Công an phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM giải quyết trường hợp một thanh niên ở quận Gò Vấp say mất kiểm soát, ngủ dưới lòng đường bên cạnh xe máy lúc rạng sáng - Ảnh: T.T.D.
Ai phạt? Phạt ai?
Sáng 10-5, đọc xong bài viết "Quốc hội nóng chuyện gian lận thi cử và lái xe say rượu" trên Tuổi Trẻ, tôi đã làm cuộc phỏng vấn "bỏ túi" với 15 người (12 nam, 3 nữ) hay uống rượu bia.
2/3 những người được hỏi cho rằng hình thức xử phạt trên sẽ có tác động xã hội, nhiều nước đã áp dụng. Nhưng thực thi điều này ở Việt Nam liên quan khá nhiều vấn đề chưa dễ giải quyết ngay.
Nếu phạt người vi phạm phải đi làm những công việc như dọn rác, xóa quảng cáo trái phép... đơn giản như vậy ai cũng làm được. Nhưng chuyện phạt bằng cách buộc phải nạo vét kênh rạch, cống rãnh; san lấp ổ gà, ổ voi trên đường không hề dễ dàng.
Đây là những việc đòi hỏi sức khỏe, kỹ năng nhất định, chứ không phải muốn là làm được. Nếu người vi phạm là nữ hoặc người lớn tuổi thì áp dụng cách phạt nào cho phù hợp?
Ngay cả với việc nhặt rác, quét rác thì ai cũng có khả năng chấp hành, song phải dự kiến những đoạn đường, khu vực thích hợp để thực hiện lao động và có sự giám sát. Việc này không giống với hành vi tiểu bậy phải khắc phục hậu quả bằng cách giội nước.
Việc xử phạt lao động khi áp dụng vào thực tế sẽ liên quan đến giới tính, tuổi tác, vị trí xã hội, mức sống và các mối quan hệ của người vi phạm.
Như thực tế hiện nay, những người đi xe máy vi phạm nồng độ cồn đa số là người thu nhập thấp, khi bị phạt tiền quá nhiều, họ thường chấp nhận cách... bỏ luôn xe. Nếu phạt lao động cũng sẽ phát sinh nhiều kiểu người vi phạm tìm cách né hoặc không chấp hành phạt.
Và phạt tiền, tước giấy phép lái xe hay phạt lao động đều cần sự nghiêm túc, liêm khiết của lực lượng thực thi việc xử phạt. Nâng mức phạt, thêm hình thức phạt có khi sẽ vô tình tạo cơ hội cho tiêu cực như nạn xin xỏ, "chung chi" để không bị lập biên bản, tìm mọi cách né chấp hành việc xử phạt.
Chế tài mạnh, thực thi nghiêm, đó là mong muốn của 12/15 người được hỏi. Nhiều người đồng tình với đề xuất phạt tù giam cho người lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích dù không gây tai nạn.
Tước quyền tự do sẽ khiến người ta sám hối. Nếu chính quyền kiên quyết như vậy, họ sẽ giảm nhậu. Những khi buộc phải đi giao tế sẽ chọn phương tiện là xe buýt, xe ôm, taxi tùy... túi tiền.
Câu chuyện cựu danh thủ bóng đá điển trai người Anh David Beckham vừa bị phạt 750 bảng Anh và cấm lái xe trong 6 tháng do sử dụng điện thoại trong lúc lái xe là điển hình về việc thực thi pháp luật của nước bạn. Luật nghiêm mới là điều kiện "cần", còn điều kiện "đủ" nằm ở khâu thực thi pháp luật có nghiêm hay không.
Một đề xuất đúng được dư luận đồng tình. Mong sẽ có quy định pháp luật về việc này và mong chờ hơn nữa các giải pháp đi kèm, để những điều khoản trên văn bản pháp luật sớm đi vào cuộc sống.NGHĨA ĐỊNH
Quy trình xử phạt ra sao?
Lái xe trong trạng thái có hơi men, bất kể ôtô, xe máy đều sẽ bị phạt. Tôi đồng tình với đề xuất theo hướng này. Và phạt lao động là hình thức mới được nêu ra ở Quốc hội.
Theo tôi, cần có khung pháp lý đủ mạnh để xử lý vi phạm này. Tôi đồng tình với ý kiến của ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (Tuổi Trẻ 11-5), hình phạt đủ sức răn đe kết hợp cả hình sự, hành chính, giáo dục và kinh tế.
Tùy mức độ vi phạm, mức xử lý có thể gia giảm theo khung nhưng nên có đồng thời nhiều hình thức: phạt tiền, tước bằng lái và phạt lao động. Và không dùng hình thức này thay cho hình thức kia.
Vì sao? Người có tiền sẽ không dùng tiền né lao động. Người ít tiền ngoài lao động cũng phải bị phạt tiền. Ai sai cũng phải bị phạt để thay đổi hành vi. Và vi phạm nồng độ cồn ở mức có thể gây nguy hiểm cho người cùng tham gia giao thông phải xử lý hình sự.
Riêng về hình thức phạt lao động, tôi cho rằng cần có nhiều quy định rất chặt chẽ, lường trước mọi tình huống "né xử phạt" sẽ xảy ra cũng như việc tổ chức phạt lao động như thế nào cho hiệu quả, đúng nghĩa, có tác động đến nhiều người khác nữa.
Người bị phạt lao động có thể mặc áo có mang thông điệp cho nhiều người nhìn vào kiểu như "Đã uống rượu bia thì không lái xe".
Nói có vẻ suôn sẻ, dễ dàng nhưng bắt tay vào làm sẽ vướng nhiều cái khó. Chẳng hạn quy trình xử phạt như thế nào? Ai được xử phạt? Biên bản xử phạt sẽ đi từ lực lượng CSGT đến đâu? Đơn vị nào sẽ phụ trách phần phạt lao động?
Vi phạm ở đâu lao động ở đó hay về địa phương? Mất bao lâu từ khi vi phạm đến khi chấp hành lao động? Tất cả việc này phải làm với quyết tâm và nghiêm túc từ các bên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận