Đó là thông tin đáng chú ý trong báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại họp báo về lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2023, chiều 7-4.
Tăng cả số vụ tai nạn lao động và người bị nạn
Theo báo cáo, năm 2022 toàn quốc xảy ra hơn 7.700 vụ tai nạn lao động, tăng hơn 18% so với năm 2021. Các vụ tai nạn lao động khiến 754 người chết và 1.647 người bị thương nặng.
Về việc này, ông Hà Tất Thắng - cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, giãn việc, giảm việc, kéo giảm nhịp độ sản xuất. Do đó số vụ tai nạn lao động giảm.
Đến năm 2022, sản xuất kinh doanh hồi phục cộng với quyết định “nới” giờ làm thêm nên số vụ tai nạn lao động gia tăng. Bên cạnh đó, báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho hay có hơn 200 bệnh hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.
Ngoài ra, công tác đào tạo huấn luyện vệ sinh an toàn lao động còn có nơi chưa đầy đủ, phát sinh tai nạn lao động.
Theo ông Thắng, vừa qua cơ quan chức năng đã đề xuất khởi tố 22 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Trong đó có 19 vụ đã có quyết định khởi tố.
Thời gian tới, cơ quan chức năng tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản. Đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy.
"Việc xử lý nghiêm một số vụ sẽ làm gương cho doanh nghiệp khác tuân thủ an toàn vệ sinh lao động", ông Thắng nêu.
Đề xuất giảm giờ làm
Để giảm tai nạn lao động, cơ quan chức năng còn khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cải thiện điều kiện làm việc và giải tỏa căng thẳng cho người lao động sau COVID-19.
Cục trưởng Hà Tất Thắng nhận định giảm giờ làm cũng là giải pháp giảm căng thẳng, tuy nhiên phải đi kèm giải pháp tăng năng suất làm việc, tăng phần trăm hỗ trợ của máy móc. Chẳng hạn, một xưởng nhập máy móc tạo ra 30.000 sản phẩm/giờ sẽ giúp công nhân bớt căng thẳng hơn khi làm với hệ thống chỉ tạo ra 10.000 sản phẩm/giờ.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Kiên - phó trưởng Ban tuyên giáo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn luôn đề xuất giảm thêm giờ làm cho người lao động. Bởi cường độ lao động cao, căng thẳng thần kinh có thể gia tăng nguy cơ tai nạn lao động. Phía công đoàn đã có nhiều giải pháp giải tỏa áp lực cho người lao động như tập thể dục giữa giờ, khuyến khích thi đấu thể thao…
Trong khi đó, bà Lương Mai Anh - cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) - cho biết thêm có dấu hiệu vi phạm an toàn lao động trong vụ 37 công nhân làm việc tại Công ty TNHH HSTECH Vina ở tỉnh Bắc Ninh bị nhiễm độc methanol.
Vị này nhận định nếu cơ quan chức năng xác định công ty thay đổi quy trình sản xuất khi dùng methanol thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, thậm chí là khởi tố. Tuy vậy, kết luận chính thức vẫn phải chờ Công an tỉnh Bắc Ninh công bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận