15/09/2024 08:31 GMT+7

Tái thiết sau bão: cần quyết sách mạnh

Những thiệt hại về người, tài sản sau cơn bão Yagi (bão số 3) thật khủng khiếp (xem đồ họa). Việc tái thiết cơ sở hạ tầng, năng lực sản xuất...theo các chuyên gia và nhà quản lý, cần đến một quyết sách đủ mạnh.

Tái thiết sau bão: cần quyết sách mạnh - Ảnh 1.

Người nuôi thủy sản đang cần khoanh nợ cho vay mới để khôi phục sản xuất. Trong ảnh: lồng bè nuôi thủy sản tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) sau cơn bão số 3 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cụ thể, ngoài chính sách hoãn, giãn, khoanh nợ, Chính phủ cần quyết sách mạnh theo hướng xóa toàn bộ hoặc một phần nợ cho nhiều người dân "trắng tay" do bão, đồng thời hỗ trợ người dân vay thêm vốn ngân hàng để phục hồi nghề nghiệp, cũng là công việc và nguồn sống của người dân.

Ngư dân mất trắng hàng ngàn tỉ đồng

Tại Quảng Ninh, theo thống kê của TP Cẩm Phả, có 326 hộ nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng, mất trắng lồng bè sau bão, chỉ còn khoảng 40 hộ giữ lại được một phần lồng bè. Tương tự, tại thị xã Quảng Yên, toàn bộ 800 bè hàu, 1.700 lồng nuôi cá của các hộ nuôi trên địa bàn thị xã đều bị phá hủy sau bão. 

Huyện đảo Vân Đồn ước tính thiệt hại của ngư dân nuôi thủy hải sản lên tới hơn 2.200 tỉ đồng, trong đó nhiều ngư dân mất trắng tài sản sau bão. Lồng bè nuôi cá bị vỡ vụn, trôi dạt theo những con sóng dữ vùng tâm bão Yagi. 

Số liệu của UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho thấy trên địa bàn tỉnh có 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản đã bị thiệt hại do bão Yagi.

Anh Nguyễn Văn Tùng, một ngư dân nuôi cá lồng bè tại khu vực Cặp Vọ (TP Cẩm Phả), cho biết trước bão khu vực Cặp Vọ có hơn trăm hộ nuôi cá lồng bè. 

Nhưng bão đến tất cả nhà bè, máy móc, tàu bè đều bị sóng đánh hư hỏng, trôi dạt ra biển. Bè vỡ, cá bơi về biển, tất cả các hộ dân đều trắng tay.

Cũng tại khu vực này, anh Tô Văn Toàn cho hay trước bão đã vay mượn ngân hàng, anh em để đầu tư 27 ô bè, nuôi 10.000 cá song, gần 10.000 cá chim, cá vược và các loại khác. Nhưng sau bão các ô bè nuôi cá bị hư hỏng nặng, chỉ còn sót lại một ít cá trong lồng bè. 

"Tôi đang lo sau bão cá yếu rồi bệnh, không sống được thì không biết lấy đâu tiền để trả nợ lãi ngân hàng" - anh Toàn nói.

Tại xã Đông Xá (huyện Vân Đồn), anh Trần Văn Nam cho biết anh đã vay ngân hàng gần 2 tỉ đồng để đầu tư giàn hàu nhưng nay bị cuốn đi tất cả. Cùng cảnh ngộ, bà Ngô Thị Thúy (Quảng Yên, Quảng Ninh) nghẹn ngào cho biết với 105 ô nuôi cá bị mất trắng chỉ sau một đêm mưa, thiệt hại của gia đình bà lên tới 12 tỉ đồng. 

Ông Vũ Văn Cường (Quảng Yên) vẫn không thể tin nổi 3 bè cá bị mất trắng, thiệt hại lên tới gần 14 tỉ đồng. Phần lớn số tiền đầu tư bè cá ông Cường đều vay ngân hàng.

Tái thiết sau bão: cần quyết sách mạnh - Ảnh 2.

Gia đình anh Tuyên, chị Hoàn tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cố gắng nhặt nhạnh bè tàu còn sót lại sau cơn bão số 3 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nỗi lo lắng còn kéo dài, dai dẳng

Trước cảnh trắng tay như thế, bà Ngô Thị Thúy cho hay với 4 tỉ đồng vay ngân hàng đầu tư vào bè cá, giờ đây chỉ mong sao được ngân hàng hoãn nợ, giãn nợ và cho vay mới để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời. 

"Chỉ 2 năm thôi, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng" - bà Thúy mong mỏi. Ông Vũ Mạnh Cường cũng mong được ngân hàng hỗ trợ hoãn, giãn, xóa nợ để có cơ hội làm lại.

Được biết, trong tối 12 và 13-9, lãnh đạo huyện Vân Đồn đã họp hơn 600 hộ dân nuôi thủy hải sản. Hầu hết người dân đều mong muốn được hỗ trợ khoanh nợ ngân hàng và hỗ trợ lãi suất vay mới. Trong tối 14-9, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng xuống họp với người dân nuôi thủy hải sản của huyện để đánh giá thiệt hại và bàn giải pháp khắc phục.

Tại Hà Nội, bà Mai (chủ vườn quất tại làng quất Tứ Liên, quận Tây Hồ) nói đùa trong xót xa "Từ giờ được ăn no, ngủ kỹ rồi" khi hơn 400 gốc quất của gia đình bà Liên chết úng, từ giờ bà Mai không phải lo trông cây, chăm bón... Mùa Tết năm nay trôi theo dòng nước lũ. 

Thay vì không khí tất bật chuẩn bị cho vụ Tết, những ngày sau lũ, làng quất Tứ Liên và làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ) chìm trong cảnh đìu hiu. Các nhà vườn tay cào tay xẻng dọn dẹp vườn sau lũ, bỏ đi chính những gốc quất, gốc đào mình tự tay chăm bẵm cả năm trời.

Theo các hộ trồng đào, quất tại quận Tây Hồ, mấy chục năm nay chưa năm nào mà nước sông Hồng lại dâng cao đến vậy. 

"Nhà tôi có 800 gốc quất thì chết úng 400 gốc rồi, những gốc còn lại cũng bị ảnh hưởng. Nhìn của cải của mình đầu tư cả năm trời, nước nhấn chìm hết cũng bất lực, chả làm gì được", anh Nguyễn Việt Phú (làng quất Tứ Liên) xót xa.

Không chỉ vườn nhà anh Phú mà hàng chục vườn của các hộ xung quanh cũng cùng tình cảnh. "Hôm đấy nhà tôi 6 người làm, vừa chạy về nấu được bữa cơm, ăn xong quay lại nước đã đến ngang đùi. Cả vườn không cứu vớt được cây nào. Nhà tôi toàn quất trồng trong chum 50 lít đang cho quả đẹp, vậy mà...", chủ vườn Tình Lương lắc đầu.

Bà Mai nói sau khi quất hư hại thì không có cách nào khác là phải phá đi, năm nay coi như mất Tết, nhưng lo nhất là vụ quất sang năm không có cây giống. Bà con Tứ Liên thường lấy cây giống tại vựa quất ở huyện Văn Giang (Hưng Yên), nhưng vựa quất này bị ảnh hưởng bão lũ khi cả khu vực rộng lớn trồng quất ở Văn Giang đã chìm trong biển nước.

Tái thiết sau bão: cần quyết sách mạnh - Ảnh 3.

Xóa nợ được không?

Theo nghị định 116 năm 2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trường hợp khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả thiên tai xảy ra trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được tổ chức tín dụng đánh giá chưa có khả năng hoặc không có khả năng trả nợ vay cho tổ chức tín dụng, UBND cấp tỉnh tổng hợp đánh giá cụ thể thiệt hại, báo cáo Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để được xem xét khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại. 

Thời gian khoanh nợ tối đa là 2 - 3 năm và các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ.

Số tiền lãi tổ chức tín dụng không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho người dân được ngân sách nhà nước cấp tương ứng từ ngân sách địa phương. 

Trường hợp ngân sách địa phương khó khăn, UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định hỗ trợ từ dự phòng ngân sách trung ương.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chiều 14-9 ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết đến nay nhiều ngân hàng như Vietcombank, VPBank... đã kịp thời giảm lãi suất 0,5 - 1% cho khách hàng bị thiệt hại do bão lũ gây ra. Với những khoản nợ đến hạn phải trả, ngân hàng thương mại chủ động hoãn, giãn nợ cho khách hàng.

Còn để doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão lũ, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng xem xét mạnh dạn cho vay mới. 

"Những gì thuộc thẩm quyền của ngân hàng thì các ngân hàng đang nỗ lực chung tay, chia sẻ và hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để họ dần hồi phục. Còn đối với các khách hàng bị mất trắng tài sản, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng thì cần được hỗ trợ của Chính phủ" - ông Tú cho biết.

Còn theo TS Phạm Xuân Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, với những hộ nông dân bị mất trắng tài sản, họ không còn khả năng trả nợ, để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, Chính phủ cần có quyết sách cấp bù ngân sách cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện xóa toàn bộ hoặc một phần nợ cho nông dân. 

Theo ông Hòe, theo quy định hiện hành trong tình trạng khẩn cấp, Chính phủ sẽ thực hiện xóa nợ cho người dân. Quy định này có thể xem xét áp dụng cho nhiều trường hợp hiện nay vì họ cũng đã rơi vào cảnh mất trắng tài sản, không còn gì để trả nợ.

Cần cơ chế để ngân hàng xóa nợ cho người "trắng tay"

TS Phạm Xuân Hòe cho rằng để xóa nợ cho người dân, Chính phủ phải sử dụng ngân sách để xóa nợ, còn các ngân hàng thương mại vẫn phải thu hồi vốn. Muốn làm được điều này, Chính phủ phải ban hành một nghị quyết về đối tượng được xóa nợ và hướng dẫn cụ thể thủ tục, hồ sơ xóa nợ.

Và khi các ngân hàng thương mại đã bỏ tiền để xóa nợ cho dân, để hoàn tiền cho các ngân hàng, Chính phủ có thể thực hiện cấp bù thông qua hình thức giảm trừ thuế thu nhập cho các ngân hàng hằng năm.

Đây cũng là một cách sử dụng ngân sách để cấp bù dần cho các ngân hàng, trong khi Chính phủ không phải chịu sức ép về thu chi ngân sách.

Cho vay bằng số thiệt hại

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Khuyến - chủ tịch UBND quận Tây Hồ - cho biết trong trận lũ vừa qua người trồng đào, quất tại Nhật Tân và Tứ Liên bị thiệt hại nặng nề.

Để hỗ trợ bà con khôi phục sau lũ, quận Tây Hồ đã giao ngân hàng chính sách khoản vốn ủy thác để cho bà con trồng đào, quất được vay không lãi suất trong thời hạn 2 - 3 năm. Số vay tương đương với phần thiệt hại của các hộ trồng đào, quất.

Hướng mới: cần doanh nghiệp chế biến "giải cứu" nông sản

Tái thiết sau bão: cần quyết sách mạnh - Ảnh 4.

Người dân làng quất truyền thống Tứ Liên buồn trông theo những hàng quất vàng vọt sau trận lũ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tại vùng trồng chuối tiêu hồng nổi tiếng xã Hồng An (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), ông Trần Ngọc Đạo - quyền chủ tịch UBND xã Hồng An - cho hay để hỗ trợ thu mua, tiêu thụ chuối trước nguy cơ bị nước lũ đe dọa, tỉnh đoàn và huyện đoàn kêu gọi các đơn vị, cá nhân thu mua với giá hỗ trợ, chỉ khoảng 50.000 - 70.000 đồng/buồng, trong khi nếu bán theo giá thị trường là khoảng 150.000 đồng/buồng. Tuy nhiên chỉ vớt vát được khoảng 3.000/40.000 buồng.

Đến giờ vườn chuối bị xóa sổ hết, bà con chỉ đợi nước rút để cải tạo đất, hy vọng có hỗ trợ sau đó đến gần hết năm nay có thể khôi phục sản xuất trở lại. Vì giờ có đầu tư cũng lỡ vụ mà cũng không còn vốn liếng gì.

"Chúng tôi mong được hỗ trợ cho vay lại vốn hoặc hỗ trợ giống cây trồng cho mỗi sào là hơn 1 triệu đồng" - ông Đạo bày tỏ.

Chị Phạm Thị Thu Trang (Ban xây dựng Đoàn, Tỉnh Đoàn Thái Bình) cho biết ngay khi mưa bão xảy ra, tỉnh đoàn đã kết nối bà con, tuyên truyền trên mạng xã hội và kêu gọi các cá nhân, tập thể ủng hộ tiêu thụ chuối ở các xã Tiến Đức, Hồng An thuộc huyện Hưng Hà.

Từ thông tin của Tỉnh Đoàn Thái Bình, bà Bùi Thị Thanh Hằng (Hằng Karose) - giám đốc Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam, doanh nghiệp trồng và chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ và EU - đã quyết định ngay việc đầu tư thêm hệ thống dây chuyền máy móc lên tới hàng trăm triệu đồng để kịp chế biến.

"Quyết định được đưa ra rất nhanh cũng giống như chạy bão, chạy lũ bởi nếu không sớm thu mua và xử lý thì nông sản sẽ bị hỏng và bà con sẽ mất trắng. Đây không chỉ đồng hành cùng bà con mà còn là cơ hội để triển khai một dòng sản phẩm mới (snack chuối).

Biết đâu trong tương lai nó sẽ trở thành một trong những sản phẩm chủ lực" - bà Hằng chia sẻ.

Theo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, qua thực tế cơn bão số 3 vừa qua, rất cần phải tăng cường đầu tư thêm để hỗ trợ người nông dân tránh những rủi ro thiên tai.

Trong đó, đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản, các kho lạnh để tăng thu mua các loại nông sản sắp đến kỳ thu hoạch hoặc có nguy cơ rủi ro do bão lũ.

Cùng với đó vừa phải chuẩn hóa quy trình sản xuất canh tác, chế biến nông sản, tăng liên kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp với người nông dân, giúp ổn định đầu ra và ứng phó tốt hơn với rủi ro thiên tai ngày càng lớn.

Tái thiết sau bão: cần quyết sách mạnh - Ảnh 5.Doanh nghiệp gồng mình hồi phục sau bão lũ, nhiều đơn vị vẫn phải dừng hoạt động

Trận bão lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều doanh nghiệp khắp cả nước. Trong khi một số đơn vị đã bắt đầu dọn dẹp và khôi phục hoạt động, nhiều doanh nghiệp khác vẫn đang phải tạm ngừng hoạt động do những khó khăn khách quan.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên