15/05/2012 06:02 GMT+7

Tác phẩm nghệ thuật nằm lăn lóc

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - “Về thăm trường, thấy tác phẩm của nhiều thế hệ giảng viên, nghệ sĩ rất có giá trị nằm bừa bãi, đang bị hủy hoại mà quá đau lòng...!”

Một cựu giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế đã nói như vậy về số phận của hàng nghìn tác phẩm đang được lưu giữ tại trường này.

7lbLvu7T.jpgPhóng to
Tượng cô gái đang đánh đàn tranh không còn tay ở Trường ĐH Nghệ thuật Huế - Ảnh: THÁI LỘC

Phần lớn trong số đó là tác phẩm của các thế hệ sinh viên và một số giảng viên của trường, trong đó đa số là độc bản và nhiều tác phẩm có giá trị.

Thanh lý tác phẩm giá... bèo

Không chỉ những tác giả cảm thấy đau lòng mà nhiều giảng viên, sinh viên, và có lẽ bất cứ ai yêu nghệ thuật đều cảm thấy xót xa trước cảnh tượng các tác phẩm điêu khắc nằm ngổn ngang nhiều nơi trong khuôn viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế. Đập vào mắt trước tiên là cảnh hàng chục tác phẩm tượng tròn cỡ lớn với rất nhiều loại chất liệu được đặt la liệt ở bancông và quanh dãy nhà thuộc khoa điêu khắc. Nhiều cái trong đó bị nứt nẻ, trầy xước, mục mủn. Ở bên hông và góc sau khu nhà hiệu bộ, hàng chục bức tượng khác nằm chất đống ngổn ngang, lăn lóc dưới gốc cây, lẫn trong bãi cỏ, đặt cạnh... một cái bồn cầu bị hỏng. Có tượng thì gãy đầu, mất tay, nứt nẻ, có tượng chỉ còn một thành phần trông rất buồn cười...

Ấn tượng nhất là bức tượng cô gái khỏa thân tay bị gãy, lưng bị vỡ, những lõi sắt bên trong lòi ra ngoài, hay cô gái đang ngồi đàn nhưng hai bàn tay chỉ còn là mấy gọng sắt. “Bãi tượng” ở trước dãy nhà khoa hội họa trong tình trạng thật tệ hại: nhiều tác phẩm “chen chúc” nhau nằm lẫn trong cỏ, chất lớp trên mép hành lang, nhiều cái bằng thạch cao và ximăng thì nứt gãy, vỡ nát; bằng gỗ thì mục ruỗng...

Ngoài ra, hàng trăm tác phẩm hội họa còn lưu giữ tại khoa hội họa và khoa sư phạm mỹ thuật trong tình trạng chất đống bừa bãi, đang bị phá hủy dần. Không chỉ có thế, theo họa sĩ Nguyễn Đức Huy, trưởng phòng khoa học - công nghệ - hợp tác quốc tế trường này, năm 2009 sau khi đi dạy ở Pháp về, anh bất ngờ nhặt được tác phẩm sơn dầu của H.S., một người bạn học cùng khóa, ở... nhà vệ sinh của trường. Vào khoa sơn mài, anh thấy một sinh viên đang mài một tác phẩm sơn mài cũ để chồng lên lớp sơn mới làm bài tập. Cất công tìm hiểu, họa sĩ Huy mới tá hỏa khi cả kho bài tập và tác phẩm tốt nghiệp sinh viên bằng sơn mài, lụa, sơn dầu, bột màu... đã bị khoa hội họa tổ chức thanh lý với giá rẻ như... bèo. Điều này có nghĩa tác phẩm của hơn 10 khóa đào tạo sinh viên coi như đi tong. Theo lời họa sĩ Phan Thanh Bình, hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Huế, có đợt tác phẩm hỏng hóc nhiều quá phải đem ra chất đống để tiêu hủy...

Thiếu vắng ký ức

Trường ĐH Nghệ thuật Huế vừa tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày thành lập vào tháng 4-2012. Lịch sử 55 năm ấy từng có đến hàng nghìn giảng viên và sinh viên họa sĩ đã để lại tác phẩm ở trường. Rất nhiều tác giả danh tiếng từng học ở trường này như: Tôn Thất Đào, Đinh Cường, Phạm Đăng Trí, Tôn Thất Văn, Lê Thành Nhơn... Thế nhưng cho đến nay trường không hề có nhà trưng bày, nhà truyền thống để lưu giữ tác phẩm của các thế hệ trong chuỗi nối tiếp ấy. “Trường không có kế hoạch, không có chủ trương giữ gìn tác phẩm. Đây chính là một thiệt thòi lớn không chỉ của sinh viên mà còn của nhà trường nữa. Điều này chẳng khác sự thiếu vắng ký ức, chối bỏ truyền thống mà lẽ ra phải được tích lũy từng tí một” - họa sĩ Nguyễn Đức Huy nói gay gắt.

Họa sĩ Võ Xuân Huy (giảng viên khoa mỹ thuật ứng dụng) cho rằng những tác phẩm có chất lượng và tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên chính là thương hiệu và dấu ấn chất lượng của một trường nghệ thuật. Họa sĩ Võ Xuân Huy nói: “Mỹ thuật là lịch sử của hiện vật chứ không thể nói suông được! Không có nhà trưng bày, công tác lưu trữ không đến nơi đến chốn làm cho công tác đào tạo có cảm giác bấp bênh, thiếu truyền thống và nền tảng. Đó là chưa nói đến sự lãng phí rất lớn!”.

Họa sĩ Phan Thanh Bình cho biết không có chuyện nhà trường chủ trương bán rẻ hay phá bỏ tác phẩm sinh viên. Việc hỏng hóc một phần là do tháo dỡ khi chuyển trường từ Đại nội ra trụ sở hiện nay mà trường không có tiền làm lại. Còn tranh thì bị trận lụt năm 1999 làm hỏng 90% buộc trường phải tiêu hủy và thanh lý. “Cho đến hiện nay việc xây dựng phòng học còn chưa đủ vì ĐH Huế đầu tư quá ít, nên không thể xây dựng bảo tàng để lưu trữ được!” - ông Bình nói. Mặt khác, vài năm trở lại đây trường không đầu tư tiền cho sinh viên làm tác phẩm tốt nghiệp nên không còn giữ những tác phẩm của sinh viên như trước, mà chỉ vận động sinh viên để lại những tác phẩm giá trị cao.

Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM: Vẫn chưa có kho bảo quản

Hiện trạng bảo quản tác phẩm ở Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM được họa sĩ Nguyễn Văn Minh - trưởng phòng quan hệ quốc tế của trường - nhận xét là chưa được tốt lắm. Lý do là cơ sở phòng ốc của trường còn thiếu hụt, chưa có kho lưu quản riêng, tác phẩm bảo quản còn để rải rác nhiều nơi... Trường đã có một phòng truyền thống trưng bày tác phẩm của các thế hệ thầy trò của trường nhưng quy mô của phòng còn nhỏ, chưa tương xứng. Ông Minh cho biết hiện tại trường đã có kế hoạch làm vệ sinh, bảo trì, phủ bề mặt bảo vệ... các tác phẩm này để gìn giữ tốt hơn. Hiện nay, các tác phẩm là do sinh viên đầu tư, nên nếu trường muốn giữ lại thì sẽ hoàn trả cho sinh viên một số chi phí. Việc lưu giữ cũng phải có giấy tờ xác nhận.

Những tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên được đánh giá cao bởi công sức đầu tư của họa sĩ trẻ và thầy hướng dẫn, cho nên giới sưu tập cũng có sự thích thú riêng với dòng tranh này. Đối với những họa sĩ đã thành danh thì tranh tốt nghiệp của họ trở nên quý giá là lẽ đương nhiên, nhưng tranh của họa sĩ trẻ cũng thu hút bởi sự tươi mới hay tài năng hứa hẹn... Tuy chưa phải là phổ biến, nhưng thực tế đã có những nhà sưu tập bắt đầu mua tranh tốt nghiệp.

Anh Lê Thái Sơn - chủ Lê Thái Sơn gallery - tỏ ra hứng thú khi tiết lộ anh mua cả phác thảo tốt nghiệp của sinh viên. Cái khó của các nhà sưu tập theo anh là sự thiếu thông tin, bởi vì những bức tranh tốt nghiệp thường chỉ được trưng bày nội bộ trong trường. Cho nên đề xuất của chủ phòng tranh Lê Thái Sơn là giá như có những buổi triển lãm giới thiệu tranh tốt nghiệp công khai, như vậy các nhà sưu tập và công chúng sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận tranh của họa sĩ trẻ hơn.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên