15/05/2019 10:21 GMT+7

Tai nạn giao thông: Đâu chỉ là chuyện của người cầm lái

TRẦN HÀO
TRẦN HÀO

TTO - Người ta mặc định lỗi thuộc về cá nhân tài xế, nhưng còn có những tác nhân khác cũng góp phần gia tăng hiểm họa giao thông.

Tai nạn giao thông: Đâu chỉ là chuyện của người cầm lái - Ảnh 1.

Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn một phụ nữ tại một giao lộ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM tối 11-5 - Ảnh: T.T.D.

Tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta thường gặp ba dạng sau: phương tiện gặp sự cố, quá tải; tài xế yếu kỹ năng, vô cảm với sinh mạng người khác hoặc tài xế mệt mỏi vì làm việc quá sức, mất bình tĩnh vì dùng chất kích thích.

Có thể điểm qua một vài vụ TNGT nghiêm trọng: rạng sáng 30-7-2018 trên quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Nam, xe 16 chỗ chở đoàn người đi rước dâu lao qua phần đường bên trái tông vào xe container chạy chiều ngược. Hậu quả 13 người chết, 4 người bị thương. Nguyên do tài xế mệt mỏi, buồn ngủ. Ngày 15-9-2018, tài xế xe bồn mất phanh húc vào xe khách chạy cùng chiều ở Tam Đường (Lai Châu), 2 xe lao xuống suối sâu, 13 người chết và 3 người bị thương. Ngày 2-1-2019, tại ngã tư Bến Lức (Long An), tài xế lái xe container dương tính với ma túy và nồng độ cồn trong máu cao đã lao xe càn nát gần 20 xe máy đang chờ đèn đỏ phía trước, 4 người chết, 18 người bị thương. 

Ba vụ tai nạn, 30 người chết, 25 người bị thương! Lỗi thuộc về người cầm lái. Chứng cứ quá rõ vậy rồi. Nhưng còn có nguyên nhân khác: nếu xe bồn được kiểm tra đúng quy trình, tài xế chăm sóc xe mình thường xuyên, nếu chủ xe quan tâm sức khỏe tài xế, sa thải những anh nghiện... có thể tránh được tai nạn thương tâm. Còn có thực tế tài xế làm việc quá sức, ngủ gật trên tay lái, cũng là nguyên nhân trong nhiều vụ tai nạn.

Theo lẽ thường, nghề gì dễ gây nguy hiểm tính mạng đến người khác, thì người làm nghề phải được tuyển chọn kỹ về sức khỏe, đạo đức và phải được đào tạo đàng hoàng. Nhưng chúng ta đã làm lơi lỏng chuyện này và đã để hệ lụy. Đó là tình trạng mua bán bằng lái. Đội ngũ giáo viên dạy lái xe chưa hẳn là người dày dạn kinh nghiệm, có đạo đức, kỹ năng nghề vững vàng.

Nhiều trường dạy lái xe từng cam đoan rằng: "ghi danh là đậu". Vậy nên khâu khám sức khỏe cho học viên lái xe hoặc cho tài xế đổi bằng lái qua loa đại khái. Đây đó có tình trạng cấp khống giấy phép lưu hành từ xa. Người đưa phương tiện đến trạm kiểm định, biết xe mình chưa đạt an toàn thì tìm cách chạy chọt, hoặc tráo các bộ phận còn tốt từ xe khác lắp vào xe mình cho đạt, rồi sau đó tháo ra...trả lại.

Có một điều là hiếm thấy những người liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp ra hầu tòa cùng tài xế trong khi bóng dáng của họ "thấp thoáng" phía sau các vụ tai nạn. Đó là người được thuê cơi nới vượt sức chở ban đầu của phương tiện, chủ phương tiện chở quá tải ép tài xế lái quá nhiều giờ, trạm kiểm định phương tiện cấp phép cho xe thiếu an toàn lưu hành, trạm cân xe và lực lượng giám sát giao thông làm ngơ với xe quá khổ quá tải, trường dạy lái xe cho "ra lò" những tài xế chưa đạt chuẩn. 

Còn có những tai nạn do đường sá thi công ẩu, do những người tham gia giao thông vì sự đi đứng tùy tiện khiến tài xế gây tai nạn...

Vậy nên theo tôi, phải xem xét trách nhiệm những tác nhân nêu trên để xử lý nghiêm, khơi dậy lương tâm, trách nhiệm của họ mới mong TNGT giảm thiểu.

Tôi từng chết hụt

Ba năm trước, tôi may mắn thoát chết trong gang tấc. Bữa đó tôi đang chạy xe máy trên đường, một ô tô 7 chỗ tông cực mạnh từ phía sau. Xe máy bị đẩy lao về phía trước, văng ra đường. Ô tô chồm lên nghiền nát xe máy rồi đâm tiếp vào gốc cây lớn. Tôi văng lên đám cỏ bên đường, không bị "xe điên" kia càn qua, chỉ choáng và gãy tay. Tỉnh dậy trong bệnh viện, người nhà cho tôi biết CSGT đã kiểm tra, kết luận người gây tai nạn uống quá nhiều rượu bia.

Sau vụ chết hụt đó, tôi luôn ám ảnh về nạn say xỉn lái xe. Tôi rất sợ những người uống rượu bia lái xe, vì tôi biết khi đã có hơi men trong người thì thường buồn ngủ, chếnh choáng, trên đường chỉ cần đôi mắt díp lại trong khoảnh khắc ngắn đã có thể... 99% gây ra tai nạn, để lại thiệt hại cho người khác. Giờ, sau khi uống rượu bia (dù chỉ một chút), tôi chọn cách đi ngủ hoặc phải nhờ người chở đi.

Tai nạn giao thông: Đâu chỉ là chuyện của người cầm lái - Ảnh 3.

Một vụ TNGT thảm khốc trên quốc lộ 1 xảy ra vào đầu năm 2019 - Ảnh: TTO

Kể ra đây câu chuyện chính mình từng là nạn nhân của một tài xế say rượu, tôi muốn nói về một trong những nguyên nhân gây thương vong trên đường. Nói chính xác là do cách nghĩ, thói quen coi thường tính mạng, sức khỏe của mình, của người. Chính vì vậy mới cố lái xe khi say. 

Thêm bao nhiêu khẩu hiệu vẫn không bằng sự thay đổi ý thức của mỗi người cầm lái.

NGUYỄN LONG

Lái xe khi say xỉn: buộc đi quét đường, vét kênh sợ hơn đóng phạt 20 triệu Lái xe khi say xỉn: buộc đi quét đường, vét kênh sợ hơn đóng phạt 20 triệu

TTO - Đề xuất buộc đi lao động công ích như 'buộc đi nạo vét sông Tô Lịch' đối với người uống rượu bia khi lái xe đã nhận được nhiều sự đồng tình của bạn đọc cũng như đại biểu Quốc hội.

TRẦN HÀO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên