13/03/2016 08:54 GMT+7

Tái hiện khúc bi tráng Gạc Ma trên đất liền

DUY THANH
DUY THANH

TT - Mọi người con đất Việt, nhất là các cựu binh Trường Sa và người thân các liệt sĩ Trường Sa, rất chờ mong khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma sớm hoàn thành..

Lao động khẩn trương trên công trường xây dựng khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh: Duy Thanh
Lao động khẩn trương trên công trường xây dựng khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh: Duy Thanh

Ngoài tượng đài, bảo tàng và công viên đang được triển khai trên 2ha tại phía bắc Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma - do Tổng liên đoàn Lao động VN làm chủ đầu tư - sẽ được mở rộng thêm 2,5ha về phía biển với kiến trúc chủ đạo là hình tượng đảo chìm Len Đao và đảo Cô Lin.

Càng gần đến ngày kỷ niệm sự kiện 14-3-1988, khi quân Trung Quốc nổ súng vào những chiến sĩ hải quân đang giữ đảo Gạc Ma ở Trường Sa, thuộc chủ quyền của VN, làm 64 người lính Việt vĩnh viễn ngã xuống, không khí thi công khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma càng thêm khẩn trương.

Bất chấp cái nắng nóng rát của xứ biển Cam Ranh, gần 100 công nhân vẫn miệt mài làm việc trên đồi cát trắng. Dưới chân đồi, nơi 13 nghệ nhân tạc tượng đang làm việc, không gian ngập trong tiếng máy cưa, máy giũa, tiếng đục đá suốt từ sáng sớm đến tối mịt...

Đây là những công trình của lòng dân do công đoàn, công nhân, doanh nghiệp, người dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài đóng góp, không lấy tiền ngân sách, ý nghĩa lớn nhất là ở đấy. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành công trình ý nghĩa này vào ngày 14-3-2017

Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG (chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN)

Tượng đài của lòng yêu nước

Gần bốn tháng qua, các nghệ nhân đến từ tỉnh Ninh Bình ăn ngủ tại công trường để tập trung cho việc tạc tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, tác phẩm của vợ chồng kiến trúc sư Nguyễn Thị Liễu và Lâm Quang Nới, được xem là “trái tim” của khu tưởng niệm.

Hình tượng những chiến sĩ hải quân nhân dân VN anh dũng hi sinh nhưng vẫn chắc tay giữ lá cờ Tổ quốc giữa đảo Gạc Ma trong sự kiện 14-3-1988 đã dần hiện hình, có hồn trên những khối đá granite.

Dùng thước đo từng chi tiết trên tượng thạch cao bằng tỉ lệ với tượng thật, nghệ nhân Đinh Khắc Chuyện tâm sự:

“Mọi người con đất Việt, nhất là các cựu binh Trường Sa và người thân các liệt sĩ Trường Sa, rất chờ mong khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma sớm hoàn thành, nên anh em động viên nhau quên mệt nhọc, quên nỗi nhớ nhà để tập trung hết vào công việc. Chừng một tháng nữa là việc tạc tượng hoàn thành”.

Theo ông Trần Công Kiên - chỉ huy phần tạc tượng, để làm tượng đài, đơn vị thi công đã chở gần 290m3 đá granite từ huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) về công trường. Đây là loại đá xám trắng, bền chắc, phù hợp với điều kiện khí hậu ở duyên hải Nam Trung bộ.

Theo thiết kế, điểm cao 20m trên đỉnh đồi là nơi đặt tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” có chiều cao tổng thể 15,15m, trong đó phần bệ đài cao 1,4m được bố trí nằm dưới hồ nước, thân tượng đài cao 13,75m.

Ông Lâm Quang Nới cho biết tượng đài được cách điệu hình ảnh tám chiến sĩ Gạc Ma hi sinh nằm la liệt, được bố cục một cách tự nhiên để nhấn mạnh và làm nổi bật chiến sĩ ôm chặt lá cờ giữa biển cả mênh mông đầy sóng gió, thể hiện sự đồng tâm hiệp lực quyết một lòng bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc.

Đài tượng là một vòng tròn lớn, trên đó cách điệu sóng nước và những áng mây như cánh chim lạc vừa mang ý nghĩa mặt trời chân lý khẳng định việc bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng là chính nghĩa và cao cả, vừa thể hiện sự thắt chặt đoàn kết quyết tâm đồng lòng của các chiến sĩ cụm đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền năm 1988.

“Mỗi chi tiết, mỗi hạng mục đều mang một ý nghĩa văn hóa, chính trị, tư tưởng rất sâu sắc” - ông Nới cho biết.

Trước mặt tượng đài là một quảng trường rộng có diện tích hơn 920m2, phía sau tượng đài là khu bảo tàng ngầm được bố trí dưới thung lũng của ngọn đồi diện tích 860m2 là nơi trưng bày các hiện vật, tượng 64 chiến sĩ hải quân hi sinh ở Gạc Ma, ở giữa bảo tàng này là hình tượng “vòng tròn bất tử”.

Phía sau cùng của khu quảng trường Hòa Bình có dạng hình tròn, đường kính 12m, có một số phù điêu, hình tượng thể hiện sự khát khao hòa bình của dân tộc VN... Nhiều loại cây xanh, cây hoa cho khu tưởng niệm cũng đã được đem về trồng tại công trường.

Tạc tượng các anh hùng liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma vào ngày 14-3-1988 - Ảnh: Duy Thanh
Tạc tượng các anh hùng liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma vào ngày 14-3-1988 - Ảnh: Duy Thanh

Như đang sống giữa Trường Sa

Theo ông Đặng Ngọc Tùng - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, khi đến thăm công trình này vào tháng 7-2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã bày tỏ sự ủng hộ việc xây dựng khu tưởng niệm này nhằm tạo một không gian tỏ lòng thành kính và biết ơn các liệt sĩ hải quân đã hi sinh vì sự toàn vẹn chủ quyền biển đảo máu thịt của Tổ quốc.

Việc mở rộng công trình cho xứng đáng với tầm vóc lịch sử của sự kiện theo chỉ đạo của Chủ tịch nước, cuối năm 2015 UBND tỉnh Khánh Hòa giao phần đất 2,5ha phía đông khu tưởng niệm và kéo dài sát bờ biển Bãi Dài cho Tổng liên đoàn Lao động VN mở rộng khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.

Cụ thể, khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma còn mở rộng thêm với những ý tưởng tái hiện một phần quần đảo Trường Sa trên đất liền nước Việt.

Đặc biệt, phần diện tích đang triển khai khu tưởng niệm là Gạc Ma cũng xây dựng các hình tượng của đảo Cô Lin, đảo Len Đao cùng một số hình tượng khác, tạo cảm giác cho người tham quan, thăm viếng như đang sống giữa Trường Sa thân yêu; đồng thời cũng có phân khu làm nơi lưu trú cho nhân dân, du khách muốn ở lại để có thêm nguồn thu nhằm phục vụ lại cho khu tưởng niệm.

“Khu tưởng niệm cũng sẽ tạo không gian cộng đồng cho cựu binh và thân nhân liệt sĩ Trường Sa, người dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài tới tưởng niệm, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh giữ nước, góp phần giáo dục bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, tạo thêm một điểm tham quan du lịch đầy ý nghĩa” - ông Tùng cho biết.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn - Trung tâm tư vấn kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, hiện trung tâm đang cụ thể hóa ý tưởng này để sớm triển khai nối tiếp công trình.

Ông Lê Văn Thảo, một cựu binh là nhân chứng sống trong sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988, từng rơi nước mắt xúc động khi tham dự lễ đặt viên đá xây khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma một năm về trước, cho rằng với việc công trình được mở rộng và thiết kế thêm những biểu tượng ở Trường Sa đã tạo “sự xúc động trong tôi không từ ngữ nào tả xiết”.

“Việc xây dựng và mở rộng khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma thể hiện sự ghi nhớ của nhân dân đối với các liệt sĩ, là mong mỏi của các gia đình liệt sĩ cũng như chúng tôi, những người may mắn sống sót.

Mong công trình sớm hoàn thành để gia đình các liệt sĩ và chúng tôi có dịp đến thắp hương tưởng nhớ, hội ngộ với người thân, với đồng đội của mình” - ông Thảo nói.

Chùa Sinh Tồn tổ chức giỗ cho 64 liệt sĩ

Chiều 12-3, trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, đại đức Thích Minh Huy - trụ trì chùa Sinh Tồn ở huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa - cho biết chùa đang chuẩn bị để tổ chức đồng giỗ cho 64 liệt sĩ hi sinh ở Gạc Ma (Trường Sa) vào ngày 14-3.

“8g ngày 14-3, quân và dân trên đảo Sinh Tồn sẽ đến bia tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh ở Gạc Ma đặt ở chùa để làm lễ.

Sau đó, lúc 9g nhà chùa sẽ làm đồng giỗ cho 64 liệt sĩ với một mâm cơm chay năm món do người dân trên đảo nấu” - đại đức Thích Minh Huy nói thêm.

HÀ BÌNH

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên