02/07/2010 07:30 GMT+7

Vinashin vẫn phải trả khoản nợ nước ngoài

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Lần đầu tiên một tập đoàn nhà nước phải tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tướng. Nhiều đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) phải tách ra, nhập vào Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Hàng hải.

NVZ6oMVI.jpgPhóng to
Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh) thuộc diện chuyển giao cho Vinalines - Ảnh: C.V.K.

Một lãnh đạo Vinashin cho biết sẽ giao một số doanh nghiệp, dự án của Vinashin cho Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines).

Tách nhỏ Vinashin

Vinashin sẽ điều chuyển về PVN nguyên trạng các doanh nghiệp, dự án: Khu công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch (Đồng Nai), phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (Nam Định), Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Tiền Giang), Khu công nghiệp tàu thủy Lai Vu (Hải Dương), gồm cả Công ty công nghiệp tàu thủy Lai Vu.

Vinashin cũng phải điều chuyển về Vinalines Khu công nghiệp và nhà máy đóng tàu Hậu Giang, cảng và nhà máy đóng tàu Năm Căn (Cà Mau), Công ty vận tải Biển Đông, Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh), cảng Vinashin Đình Vũ (Hải Phòng), Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin, phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong các doanh nghiệp vận tải biển khác.

Thời gian bàn giao từ ngày 1-7 đến hết quý 3-2010.

Chỉ tập trung vào đóng tàu

Ông Ngô Thế Việt, tổng giám đốc nội chính Vinashin, nói trước đây do thí điểm mô hình tập đoàn nên Vinashin có cơ chế khá đặc thù, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, bên dưới có các tổng giám đốc điều hành, tổng giám đốc kinh doanh, tổng giám đốc nội chính... Từ 1-7-2010, Vinashin có tổng giám đốc mới chịu trách nhiệm điều hành là ông Trần Quang Vũ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quang Vũ cho biết theo quyết định của Thủ tướng, Vinashin sẽ cơ cấu lại nhưng các doanh nghiệp đóng tàu chủ đạo của Vinashin sẽ vẫn trực thuộc tập đoàn như cũ. Vốn, tài sản tại doanh nghiệp của Vinashin được chuyển giao cho đơn vị khác nhưng ông Vũ khẳng định không phải ở mức chia ba.

Theo ông Trần Quang Vũ, lãnh đạo Vinashin đang tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tái cơ cấu và sẽ thông tin những vấn đề cụ thể cho báo chí ngay khi có thể. “Doanh nghiệp giấu giếm thì không thể phát triển nổi” - ông Vũ khẳng định. Trước câu hỏi các khoản nợ nếu thuộc trách nhiệm của các doanh nghiệp chuyển đi (sáp nhập vào PVN hoặc Vinalines) phải trả sẽ xử lý thế nào, ông Vũ cho biết đã làm việc với Bộ Tài chính và thống nhất: “Các khoản nợ nước ngoài Vinashin sẽ vẫn chịu trách nhiệm trả”.

Ông Trần Quang Vũ nói bản thân từng làm ở Vinashin nhiều năm, am hiểu những vấn đề của Vinashin nên cũng gặp thuận lợi trong điều hành trên cương vị, trách nhiệm mới. Định hướng của tập đoàn trong thời gian tới, ông Vũ cam kết thực hiện “hết sức quyết liệt” việc tập trung vào đóng tàu và chế tạo, tránh dàn trải.

PVN không “chê”

Trước việc tiếp nhận các doanh nghiệp của Vinashin, đại diện Vinalines tỏ ra khá dè dặt, không bình luận và khẳng định sẽ thực hiện đúng quyết định của Thủ tướng.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Sự - phó tổng giám đốc PVN - khẳng định tập đoàn này không “chê” bất cứ doanh nghiệp, dự án nào từ Vinashin bàn giao sang và bác bỏ thông tin PVN không muốn nhận một số dự án, doanh nghiệp. “PVN sẽ nhận nguyên trạng các doanh nghiệp, dự án mà Vinashin bàn giao theo đúng quyết định của Thủ tướng. Vinashin và PVN đều là doanh nghiệp nhà nước, việc hỗ trợ nhau là bình thường” - ông Sự nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sự, tinh thần của PVN là sẽ nhận bàn giao các doanh nghiệp với các báo cáo tài chính đã được kiểm toán để minh bạch tài sản các doanh nghiệp trên. Trả lời câu hỏi về công tác nhân sự sau khi tiếp nhận tại các doanh nghiệp mới chuyển về, ông Sự khẳng định PVN không đặt ưu tiên giải quyết vấn đề nhân sự mà phải tạo cho cán bộ công nhân viên mới ổn định tâm lý để làm tốt công việc. “Mục đích việc chuyển giao là để hoạt động sản xuất kinh doanh tốt lên chứ không phải xử lý anh này, anh kia” - ông Sự nói và cho biết PVN sẽ dùng tiềm lực của mình để hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp mới được bàn giao.

Việc nhận các doanh nghiệp mới, theo một số chuyên gia, có thể khiến đầu tư ngoài ngành của PVN cao lên nhưng ông Nguyễn Ngọc Sự cho biết hiện tại dầu khí cũng đang đầu tư vào chế tạo giàn khoan, cũng phải có đội tàu nên các dự án Vinashin chuyển giao không hẳn là ngoài ngành. Về nợ của các dự án, doanh nghiệp này, ông Sự cũng lạc quan vì các dự án đang đầu tư thì việc vay nợ và chưa có hiệu quả là bình thường. “Vấn đề ở chỗ những cái đã giao cho PVN, chúng tôi sẽ hỗ trợ và tin rằng sẽ tốt lên” - ông Sự nói.

Bộ Giao thông vận tải:

Ngày 1-7, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có thông cáo báo chí về việc tái cơ cấu Vinashin. Theo đó, Bộ GTVT đánh giá Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN (tiền thân của Vinashin) được thành lập từ năm 1996 với vốn điều lệ chỉ hơn 100 tỉ đồng, công nghệ lạc hậu, thị trường nhỏ bé, nay đã phát triển thành tập đoàn kinh tế mạnh về cơ khí chế tạo (công nghiệp đóng tàu)... Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới từ giữa năm 2008 đã ảnh hưởng nặng nề đến Vinashin gây ra khó khăn về tài chính, không huy động được nguồn vốn vay nước ngoài, cam kết vốn của một số ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước bị hủy... dẫn đến không đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án đầu tư đang thực hiện.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu trên, Bộ GTVT còn đưa ra các nguyên nhân chủ quan như: đầu tư dàn trải, quản lý dự án, công nợ, dòng tiền... còn hạn chế, hệ thống quản lý có nhiều khâu chưa theo kịp. Do đó hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của tập đoàn rơi vào tình trạng rất khó khăn, phải khẩn trương, kiên quyết cơ cấu lại, cả về tổ chức sản xuất kinh doanh, đầu tư tài chính, với yêu cầu: duy trì, phát triển ngành công nghiệp cơ khí đóng, sửa chữa tàu biển; khai thác sử dụng có hiệu quả các dự án, các năng lực sản xuất kinh doanh đã và đang đầu tư; không để ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Bộ GTVT cho biết ngày 18-6-2010, Thủ tướng đã ban hành quyết định về việc tái cơ cấu Vinashin, đến ngày 21-6-2010 Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ đã có buổi làm việc với Vinashin để triển khai quyết định này. Bộ yêu cầu tập đoàn phải duy trì hoạt động bình thường của các cơ sở mà tập đoàn đang quản lý và chuyển giao ngay các cơ sở theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

V.V.Thành

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên