Tái cơ cấu theo kiểu Vinashin không phải là tái cơ cấu tiến lên, nghĩa là tập đoàn mạnh rồi và tái cơ cấu để phát triển mạnh mẽ hơn. Đó là việc giải quyết tồn tại, sửa chữa sai lầm, nếu không sẽ gây hậu quả rất lớn. Do đó tái cơ cấu Vinashin không thể tạo ra điều kiện giải quyết mới, cũng không đem lại mô hình mới về tập đoàn kinh tế mà chỉ là biện pháp san sẻ bớt khó khăn cho những đơn vị khác.
Nhưng tái cơ cấu Vinashin không chỉ là câu chuyện riêng của Vinashin. Câu chuyện này buộc chúng ta phải nhìn nhận lại mô hình tập đoàn kinh tế. Quốc hội đã giám sát về việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (tại kỳ họp thứ 6, tháng 11-2009) và yêu cầu Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá mô hình tập đoàn kinh tế để kịp thời khắc phục những tồn tại. Nhưng hơn nửa năm trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Tồn tại, bất cập, yếu kém của những tập đoàn, tổng công ty nhà nước xuất phát từ nhiều nguyên nhân vừa sâu xa vừa trực tiếp. Trước hết là môi trường pháp lý còn có vấn đề chưa phù hợp, chưa đồng bộ. Còn có những lỗ hổng lớn chưa bịt được như chưa làm rõ vị trí của các tập đoàn, tổng công ty về phần trách nhiệm xã hội. Chúng ta cũng chưa làm rõ những khai thác lợi thế của các doanh nghiệp này được Nhà nước ưu đãi về đất đai, chính sách, đặc biệt là chính sách đầu tư. Lợi nhuận làm ra thì phần nào thuộc Nhà nước quản lý và thu cho Nhà nước, phần nào lọt vào tay của tập đoàn, tổng công ty để phục vụ quyền lợi riêng tư?
Cuối năm 2005, Vinashin là tổng công ty đầu tiên được Chính phủ đặc cách cho phát hành 750 triệu USD trái phiếu quốc tế để phát triển ngành công nghiệp đóng tàu “đầy hứa hẹn”. Trước sự nghi ngại của dư luận, các chuyên gia và đại biểu Quốc hội về khả năng trả nợ, tổng giám đốc Vinashin lúc đó nói rằng 750 triệu USD chỉ chiếm 1/4 tổng số vốn mà họ cần, “khả năng trả nợ trong tầm tay”…
Không ít người suy nghĩ rằng Vinashin sẽ sớm trở thành một doanh nghiệp khổng lồ, đưa VN sớm trở thành một trong số ít các quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu hàng đầu thế giới. Nhưng sự phát triển dựa trên những phép cộng và mơ tưởng lớn lao đã vượt ra xa khả năng quản trị thực tế. Hãy nhớ rằng mới 10 năm trước đó, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN được thành lập với chỉ 100 tỉ đồng vốn.
Mô hình tập đoàn mới chỉ đang thí điểm, nhưng số lượng tập đoàn được thành lập lại khá nhanh và chưa được chuẩn bị kỹ nên dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình hoạt động. Do thành lập gấp gáp, đôi khi không xuất phát từ thực tiễn mà theo ý chí nguyện vọng của một số doanh nghiệp nên khả năng quản trị kinh doanh của các tập đoàn không đáp ứng được yêu cầu.
Để xảy ra những bất cập, yếu kém tồn tại ở các tập đoàn kinh tế có nguyên nhân từ khả năng kiểm soát, quản lý của các cơ quan nhà nước về mặt thu nhập, nắm bắt, xử lý thông tin và kiểm tra, giám sát. Việc chỉ phát hiện sau khi sự việc xảy ra quá lâu, hậu quả quá nặng nề như Vinashin là một ví dụ. Và việc xử lý không kiên quyết, không kịp thời đã làm hạn chế tác dụng răn đe, khó ngăn chặn các tồn tại nảy sinh và tiếp diễn.
Từ sự kiện tái cấu trúc Vinashin, có lẽ cần sớm tổng kết, đánh giá một cách hoàn chỉnh, toàn diện hoạt động, làm rõ những mặt được và chưa được của mô hình tập đoàn, tổng công ty nhà nước để có cách khắc phục, giải quyết lâu dài và đầy đủ hơn.
Tin bài liên quan:
3 năm sau Vinashin hết khó khănVinashin nợ hơn 80.000 tỉ đồngVinashin vẫn phải trả khoản nợ nước ngoài
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận