15/04/2016 15:28 GMT+7

"Tài liệu Panama": Góc tối Đông Nam Á

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Nhiều cá nhân và gia đình giàu có ở các quốc gia Đông Nam Á đang lần lượt xuất hiện trên mặt báo khi những nhà phân tích đào sâu hơn “Tài liệu Panama”.

Những cái tên đầu tiên đáng chú ý của khu vực Đông Nam Á xuất hiện trong “Tài liệu Panama” những ngày qua gồm con trai Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Bộ trưởng Tư pháp Campuchia Ang Vong Vathana, gia đình tỉ phú Chirathivats của Thái Lan...

Báo Asia Sentinel thống kê chỉ riêng Malaysia đã có 1.784 cá nhân và 517 công ty bình phong có liên hệ với Công ty luật Mossack Fonseca của Panama.

Đại tá cảnh sát Seehanat Prayoonrat - tổng thư ký Cơ quan chống rửa tiền của Thái Lan - nhanh chóng họp báo hôm 8-4 tại Bangkok thể hiện quyết tâm xử lý các trường hợp người Thái liên quan “Tài liệu Panama” - Ảnh: Reuters
Đại tá cảnh sát Seehanat Prayoonrat - tổng thư ký Cơ quan chống rửa tiền của Thái Lan - nhanh chóng họp báo hôm 8-4 tại Bangkok thể hiện quyết tâm xử lý các trường hợp người Thái liên quan “Tài liệu Panama” - Ảnh: Reuters

Tuy việc sở hữu công ty bình phong chưa đủ cơ sở để cấu thành tội trốn thuế, nhưng có nhiều lo ngại về việc một dòng tiền lớn đã và đang chảy khỏi các nước Đông Nam Á khác trong nhiều thập niên qua trong khi các quốc gia này lại cần tiền cho đầu tư phát triển.

Mặt khác, nếu như giới làm ăn buôn bán có nhiều tiền để “tẩu tán” không có gì lạ, nhưng việc các quan chức cũng sở hữu khối tài sản khổng lồ khiến không ít người thắc mắc về nguồn gốc của nó.

Trong rất nhiều các quốc gia châu Á bị tiết lộ, “Tài liệu Panama” chỉ đơn giản khẳng định về những nghi ngờ đã có từ lâu nay

CURTIS S.CHIN (cựu đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển châu Á)

Tiền chảy ào ạt khỏi Malaysia

Theo Tổ chức Global Financial Integrity, Malaysia đứng hàng thứ năm trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Mexico, về khối lượng chuyển dịch dòng tiền bất hợp pháp.

Trên 400 tỉ USD đã rời khỏi quốc gia này trong giai đoạn 2004-2013, năm cuối cùng người ta còn ghi nhận số liệu. Malaysia đã giữ vững vị trí này trong giai đoạn suốt 10 năm.

Tốc độ tiền chảy khỏi Malaysia ngày càng tăng (đạt con số 48 tỉ USD năm 2013) được cho là có liên quan đến tình hình chính trị mất ổn định trong hai năm qua.

Dù các quỹ dự trữ của Ngân hàng Trung ương Malaysia vẫn còn dồi dào nhưng có dấu hiệu tiếp tục vơi đi đều đặn trong nhiều tháng, từ 136 tỉ USD hồi tháng 7-2014 xuống còn 95,63 tỉ USD vào thời điểm hiện tại, tương đương giá trị nhập khẩu trong 6,8 tháng - theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuy không phải tất cả quyết định chuyển tiền ra nước ngoài đều bất hợp pháp, chúng cũng góp phần làm “teo tóp” nguồn quỹ cho việc đầu tư và phát triển.

Trong trường hợp Malaysia, một phần dòng tiền thất thoát có nguồn gốc sở hữu của người Hoa - những người có quan niệm thà chọn những tài sản tuy đắt tiền hơn nhưng an toàn tại Úc, Mỹ hay Anh thay vì khả năng sinh lợi cao nhưng không ổn định ở một quốc gia đang phát triển như Malaysia. Số liệu của Hãng bất động sản Jones Lang & Wootton hồi năm 2012 cho thấy người Malaysia chiếm đến 17% những khách hàng chi bộn tiền mua các bất động sản xa xỉ ở trung tâm London.

Đáng chú ý trong “Tài liệu Panama” có liên quan đến Malaysia là tên những người con trai của ba vị thủ tướng, gồm Abdullah Ahmad Badawi và Mahathir Mohamad đã về hưu, Najib Razak đang đương chức, chưa kể tên tuổi nhiều vị lãnh đạo chính trị khác hoặc những người trong gia đình họ.

Danh sách cũng bao gồm nhà cựu sáng lập Ngân hàng Arab Malaysian (sau này là Ambank) Hussain Najadi, người bị giết một cách bí ẩn hồi năm 2013 sau khi tố cáo tham nhũng trong Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất.

Trước câu hỏi liệu có một hệ quả chính trị nào đối với những người Malaysia bị nêu tên trong “Tài liệu Panama” hay không, lời đáp vẫn còn bỏ ngỏ.

Quốc gia này gần hai năm qua đã sống trong vụ xìcăngđan tham nhũng lớn liên quan đến quỹ đầu tư nhà nước 1MDB.

Thủ tướng Najib Razak bị điều tra cáo buộc chuyển 681 triệu USD từ công quỹ sang tài khoản cá nhân trong một ngân hàng Thụy Sĩ và chỉ mới “thoát nạn” hồi tháng 1-2016 sau khi tổng công tố viên Malaysia kết luận đây chỉ là “món quà” từ gia đình hoàng gia Saudi Arabia.

Tuy vậy cũng đã có những động thái nhất định. Mới nhất là yêu cầu công bố hôm 13-4 của nghị sĩ Charles Santigo đòi phải có cuộc điều tra độc lập liên quan những nhân vật ở Malaysia có tên trong “Tài liệu Panama”.

Thái Lan, Singapore cam kết điều tra

Theo phân tích dữ liệu của báo USA Today, ông Tos Chirathivats - giám đốc điều hành Central Group of Companies, một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất Thái Lan thuộc sở hữu của gia tộc Chirathivats - có tên trong nhóm điều hành của sáu tập đoàn ở Nevada được dựng lên bởi MF Nevada, chi nhánh Mỹ của Mossack Fonseca.

Sáu công ty khác thành lập bởi MF Nevada cũng bao gồm những họ hàng của ông Tos hoặc những người có liên quan đến Central Group of Companies. Tất cả pháp nhân này đều lần về cùng những địa chỉ tại Bangkok.

Gia đình Chirathivats ở Thái Lan điều hành một đế chế gồm nhiều trung tâm mua sắm, khách sạn nghỉ dưỡng, chuỗi nhà hàng, cửa hàng bán lẻ... có mặt ở tất cả đô thị lớn. Tạp chí Forbes ước tính tài sản của họ khoảng 11,7 tỉ USD, giàu thứ ba Thái Lan và thứ 14 châu Á.

Central Group of Companies đã mở rộng làm ăn ở Đông Nam Á và châu Âu những năm gần đây, nhưng các nhà phân tích vẫn chưa rõ tại sao nhà Chirathivats lại mở công ty tại Nevada dưới những cái tên như Anir One, Consolidated International One...

Văn phòng Chống rửa tiền Thái Lan ngày 8-4 thông báo họ đang điều tra 16 công dân Thái có liên quan đến “Tài liệu Panama” nhưng không nêu tên cụ thể.

Tại Campuchia, Bộ trưởng Tư pháp Ang Vong Vathana cũng bị nêu tên là một trong năm cổ đông của Công ty bình phong RCD International, Ltd đăng ký tại quần đảo Virgin thuộc Anh.

Dù Bộ Tư pháp Campuchia đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên, tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng chính phủ cần tiến hành điều tra đầy đủ để trấn an dư luận.

Chủ tịch Đơn vị chống tham nhũng Campuchia (ACU) Om Yentieng cho biết cơ quan này đang “giải quyết” vấn đề, tuy nhiên nhấn mạnh điều này không có nghĩa họ sẽ điều tra chính thức.

Nhìn chung, cho đến nay tại Đông Nam Á chỉ mới có hai nước là Thái Lan và Singapore phản ứng khá nhanh trước “Tài liệu Panama” và đã tiến hành điều tra.

Bộ Tài chính Singapore ra thông cáo cho biết: “Chúng tôi đang xem xét thông tin liên quan đến “Tài liệu Panama” và thực hiện các kiểm tra cần thiết. Nếu có chứng cứ về việc làm sai phạm của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào ở Singapore, chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động quyết liệt”.

Tại Singapore, Mossack Fonseca có tất cả 4.050 khách hàng. Dù vậy, Tổ chức Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin thuế đánh giá Singapore đạt mức tương đương Mỹ và Anh trong vấn đề trao đổi thông tin và minh bạch thuế.

Thu giữ nhiều tài liệu của Mossack Fonseca

Ngày 13-4, nhà chức trách Panama thông báo sau 27 giờ lục soát các văn phòng của Công ty luật Mossack Fonseca, họ đã thu giữ được nhiều tài liệu. Tuy nhiên, không có lệnh bắt giữ nào được đưa ra.

Công tố viên Javier Caraballo - người phụ trách vụ khám xét - cho biết hiện các chuyên gia đã truy cập 100 “máy chủ ảo” và một số máy chủ thông thường lưu trữ các hồ sơ của công ty này, và đang tiến hành phân tích các dữ liệu.

Tuy nhiên, công tố viên Caraballo nêu rõ vào thời điểm hiện tại vẫn chưa phát hiện được bất kỳ bằng chứng nào đủ thuyết phục để đưa ra các hành động chống lại Mossack Fonseca.

___________

Kỳ tới: Lấy lại những gì đã mất

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên