hợp khách hàng nào "kêu" cũng được xem xét.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, một trong những lý do khiến các ngân hàng không thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng là vì theo quy định hiện nay, nếu cơ cấu nợ sẽ ảnh hưởng đến lãi dự thu của ngân hàng, tức là thu nhập của ngân hàng trước mắt, vì thế các ngân hàng phải cân nhắc kỹ khi cơ cấu lại nợ.

Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, để người vay được hỗ trợ nhiều hơn, khó chỉ trông vào tiền túi của các ngân hàng. Vì các ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh. Do vậy họ phải cân đong đo đếm nguồn thu - nguồn chi và sẽ thực hiện rất chừng mực cũng như xem xét, chọn lựa các khách hàng.

Trong bối cảnh hiện nay, khi dịch COVID-19 ảnh hưởng ngày càng nặng nề đến người vay, ông Tín đề xuất cần có gói hỗ trợ mạnh hơn từ Chính phủ và có sự tiếp sức từ nguồn tiền ngân sách mới hi vọng chính sách gỡ khó đến với người vay vốn.

Thấy "gói" nhưng khó chạm!

bat dong san

Thị trường bất động sản “ngủ đông”, nhiều DN kinh doanh sắt thép gặp khó khăn rất lớn - Ảnh: Q.ĐỊNH

Việc tiếp cận gói hỗ trợ với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện rất khó khăn. Ông Nguyễn Công Diệm, giám đốc Công ty TNHH Duy Phương Phú Nam (Long An), cho biết thị trường bất động sản "ngủ đông" do COVID-19 khiến các doanh nghiệp chuyên kinh doanh tôn thép gặp khó khăn rất lớn. Số lượng các công trình lớn nhỏ mới khởi công rất ít. Hàng tồn kho cao trong khi giá liên tục giảm.

"Nếu so giá từ ra tết đến giờ, mỗi tấn hàng tồn kho lỗ 6 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động không thể cắt giảm nhiều, bởi doanh nghiệp cố gắng duy trì lượng lao động đã gắn bó và lãi vay ngân hàng hằng tháng vẫn phải trả đều đặn" - ông Diệm nói.

Theo ông Diệm, gói tài chính hỗ trợ sản xuất kinh doanh là rất cấp thiết. Tuy nhiên khi liên hệ ngân hàng hỏi về vấn đề xin miễn giảm/gia hạn khoản vay, các ngân hàng cho biết hiện mới nằm ở bước chuẩn bị hồ sơ, hơn nữa sẽ tập trung vào doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch...

Một số doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực du lịch tại Hà Nội cho biết họ có nghe đến gói hỗ trợ 280.000 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin từ các sở, ban ngành, hiệp hội đưa xuống.

Ông Vũ Cường, giám đốc Công ty cổ phần du lịch Việt Globalg (Hà Nội), cho biết suốt hơn 2 tháng nay khi thị trường du lịch "đóng băng", các hãng hàng không dừng hoạt động, công ty gần như không nhận được hợp đồng mới cho quý 2.

Hiện công ty đang cho nhân viên nghỉ việc, hưởng 50% lương, nhưng cũng rất khó khăn nếu dịch bệnh kéo dài. Doanh nghiệp cũng nghĩ đến bước khó nhất là khi dịch bệnh phức tạp, phải đăng ký tạm ngừng hoạt động, cho nhân viên nghỉ việc không lương.

"Doanh nghiệp và người lao động rất khó khăn, chỉ mong có các chính sách thiết thực hỗ trợ người lao động, bù đắp phần nào thu nhập giảm" - ông Cường nói.

NGỌC AN

Ngân hàng giảm lãi vay cho khách hàng thiệt hại do dịch corona Ngân hàng giảm lãi vay cho khách hàng thiệt hại do dịch corona

TTO - Nhằm hỗ trợ khách vay bị thiệt hại bởi dịch viêm phổi do virus corona, từ nay đến hết tháng 4, ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay từ 1%-1,5%/năm. Đặc biệt với người trồng dưa hấu, thanh long, chuối… sẽ được giảm 3%/năm.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên